Mở lối ra phát triển bền vững cho nông sản Việt

LINH NGA 19/05/2021 10:59

Với những nỗ lực của cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử, nông sản Việt Nam đang có mặt ngày càng nhiều trên các chợ trực tuyến, tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.

Thanh toán mã QR code, áp dụng công nghệ Blockchain… là cách các sàn thương mại điện tử sử dụng để tiêu thụ nông sản Việt khi tình hình dịch Covid-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sơn La có 100 nghìn tấn xoài, mận đang cho thu hoạch, 100 nghìn tấn nhãn cũng sắp vào vụ, Hải Dương, Bắc Giang có tới 340 nghìn tấn vải bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 5 này. Điểm chung của những loại nông sản này thời vụ ngắn, sản lượng nhiều nên áp lực tiêu thụ là rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, việc vận chuyển, tiêu thụ không được thuận lợi như mọi năm. Để khắc phục những khó khăn trên, ngay từ đầu vụ, các địa phương ngoài việc tập trung vào những kênh tiêu thụ truyền thống, họ còn chú trọng đưa nông sản lên các trang thương mại điện tử.

Ông James Dong, Giám đốc điều hành của Lazada Việt Nam cho biết, chỉ sau 4 giờ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Lazada, 1 tấn vải u trứng của Hải Dương đã được tiêu thụ. Còn ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho hay: 25 tấn rau sạch của Hải Dương đã được sàn thương mại điện tử Sendo tiêu thụ trong thời gian 6 ngày.

Bà Đỗ Hoàng Anh, Phó chủ tịch Công ty CP Những ngôi sao liên kết, cho biết mùa vải năm 2020, doanh nghiệp này từng phối hợp với 5 HTX trồng vải tại Bắc Giang để đưa đặc sản này lên fanpage sàn thương mại điện tử: www.vaithieubacgiang.vn trên cả 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Ngay mùa đầu tiên, sàn này đã giao dịch thành công trên 200 tấn vải thiều. Fanpage cũng có nhiều khách từ Singapore và Ấn Độ tương tác hỏi thông tin, yêu cầu gửi báo giá.

Lúc đầu người nông dân, chủ các hợp tác xã có thể chưa quen với các thao tác về giới thiệu sản phẩm, chốt đơn cũng như cũng như tổ chức dịch vụ logistics đưa hàng đến tay khách hàng; nhưng chỉ sau hơn một tháng được đào tạo, chủ các vườn vải đã quen và làm tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại), cho hay việc đưa hàng, nhất là nông sản lên mạng để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng. Cục đang làm việc với sàn Alibaba.com để mở một gian hàng quốc gia trên trang này, nhằm đưa hàng Việt ra thế giới.

Với “chợ nông sản 4.0” này, sản phẩm của người nông dân, doanh nghiệp làm ra có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng mà không phải qua bất cứ mắt xích trung gian nào, qua đó có thể giảm giá thành, tăng cường điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Là một nước xuất khẩu gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn nhất nhì thế giới nhưng những sản phẩm nông sản Việt Nam lại ít tạo nên dấu ấn với người tiêu dùng thế giới vì không có tên tuổi hoặc khả năng cạnh tranh yếu kém.

Số liệu thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ cho thấy, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường quốc tế bị “đội lốt” các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành yếu tố rất quan trọng để có thể trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải giữ chữ tín để có thể tồn tại lâu dài chứ không phải là một phương án tạm thời trong mùa dịch. Lên sàn thương mại điện tử đang trở thành phương thức hữu hiệu tạo lối ra ổn định cho nông sản, kết nối thị trường trong cả nước, hướng tới sự phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp với nông sản Việt

    Khởi nghiệp với nông sản Việt

    04:25, 16/01/2021

  • RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

    RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

    15:34, 15/01/2021

  • Bệ đỡ giúp nông sản Việt xâm nhập thị trường ngoại

    Bệ đỡ giúp nông sản Việt xâm nhập thị trường ngoại

    02:00, 23/12/2020

  • Làm sao để nông sản Việt “chiếm lĩnh” thị trường tiêu dùng Việt?

    Làm sao để nông sản Việt “chiếm lĩnh” thị trường tiêu dùng Việt?

    00:13, 30/11/2020

  • Gỡ vướng cho sản phẩm nông sản Việt ngay trên sân nhà

    Gỡ vướng cho sản phẩm nông sản Việt ngay trên sân nhà

    06:00, 24/11/2020

  • Hiệp định RCEP với các ngành (Kỳ 1): Nông sản Việt hưởng lợi ra sao?

    Hiệp định RCEP với các ngành (Kỳ 1): Nông sản Việt hưởng lợi ra sao?

    04:30, 24/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở lối ra phát triển bền vững cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO