Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang dần trở nên ít lạc quan hơn khi quốc gia này tiếp tục thực hiện chính sách "zero COVID".
>>Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid
Trong bối cảnh thất vọng ngày càng tăng, người dân và các nhà đầu tư tại Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về sự thay đổi chính sách phòng chống dịch COVID-19 tại Đại hội đảng lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong tuần này, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng các bài bình luận, kêu gọi người dân tăng cường niềm tin và sự kiên nhẫn với chiến lược “zero COVID”, đồng thời cảnh báo tâm lý mệt mỏi lơ là trong chống dịch.
Bài bình luận khẳng định, dịch bệnh là một phép thử lớn. Chỉ khi ngăn chặn được dịch bệnh, kinh tế mới có thể ổn định, cuộc sống của người dân mới được bình yên. Theo bài viết, Trung Quốc là quốc gia lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, do sự phát triển giữa các vùng miền không đồng đều và nguồn lực y tế chưa đầy đủ, nên việc nới lỏng kiểm soát dịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các nhóm dễ bị lây nhiễm. Nếu dịch bùng phát và lây lan trên quy mô lớn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội và gây ra thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc.
Bài viết của tờ Nhân dân Nhật báo đã tái khẳng định, “zero COVID năng động” là chiến lược chống dịch có chi phí xã hội tổng thể thấp nhất và là lựa chọn tốt nhất để kiểm soát kịp thời dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay” ở Trung Quốc, do vậy cần phải tiếp tục kiên trì chính sách này.
Ông Harald Kumpfert, Giám đốc chi nhánh Thẩm Dương của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết tâm trạng hiện tại của các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang "thực sự đi xuống" và nhiều người đang tìm kiếm sự thay đổi về chính sách chống dịch của Trung Quốc khi Đại hội 20 diễn ra, bao gồm cả việc mở cửa lại biên giới. “Nếu không có thay đổi chính sách phòng chống dịch COVID-19, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, sẽ mất hy vọng", ông Harald Kumpfert nhấn mạnh.
>>“Cơn gió ngược” từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc
Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, do bị đình trệ sản xuất, kinh doanh kéo dài, nên nhiều công ty châu Âu và Mỹ đang có kế hoạch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác. Ông Christoph Schrempp, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở Thiên Tân chia sẻ trên SCMP rằng đã có những doanh nghiệp sản xuất phần mềm châu Âu chuyển trụ sở chính từ thành phố Thiên Tân sang Singapore. Theo ông, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang có xu hướng xấu đi và đây là một tình huống khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Trên thực tế, nhiều chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực nội địa, có thể sắp cạn kiệt nguồn tài chính do chính sách zero COVID kéo dài. Ngân sách của một số quận đang sụt giảm nhanh chóng, giới chức địa phương đã bắt đầu triển khai một số biện pháp để tăng nguồn thu ngân sách, bao gồm các khoản phạt nặng bất thường vì bán cần tây không đạt tiêu chuẩn...
Việc kéo dài các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng được cho là đã thúc đẩy tình trạng chảy máu chất xám và dòng vốn khỏi nền kinh tế số 2 thế giới ngày càng lớn hơn. Mặc dù đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc có thể sớm nới lỏng các hạn chế phòng dịch, tuy nhiên thời điểm chính xác để Trung Quốc chấm dứt thực hiện zero COVID vẫn chỉ đang dừng ở mức suy đoán.
Ông Colm Rafferty, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, theo một cuộc khảo sát được tiến hành vào đầu năm nay, khoảng 77% doanh nghiệp Mỹ cho rằng thời gian cách ly và các biện pháp phong tỏa là lý do chính khiến nhân viên nước ngoài rời đi hoặc từ chối chuyển đến Trung Quốc. Hiện tại, các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đều đang tiến hành lên kế hoạch thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro cho mọi tình huống, trong đó có việc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia lân cận.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc có thể quyết tâm giữ vững chiến lược Zero COVID. Tuy nhiên, tình hình tài chính công suy yếu nhanh chóng sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành động.
Có thể bạn quan tâm
Olympic Bắc Kinh 2022 thách thức chiến lược zero Covid
14:07, 08/02/2022
Thách thức chiến lược zero Covid của Trung Quốc trong năm 2022
03:14, 07/01/2022
Tính khả thi của chiến lược "Zero Covid" mà Trung Quốc kiên quyết theo đuổi
05:00, 23/11/2021
Trung Quốc và nỗi ám ảnh mang tên "zero Covid"
05:00, 04/11/2021
Trung Quốc có dễ từ bỏ "zero Covid"?
04:47, 17/10/2021