Niềm tin kinh doanh của các CEO thuộc các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc đã phục hồi nhẹ trong sáu tháng qua.
>> Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại hay đi vào ổn định?
Theo một cuộc khảo sát mới do The Conference Board thực hiện, các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia vẫn "lạc quan thận trọng" về nền kinh tế Trung Quốc trước tình trạng tiêu dùng giảm sút, sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty trong nước, sự gián đoạn về quy định, lợi nhuận khó kiếm hơn và bất ổn địa chính trị.
Niềm tin của các giám đốc điều hành vào Trung Quốc đã tăng nhẹ lên 56, từ mức 54 của sáu tháng trước, trên thang điểm từ 0 đến 100, đồng thời ghi nhận nhiều phản hồi tiêu cực hơn là tích cực.
Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc tại The Conference Board cho biết: "Tác động kết hợp của các yếu tố thị trường, kinh tế, chính sách và địa chính trị đang dẫn đến sự xuất hiện của một thực tế cạnh tranh mới thử thách khả năng phục hồi của doanh nghiệp theo cách chưa từng có trước đây".
Ông cũng cho biết thêm, mức tiêu thụ vẫn còn yếu và các công ty trong nước của Trung Quốc đang đấu tranh quyết liệt để giành thị phần. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị đang dẫn đến việc đánh giá lại vị thế của Trung Quốc như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo khảo sát, 35% CEO cho biết tình hình hiện tại tốt hơn so với sáu tháng trước. Con số này tăng so với mức 31% trong nửa cuối năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 88% trong nửa đầu năm 2023.
Về tiềm năng dài hạn, 51% CEO cho biết nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc ít nhất sẽ cao hơn mức trung bình toàn cầu trong năm năm tới, và 26% cho biết nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ ngang bằng với các thị trường lớn khác.
>> Hydro xanh: Trụ cột thứ tư của kinh tế Trung Quốc
Bất chấp triển vọng về doanh số và đầu tư được cải thiện, nhưng dự định tuyển dụng của các doanh nghiệp lại tiếp tục giảm xuống mức tiêu cực. Khoảng 32% số lượng chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong sáu tháng tới, chỉ giảm nhẹ so với 37% trong nửa cuối năm 2023. Chỉ có 6% doanh nghiệp dự định sẽ tăng nguồn nhân lực.
Các CEO cho biết, điều quan trọng là đạt được sự thống nhất chặt chẽ với trụ sở chính về chiến lược quản trị rủi ro tại Trung Quốc, cùng với việc đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định độc lập. Đây là những yếu tố quan trọng để thành công tại thị trường Trung Quốc.
Một số chuyên gia nhận định: “Các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại các chiến lược để bảo vệ thị phần tại Trung Quốc bằng cách tăng cường năng lực cốt lõi và cải thiện quản trị rủi ro, đồng thời duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa trụ sở chính toàn cầu và hoạt động tại quốc gia này”.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 35% CEO cho biết mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn trong ba năm tới, trong khi 55% cho biết mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ sẽ suy giảm trong những năm tới.
Theo cuộc khảo sát, 71% CEO cho biết họ đang mở rộng hoạt động nội địa hóa, đầu tư và hoạt động vận hành tại Trung Quốc. 29% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang củng cố năng lực sản xuất ở các khu vực khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Đông Nam Á và Bắc Mỹ, để đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình.
Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào Châu Âu đã trở lại mức tích cực, tăng lên mức 58 điểm trong nửa đầu năm nay từ mức 42 điểm trong sáu tháng trước. Tại Mỹ, nơi cuộc khảo sát được tiến hành theo quý, sự tự tin của CEO cũng phục hồi lên trên 54 điểm trong quý 2 năm nay, tăng so với mức 46 điểm của hai quý trước.
Có thể bạn quan tâm
“Vũ khí bí mật" của xe điện Trung Quốc
04:30, 17/06/2024
Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại hay đi vào ổn định?
03:30, 17/06/2024
Hydro xanh: Trụ cột thứ tư của kinh tế Trung Quốc
03:00, 16/06/2024
Đánh thuế xe điện Trung Quốc, châu Âu sẽ chịu thiệt?
04:00, 15/06/2024
"Nối gót" Mỹ, EU sẽ áp mức thuế nào với xe điện Trung Quốc?
03:30, 13/06/2024