Theo một số nhà thầu, ba “kịch bản” thầu xoay quanh những yêu cầu về mức độ đáp ứng đối với vật liệu bê tông được “cài” vào hồ sơ mời thầu, đã khiến nhiều nhà thầu bức xúc nên nảy sinh kiến nghị…
Thời gian qua, mặc dù tất cả hồ sơ mời thầu được yêu cầu công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, tuy nhiên, một số nhà thầu cho biết tại nhiều gói thầu, họ không có cách nào tiếp cận được hồ sơ mời thầu. Cụ thể, theo các nhà thầu, có ba “kịch bản” quen thuộc liên quan tới vật liệu bê tông thường xuyên được bên mời thầu sử dụng.
Các tiêu chí “bắt bí” nhà thầu
Theo đó, hồ sơ mời thầu quy định nhiều trường hợp để nhà thầu lựa chọn đáp ứng, tuy nhiên vẫn dẫn tới kiến nghị của nhà thầu.
Điển hình như tại Gói thầu số 08.XL thuộc Dự án Đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân, Hà Tĩnh (giá trị hợp đồng 97,324 tỷ đồng), cả hồ sơ mời thầu quy định, đối với vật liệu bê tông nhựa (vật liệu chính), nhà thầu được đánh giá là đạt khi đáp ứng: (1) Trường hợp tự sản xuất: nhà thầu phải có trạm trộn bê tông nhựa công suất ≥ 120T/h và khoảng cách từ vị trí trạm trộn đến chân công trình ≤ 70km; kèm theo đó là tài liệu chứng minh trạm trộn đang hoạt động bình thường..; hoặc (2) Trường hợp mua/thuê trạm trộn: nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp (hoặc đơn vị cho thuê); hoặc (3) Trường hợp tự xây dựng trạm trộn: nhà thầu phải đính kèm đầy đủ các văn bản pháp lý để làm cơ sở lắp dựng trạm (bao gồm: hợp đồng thuê mặt bằng dựng trạm; chứng nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản cho phép dựng trạm của cơ quan có thẩm quyền...).
Một nhà thầu (xin giấu tên) cho rằng, đối với Trường hợp (1), qua khảo sát, trong phạm vi < 70km trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có khoảng 2 đến 3 trạm đáp ứng, do đó, khó đảm bảo tính cạnh tranh đối với nhà thầu đến từ địa phương khác. Còn tại Trường hợp (3), nhà thầu cho rằng việc “xoay xở” được đầy đủ giấy tờ pháp lý trước thời điểm đóng thầu là hoàn toàn “bất khả thi”.
Cũng tại Hà Tĩnh, Gói thầu 01.XL thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng các xã chịu ảnh hưởng của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (dự toán 82,471 tỷ đồng) ghi nhận “kịch bản” mời thầu tương tự kể trên. Tuy nhiên, tại Gói thầu 01.XL, bê tông lại không được quy định là vật liệu chính.
“Kịch bản” thứ hai theo một số nhà thầu, chính là việc “cài” tiêu chí địa bàn. Minh chứng điển hình là Gói thầu số 2 Xây dựng thuộc Dự án Trường THCS xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chứng minh sở hữu trạm trộn bê tông đang hoạt động, hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng trong phạm vi ≤ 20 km so với địa điểm xây dựng công trình/trong địa bàn tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng cho biết, một “kịch bản” khác được các chủ đầu tư áp dụng khá thường xuyên tại nhiều gói thầu, đó là việc cả hồ sơ mời thầu chỉ đánh giá đối với trường hợp nhà thầu sở hữu trạm trộn bê tông.
Theo đó, một số nhà thầu bức xúc cho rằng, chủ đầu tư sử dụng tiêu chí này nhằm định hướng cho các nhà thầu “thân hữu”, “sân sau”, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, làm méo mó hoạt động đấu thầu.
Với từng yêu cầu trong HSMT vẫn có nhiều nhà thầu có thể đáp ứng được, nhưng khi tổng hợp lại tất cả những tiêu chí đưa ra thì chỉ có một nhà thầu hoặc số ít nhà thầu có thể đáp ứng đầy đủ. Đối với các tình huống như trên đã có không ít nhà thầu gặp phải, có nhà thầu chọn cách rút lui, chịu thua thiệt, có nhà thầu lại chọn con đường khác như dựa vào mối quan hệ, nguồn lực.
Nên cân nhắc trước khi “chắp bút ra đề”
Tuy nhiên, để lý giải về điều này, nhiều chủ đầu tư lại cho rằng, đây là tiêu chí nằm trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, do đó, các yêu cầu được xây dựng cần chặt chẽ, nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực kỹ thuật thực hiện Gói thầu. Mặt khác, bê tông là vật liệu đặc thù, cần đảm bảo tiêu chuẩn về nhiệt độ khi đưa vào thi công. Từ đó, đòi hỏi quy định chi tiết về khoảng cách trạm trộn đến vị trí công trình.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, thạc sĩ luật gia Trần Hồng Tình - một chuyên gia đấu thầu cho rằng, đối với các trường hợp cả hồ sơ mời thầu đưa ra các tiêu chí mang tính cục bộ, địa phương, thì không loại trừ khả năng gây ra các hạn chế cạnh tranh.
Riêng đối với “kịch bản” thứ nhất, chủ đầu tư có lý lẽ khi xây dựng các tiêu chí mời thầu như trên. Theo đánh giá, các tiêu chí này được chủ đầu tư xây dựng khá hợp lý, đồng thời, phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt/không đạt tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT. Chia sẻ với góc nhìn của các chủ đầu tư, trước tình trạng “đội giá”, “nhiễu giá” nguyên vật liệu ngày càng phổ biến, vị chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư càng phải chặt chẽ khi đưa ra tiêu chí đánh giá.
“Chủ đầu tư nên cân nhắc quy mô, tính chất gói thầu trước khi “chắp bút ra đề”. Nhất là đối với những gói thầu không quy định bê tông là vật liệu chính, khối lượng vật liệu bê tông cần sử dụng trong thi công không lớn, không đòi hỏi cao về tính đặc thù của vật liệu, để không “mang tiếng” làm khó hay đánh đố nhà thầu”, luật gia Trần Hồng Tình chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
“Khoảng tối” trong đấu thầu ở Gia Lai: “Điệp khúc” bảo lưu... tiêu chí mời thầu
11:00, 07/07/2021
“Khoảng tối” trong đấu thầu tại Gia Lai: Những tiêu chí “bắt bí” nhà thầu
11:06, 30/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Vì sao tỉnh Bắc Kạn không xử lý nhà thầu gian dối?
04:00, 29/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Tiêu chí lỗi thời “hành” nhà thầu lạ
11:00, 24/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Chuyện “lạ” ở Hà Nam
11:00, 17/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: “Quân xanh, quân đỏ” biến hình
10:58, 09/06/2021