Nỗi “ám ảnh” mang tên titan tại Quảng Trị

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 16/09/2023 03:30

Được và mất xung quanh câu chuyện khai thác tài nguyên titan tại Quảng Trị vẫn còn quá nhiều điều để nói. Một trong những số đó là nỗi sợ hãi và bức xúc của người dân.

>>Khai thác titan tại Quảng Trị khiến quê nghèo “dậy sóng”

Titan là kim loại có khối lượng nhẹ, độ bền cao và không bị ăn mòn, chính vì vậy mà vật liệu này được ứng dụng rộng rãi sản xuất thiết bị gia dụng phổ thông, trang sức, y học đến chế tạo máy móc đặc chủng. Kéo theo cơn “sốt” khai thác titan thô ở các tỉnh duyên hải Miền Trung, được cũng nhiều nhưng mất mát không ít!

Quy trình đào titan khá đơn giản, đầu tiên người ta mở miệng hố rộng và sâu, sau đó đưa hệ thống ống hút lên bè trong lòng hồ, thọc sâu vài chục mét vào lòng đất hút cát chuyển về nơi tuyển rửa, lấy titan xong còn phần cát thải. Do vậy, khai thác titan tác động trực tiếp làm đứt gãy cấu trúc địa chất ở độ sâu 10 - 50m, ảnh hưởng lên thổ nhưỡng, nguồn nước - khó phát hiện.

Phía Đông xã Gio Mỹ có trữ lượng titan khá lớn (Ảnh cắt từ Google Map)

Triền phía Đông xã Gio Mỹ có trữ lượng titan khá lớn (Ảnh cắt từ Google Map)

Hơn 20 năm trước người dân xã Gio Mỹ - huyện Gio Linh (Quảng Trị) lần đầu tiên biết đến loại khoáng sản này. Từ mừng vui phấn khởi chào đón nhà khai khoáng đến tâm lý đề phòng sợ hãi, phẫn uất - là câu chuyện chưa có hồi kết xung quanh thứ kim loại màu đen huyền bí này.

Người đầu tiên chúng tôi gặp tìm hiểu câu chuyện là đương kim Chủ tịch xã Gio Mỹ, ông Mai Văn Sâm. Từ năm 2002 đến năm 2022, có 3 doanh nghiệp là Công ty Tín Đạt Thành, Công ty Thống Nhất và Công ty Hiếu Giang khai thác titan trên diện tích hơn 100 hecta thuộc các thôn Thụy Khê, An Mỹ, Cẩm Phổ.

Theo ông Sâm, giá bồi hoàn thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân thời điểm đó 250 triệu đồng/hecta, nguồn kinh phí dùng vào việc xây dựng hạ tầng đường sá, công trình phúc lợi, tài trợ hoạt động an sinh trên địa bàn. Cuối năm 2022, doanh nghiệp cuối cùng là Công ty Hiếu Giang đã đóng mỏ, dừng toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản.

Khi được hỏi về trách nhiệm với môi trường sinh thái, vị Chủ tịch xã cho rằng: “đến nay tất cả diện tích khai thác được hoàn thổ, trồng cây tràm tái phủ xanh phát triển tốt. Doanh nghiệp cơ bản tuân thủ quy định cho thuê đất của tỉnh, dưới sự giám sát của địa phương”.

Một khu vực đã từng khai thác titan (Ảnh: Khắc Trà)

Một khu vực đã từng khai thác titan tại xã Gio Mỹ (Ảnh: Khắc Trà)

Chúng tôi đề cập đến mặt trái, ông Mai Văn Sâm thông tin dè dặt, trong quá trình khai thác có ý kiến tin trái chiều do một số người dân chưa nhất trí, họ sợ tác động xấu đến thổ nhưỡng, nguồn nước ngầm. Tuy vậy, vị Chủ tịch UBND xã nói “thời điểm đó các đánh giá tác động môi trường đều đảm bảo”.

Đơn cử, mới đây Công ty Hiếu Giang nhiều lần cơi nới, khai thác ngoài diện tích được cấp phép, xâm phạm đến mồ mả của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Ông Sâm lý giải: “do hoạt động khai thác sâu từ 7 - 10m trong lòng đất nên không kiểm soát được, địa phương đã ít nhất 2 lần ra quyết định xử phạt hành chính”.

Một lát cắt từ thực tế

Rời khỏi trụ sở Uỷ ban, chúng tôi đi thẳng ra một khu mỏ đã khai thác xong thuộc thôn Thụy Khê. Đó là bãi đất cát mênh mông hoang vắng, chỉ có cỏ dại và cây tràm mọc từng mảng. Một đống thiết bị phục vụ tuyển rửa titan còn nằm lại bên mép hồ nước sâu xanh ngắt chừng vài trăm mét vuông, xung quanh rào tạm bợ bằng dây kẽm gai.

Một hệ thống cấu kiện dùng khai thác titan còn để lại bên trong lòng hồ sâu (Ảnh: Khắc Trà)

Một hệ thống cấu kiện dùng khai thác titan còn để lại bên trong lòng hồ sâu (Ảnh: Khắc Trà)

Về thôn An Mỹ cách đó không xa, chúng tôi gặp vài vị bô lão đang chơi cờ giải trí, khi vừa nghe đến chuyện khai thác titan, ông Hoàng Đình Con (76 tuổi) phản ứng ngay: “không bao giờ chúng tôi đồng ý cho khai thác thêm lần nữa!”. Ông dẫn chứng “Công ty Hiếu Giang từng khai thác titan tại thôn, bây giờ trồng cây không lớn, nguồn nước ô nhiễm, mất đất lúa do nhiễm phèn, đặc biệt là bảo vệ di tích linh thiêng của làng - động Cồn Dôn”. Được biết, gia đình con trai ông là anh Hoàng Đình Thuận hiện có diện tích lớn đất lúa bị hư hại nghiêm trọng.

Để tận thấy nguồn nước, chúng tôi đến nhà bà Dương Thị Lệ (80 tuổi), cũng một đáp án tương tự: “gia đình tôi không đồng ý cho khai thác titan trên địa bàn thôn”, bà dẫn ra giếng khoan và bơm lên một chậu nước bốc mùi tanh, màu vàng nhạt.

Nguồn nước giếng khoan có mùi tanh, lâu ngày nhuộm vàng thùng đựng nước (Ảnh: Khắc Trà)

Nguồn nước từ giếng khoan bơm lên có mùi tanh, lâu ngày nhuộm vàng thùng đựng nước (Ảnh: Khắc Trà)

Bà nói: “giếng bị phèn nặng là do sau khi khai thác titan trên quả đồi cát phía sau nhà làm thủng lớp khoáng có chức năng chắn bùn bảo vệ mạch nước. Chúng tôi già rồi chẳng sống được bao lâu nữa, nhưng giữ đất, giữ cát là giữ cho cuộc sống con cháu mai sau”.

Những “vết đen” trong quá khứ

Sự việc xảy ra vào tháng 9/2016: Mặc dù được cấp giấy phép khai thác titan trên địa bàn xã Gio Mỹ. Nhưng lợi dụng đêm tối, Công ty Hiếu Giang lén lút khai thác trái phép trên địa bàn xã Trung Giang (giáp ranh với xã Gio Mỹ).

Ngay sau khi thấy nhiều công nhân, máy móc và bè khai thác titan của công ty Hiếu Giang hoạt động gần ngôi mộ tổ dòng họ Dương ở xã Trung Giang, hàng trăm người dân thôn Cang Gián đã tập trung phản đối việc khai thác trái phép này và trình báo chính quyền địa phương.

Làng An Mỹ thanh bình (Ảnh: Khắc Trà)

Làng An Mỹ thanh bình (Ảnh: Khắc Trà)

Tại thời điểm đó, ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, cho biết: “địa phương không xử lý được, chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính sau đó trình lên UBND tỉnh xử lý. Diện tích khai thác trái phép lên tới 7.138m2, đã vượt quá thẩm quyền của xã, huyện”.

Lần về quá khứ, Theo Báo Công an Nhân dân: lúc mới mở mỏ khai thác, Công ty Tín Đạt Thành đã vi phạm quy định bảo vệ môi trường, không chỉ tàn phá rừng cây 10 năm tuổi mà diện tích trồng mới 1 năm nhằm tái sinh cũng bị nhổ bỏ để tiếp tục tận thu khoáng sản lần 2.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai thác titan và cuộc đấu chưa hồi kết

    Khai thác titan và cuộc đấu chưa hồi kết

    11:15, 15/06/2018

  • Khai thác titan tại Quảng Trị khiến quê nghèo “dậy sóng”

    Khai thác titan tại Quảng Trị khiến quê nghèo “dậy sóng”

    11:11, 09/06/2018

  • Nuôi tôm tự phátp/tại Quảng Trị: Kỳ I - Môi trường “kêu cứu”

    Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trị: Kỳ I - Môi trường “kêu cứu”

    01:00, 27/08/2023

  • Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trịp/Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?

    Nuôi tôm tự phát tại Quảng Trị Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?

    13:46, 29/08/2023

  • Quảng Trị: “Đánh đổi” với điện gió

    Quảng Trị: “Đánh đổi” với điện gió

    02:00, 15/09/2022

  • Quảng Trị: Công ty Hồng Đức Vượng tiếp tục

    Quảng Trị: Công ty Hồng Đức Vượng tiếp tục "xả khí hôi" dù đã có quyết định dừng hoạt động

    11:41, 18/08/2020

  • Ai

    Ai "chống lưng" cho Công ty Hồng Đức Vượng coi thường chính quyền?

    11:19, 18/08/2020

  • Quảng Trị: Vì sao nhà máy Hồng Đức Vượng mãi bốc mùi?

    Quảng Trị: Vì sao nhà máy Hồng Đức Vượng mãi bốc mùi?

    05:00, 28/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗi “ám ảnh” mang tên titan tại Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO