Thạnh Phú xác định trong tương lai phải đi lên từ kinh tế biển, gắn với xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
Hội tụ nhiều lợi thế cho phát triển nền kinh tế đa dạng, Thạnh Phú xác định trụ cột chính để tạo động lực cho phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2030 là du lịch, công nghiệp năng lượng sạch và nông nghiệp sạch.
>>Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông
Thạnh Phú xác định trong tương lai phải đi lên từ kinh tế biển, gắn với xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
Huyện Thạnh Phú có chiều dài bờ biển trên 26km, hệ thống sông ngòi dày đặc. Thạnh Phú có khu bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ với diện tích 2.780 ha, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và dần hình thành một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và lớn trong các lĩnh vực sơ chế - chế biến thủy hải sản, điện gió.
Hiện nay, huyện có 7 dự án điện gió đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó 3 dự án đang triển khai. Nhà máy điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu đã vận hành và đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia, 2 dự án còn lại vận hành trong năm 2022, với tổng công suất 90MW/năm.
Ngoài ra, tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư trung tâm sản xuất nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bến Tre tại khu vực K22, xã An Nhơn. Đối với các dự án điện năng lượng mặt trời, đã có nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư và chờ xin ý kiến Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.
Theo ông Đào Công Thương - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, huyện luôn xác định nghề nuôi trồng, khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá là tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp.
Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện 18.100ha, sản lượng thu hoạch bình quân hàng năm trên 40.630 tấn các loại. Nuôi tôm thâm canh khoảng 3.600ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 750ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 40 tấn/ha mặt nước. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi nghêu, sò, cua, cá các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khai thác thủy sản chuyển dần theo hướng đánh bắt xa bờ, với 501 tàu, trong đó có 59 tàu có công suất lớn, sản lượng khai thác đạt 13.200 tấn/năm. Cảng cá Thạnh Phú đã cơ bản cung ứng các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho hoạt động khai thác và tiêu thụ các sản phẩm khai thác thủy sản. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 1.150 tấn/năm…
Hạ tầng du lịch từng bước được chú trọng, các loại hình du lịch được hình thành và phát triển như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, homestay. Lượng khách du lịch trung bình hàng năm trên 500 ngàn lượt người, tăng bình quân từ 25 - 35%/năm...
Huyện xác định mục tiêu trong thời gian tới là tập trung đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, huyện chú trọng nuôi, khai thác và chế biến thủy sản dịch chuyển từ truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng bền vững. Mời gọi đầu tư phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 1.500 ha.
Tiếp tục xây dựng một số thương hiệu, nhãn hiệu thủy sản như cua, tôm biển, tôm càng xanh. Khai thác có hiệu quả du lịch biển gắn với Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Phấn đấu đến năm 2025, đầu tư xây dựng và phát triển ít nhất 4 sản phẩm du lịch homestay gắn với tham quan các làng nghề truyền thống, trải nghiệm làm nông dân, ngư dân.
Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió theo quy hoạch và đã được tỉnh cấp phép đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Thạnh Phú cũng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, đô thị ven biển.
Ông Đào Công Thương cho biết, huyện đã xác định các nhóm giải pháp trọng tâm để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá về kinh tế biển. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền tiềm năng kinh tế biển, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Huyện cũng chủ động mời gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trước mắt, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng dự án: Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền 03 huyện biển giai đoạn 2; đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông từ huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú; các dự án năng lượng. Xúc tiến đẩy nhanh quy trình thủ tục triển khai xây dựng khu công nghiệp An Nhơn, cụm công nghiệp Thạnh Phong… tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư đến với Thạnh Phú.
Có thể bạn quan tâm