Khởi điểm chỉ là câu chuyện về một ứng dụng mạng xã hội nhưng giờ đây, TikTok dường như đã trở thành một lý do chính trong cuộc chiến giữa hai "gã khổng lồ".
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance “phải bán” TikTok tại Mỹ nếu không sẽ bị cấm tại quốc gia này, nơi ứng dụng cực kỳ phổ biến trong giới thanh thiếu niên.
Trump đã nhiều lần cho “deadline” để ByteDance bán TikTok là ngày 15 tháng 9, mặc dù đó không phải là ngày được quy định trong lệnh hành pháp mà chính quyền của ông ban hành vào tháng 8.
Và mới hôm thứ năm vừa qua, Tổng thống Trump cho biết rằng chính quyền của ông sẽ không có kế hoạch "gia hạn thời gian" cho ByteDance.
Trên thực tế, nếu không được gia hạn, các giao dịch với TikTok sẽ bị cấm, mặc dù chưa xác định chính xác loại giao dịch nào. Bên cạnh đó, lệnh cấm của Tổng thống Trump có thể khiến quảng cáo trên nền tảng này trở nên bất hợp pháp và TikTok bắt buộc phải chuẩn bị cho các nhà quảng cáo cho một kết quả giải trình.
Theo Reuters, Mỹ có khả năng sẽ cấm tải TikTok từ các cửa hàng ứng dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ với những người dùng đã tải xuống TikTok sử dụng nó, các giao dịch có bị cấm hay không?
Tất nhiên Bắc Kinh đã không thể ngồi yên trước sự “vô lý thái quá” của Mỹ. Họ cho biết sẽ “kiên quyết phản đối” các lệnh hành pháp của Trump và vào ngày 28 tháng 8 đã đưa ra tiếng nói trong quá trình này, sửa đổi danh sách các công nghệ sẽ cần chính phủ Trung Quốc phê duyệt trước khi chúng được xuất khẩu. Các chuyên gia cho biết thuật toán khuyến nghị của TikTok sẽ nằm trong danh sách này.
Sự việc “cực chẳng đã”, vào thứ sáu vừa qua, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối việc “buộc ByteDance phải bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ” và muốn ứng dụng video ngắn đóng cửa tại Hoa Kỳ như đã từng làm khi Ấn Độ cấm cửa TikTok tháng trước.
Các chuyên gia cho rằng, việc buộc phải bán TikTok có thể sẽ khiến cả ByteDance và Trung Quốc bị mang tiếng tỏ ra yếu thế trước sức ép từ Washington. Mặc dù vậy, ByteDance cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề xuất với họ rằng họ nên đóng cửa TikTok ở Mỹ hoặc ở bất kỳ thị trường nào khác.
Được hỏi hôm thứ Sáu về Trump và TikTok, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết, Mỹ đang “lạm dụng khái niệm” an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi nước này ngừng đàn áp các công ty nước ngoài.
Sự việc TikTok dường như đã đi quá giới hạn của một vụ mua bán thông thường. Những lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ cho thấy sự leo thang trong cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, lo ngại về quyền riêng tư và các chính sách kiểm duyệt dữ liệu.
Trong nhiều năm qua, Great Firewall của Trung Quốc đã chặn một số dịch vụ trực tuyến lớn nhất đến từ Hoa Kỳ, bao gồm Google, Facebook và Twitter .
Thời điểm này, Washington cũng chỉ ra rằng họ có thể sẵn sàng xây dựng một bức tường của riêng mình bằng cách đe dọa cấm hai ứng dụng do Trung Quốc sở hữu đang phổ biến nhất trên thế giới: TikTok và WeChat.
Các chuyên gia cho rằng, động thái của Trump có nguy cơ làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai nền công nghệ lớn nhất thế giới và đồng thời làm gián đoạn dòng đầu tư công nghệ và đổi mới ở cả hai quốc gia.
Susan Ariel Aaronson, một chuyên gia về quản trị internet tại Đại học George Washington cho biết: “Điều khiến tôi lo lắng là Mỹ đang trở thành Trung Quốc bằng cách cố gắng ăn miếng trả miếng".
Thời điểm hiện tại, chính quyền Trump dường như đang thực hiện một cách tiếp cận “đánh đồng” cho tất cả các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu.
Về cơ bản, TikTok chỉ là một ứng dụng được thanh thiếu niên sử dụng để chia sẻ các video vui vẻ, vì vậy việc đưa nó vào bất kỳ câu chuyện nào về an ninh quốc gia có vẻ “hơi kỳ lạ” đối với một số nhà quan sát.
James Lewis, một chuyên gia về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết “không có thông tin nào thu được từ TikTok có thể hữu ích cho tình báo Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump không nghĩ vậy, ông cho rằng ứng dụng này đã thu thập "lượng lớn thông tin từ người dùng", chẳng hạn như dữ liệu vị trí và lịch sử duyệt web và tìm kiếm…
Điều này "cho phép chính quyền Bắc Kinh truy cập vào thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ - có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu của Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp của công ty".
Vẫn chưa biết cuộc chiến công nghệ sẽ đưa Mỹ và Trung Quốc đến các hành động trả đũa nào với nhau.
ByteDance và TikTok của người sáng lập Zhang Yiming đang bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đụng độ giữa hai cường quốc. “Đi cũng dở mà ở cũng chẳng xong”, nếu bỏ qua thị trường Mỹ thì sự thiệt hại là không đong đếm được nhưng nếu ở thì lại chẳng yên với Donald Trump. Thật là khó xử cho TikTok.
Có thể bạn quan tâm