Trung Quốc chia công nghệ thành hai loại, loại "có cũng tốt" và loại "không thể không có".
Sau các bước đi tổng thể nhằm vào BigTech, Trung Quốc bắt đầu “tìm diệt” các vây cánh của nó. Từ nền tảng công nghệ giáo dục (edtech), tiền ảo, đến bảo hiểm trực tuyến bị quy định lại bởi các điều khoản ngặt nghèo hơn.
Các tổ chức cung cấp bảo hiểm trực tuyến không được giao dịch qua nền tảng do bên thứ 3 cung cấp. Các tổ chức này cũng phải tuân thủ các quy định chung liên quan đến bảo mật thông tin, quảng cáo, định danh khách hàng, tiêu chuẩn và quản lý quy trình trực tuyến, an ninh mạng, chống rửa tiền.
Bộ quy tắc mới này cũng mở rộng xác định các sản phẩm bảo hiểm với “hình thức đơn giản, điều khoản đơn giản, trách nhiệm rõ ràng và dịch vụ hậu mãi hiệu quả” có thể được phân phối trực tuyến.
Đại lý bảo hiểm cá nhân và ngoài ngành bị cấm tham gia cung cấp bảo hiểm trực tuyến. Theo Bloomberg, động thái mới này sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành kinh tế dự kiến có quy mô 385 tỷ USD trong 10 năm tới.
So với Mỹ, trong cuộc chiến với BigTech - Trung Quốc tỏ ra quyết liệt hơn, họ có nhiều hơn những công cụ từ nhà nước để “bảo ban” các đại doanh nghiệp có dấu hiệu vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Có vẻ như chiến lược mới của Trung Quốc khiến nền kinh tế công nghệ nước này suy yếu - nếu nhìn vào sự sụt giảm doanh thu, “bốc hơi” giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, mục tiêu, tham vọng của Bắc Kinh rất rộng. Đầu tiên, họ muốn kiểm soát BigTech để quản lý nguồn dữ liệu khổng lồ - hay nói cách khác, Bắc Kinh không muốn chủ nghĩa tư bản dữ liệu xâm phạm quyền hành chính trị. Việc “chặt hạ” edtech, bảo hiểm là cách gián tiếp làm suy yếu BigTech.
Quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc về sức mạnh quốc gia đang thay đổi, theo đó sự vĩ đại của quốc gia không phụ thuộc vào intenet tiêu dùng, việc sở hữu các nền tảng trò chuyện hay gọi xe tốt nhất thế giới.
Ông Tập Cận Bình từng cho rằng, đất nước cần có chất bán dẫn hiện đại, máy bay thương mại và công nghệ viễn thông tân tiến để nâng chất nền kinh tế, đi trước một bước.
Mặc dù kinh tế số phát triển rất mạnh ở Trung Quốc, nhưng ông Tập vẫn giữ quan điểm “kinh tế thực mới là nền tảng”. Rõ ràng, hiện nay Trung Quốc giành rất nhiều ưu tiên cho nghiên cứu, sáng tạo, tập trung vào công nghiệp bán dẫn, mạng 5G, robot và trí tuệ nhân tạo.
Các nhà lập pháp Trung Quốc cho rằng, công ty Internet tiêu dùng đang gây ra những tổn thất xã hội mà lại không được phản ánh đầy đủ trong giá trị công ty. Họ đưa ra ví dụ, Các công ty như Ant Group đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, giáo dục trực tuyến gây bất an cho xã hội và các trò chơi trực tuyến như của Tencent là “thuốc phiện tinh thần”.
Trong khi nhiều quốc gia điên cuồng chạy theo kinh tế số, Fintech, hồ hởi với hàng loạt ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thì Trung Quốc có cái nhìn ngược lại - họ không xem đó là rường cột thịnh vượng bền vững.
Điều này đang đúng ở Trung Quốc. Sự lớn mạnh của Alibaba hay Tencent vẫn không phải là thước đo đánh giá sức mạnh nền kinh tế công nghệ nước này. Cái mà Bắc Kinh rất khát khao vào lúc này là công nghệ sản xuất chip, robot,…
Thực tế, các nền tảng Internet tiêu dùng như bông hoa trang điểm cho nền kinh tế mà thôi, như Chủ tịch Trung Quốc quan niệm “có thì tốt”. Bởi vì giá trị vào đóng góp chung không đáng kể, thậm chí đó là giá trị ảo được đo bằng doanh thu.
Thực tế, sự phát triển quá nhanh của các nền tảng Internet tiêu dùng làm mất cân bằng xã hội, thay đổi triệt để phương thức phân phối, ngày càng tác động mạnh đến quá trình sản xuất. Ai nắm được quá trình sản xuất người đó điều hành chuỗi cung ứng!
Vì sao Huawei gục ngã chỉ bởi một đòn đánh của Mỹ? Sau sự cố này Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng, tiền không giúp xóa nhòa khoảng cách trình độ công nghệ. Không còn cách nào khác chỉ có đầu tư R&D mới giúp Trung Quốc tự chủ và tự cường công nghệ.
Đây hẳn nhiên là tầm nhìn chiến lược của người Trung Quốc, không phải mới mẻ, nhưng cách làm rất khác biệt, một mũi tên trúng hai đích - vừa kiểm soát BigTech, vừa định hướng lại nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc
06:00, 12/08/2021
"Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc
06:00, 17/08/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 1)
06:30, 06/07/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)
07:00, 08/07/2020
Viễn cảnh tối tăm của kinh tế Trung Quốc sau dịch bệnh Corona
02:00, 07/02/2020
Rắc rối bủa vây nền kinh tế Trung Quốc
06:49, 13/11/2019
Startup "Kỳ lân": Điểm tựa tương lai của kinh tế Trung Quốc
06:00, 25/10/2019
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Đâu là nguyên nhân chính?
06:59, 21/10/2019