Trung Quốc "đe dọa" vị thế của Mỹ tại Trung Đông

TRƯỜNG ĐẶNG 13/03/2023 04:00

Việc hòa giải thành công quan hệ Iran và Saudi Arabia là một chiến thắng ngoại giao lớn của Trung Quốc, đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ tại khu vực này.

Trung Quốc trở thành cầu nối cho hai quốc gia kình địch lâu năm

Trung Quốc trở thành cầu nối cho Iran và Saudi Arabia - hai quốc gia kình địch lâu năm

Ngày 10/3, lãnh đạo Iran và Saudi Arabia đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán sau 7 năm đóng băng. Bước đột phá ngoại giao quan trọng có vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc được kỳ vọng góp phần làm dịu đi căng thẳng giữa hai nước, đồng thời giảm thiểu xung đột vũ trang tại các điểm nóng như Yemen – nơi Iran và Saudi Arabia  hậu thuận cho 2 phe đối lập.

>>Điều gì sẽ “thôi thúc” Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

Thế nhưng, ý nghĩa của thỏa thuận này còn lớn hơn thế: Nó thể hiện vai trò lãnh đạo ngày càng suy yếu của Mỹ trong bàn cờ thế giới, để nhường chỗ cho Trung Quốc hay các cường quốc khác.

Theo các chuyên gia, nhiều nhà hoạch định chính sách kỳ cựu của Mỹ cảm thấy bối rối khi thấy Trung Quốc đóng một vai trò quá lớn như vậy trong một khu vực chỉ sau hơn một thập kỷ gây ảnh hưởng.

Ông Mara Rudman, Phó chủ tịch điều hành chính sách tại Trung tâm vì Sự tiến bộ của Mỹ, cựu đặc phái viên Trung Đông dưới thời Tổng thống Obama, cho biết: “Đây là lời nhắc nhở mới nhất rằng cuộc cạnh tranh địa chiến lược đang diễn ra trên toàn cầu. Nó hoàn toàn không giới hạn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như nó không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, an ninh hay cam kết ngoại giao”.

Theo nhiều chuyên gia, “thắng lợi” của Bắc Kinh trong vấn đề Iran - Saudi Arabia đến từ một số lý do.

Thứ nhất, nó đến vào lúc Washington đang có vấn đề trong quan hệ với các nước Trung Đông. Với Iran, quan hệ Tehran và Washington đã đóng băng kể từ sau thời chính quyền Tổng thống Obama. Chương trình hạt nhân Iran đã trở thành một đòn bẩy quan trọng để hai nước hợp tác gần gũi hơn, nhưng Tổng thống kế tiếp, Donald Trump, đã xóa bỏ thỏa thuận và tiếp tục đẩy quan hệ 2 nước vào ngõ cụt.

Ông Amy Hawthorne, Phó giám đốc nghiên cứu của Project on Middle East Democracy, cho biết: “Hoa Kỳ không thể đóng vai trò trung gian trong một thỏa thuận như vậy với Iran, vì Washington hiện không có quan hệ với Tehran”.

Ngay cả với đồng minh thân thiết như Saudi Arabia, vai trò của Washington cũng đang suy giảm. Saudi Arabia đã vướng vào một loạt vấn đề chính trị nội bộ phức tạp của nước Mỹ thời hậu Donald Trump, khiến hình ảnh của hai nước trở nên xấu đi.

Thái tử Mohammed bin Salman, một lãnh đạo quyền lực của Saudi Arabia bị nghi ngờ có quan hệ chặt chẽ với gia đình cựu Tổng thống Donald J. Trump. Hay Tổng thống Biden từng thề sẽ biến Saudi Arabia trở thành quốc gia “bị hạ bệ” vì đã dàn dựng vụ ám sát Jamal Khashoggi, một nhà báo có quan điểm đối lập. Thậm chí, các quan chức Hoa Kỳ tin rằng Hoàng tử Mohammed còn đang đứng về phía Tổng thống Putin trong chiến sự Nga – Ukraine.

Đồng thời, đó cũng là báo hiệu một nước Mỹ suy giảm vai trò tại Trung Đông

Mỹ đang bị suy giảm vai trò tại Trung Đông

>>“Tính toán sai lầm” của Mỹ trong thế giới đa cực

Tiếng nói suy giảm của Washington tại Trung Đông rõ ràng tạo điều kiện lớn cho Trung Quốc trong vai trò trung gian hòa giải. Điều này mở một cách cửa cho Trung Quốc trở thành một vế quan trọng trong các vấn đề khu vực - nơi các nước cũng chấp nhận điều đó.

Ông Steven A. Cook, Thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Nhiều người ở vùng Vịnh coi đây là thế kỷ của Trung Quốc”, điển hình như Saudi Arabia: “Saudi Arabia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và một lượng lớn dầu của họ được chuyển đến Trung Quốc.”

Thương mại đã trở thành mũi nhọn chính để Trung Quốc xâm nhập vào khu vực từng do Mỹ thống trị. Trung Quốc là đối tác dầu mỏ lớn nhất của khu vực, trong khi Bắc Kinh cũng gia tăng can dự vào các quốc gia vùng Vịnh thông qua sáng kiến BRI.

Điều này có lợi cho cả hai phía: Trung Quốc cần dầu và khí đốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi các quốc gia Ả Rập cần doanh thu xuất khẩu để đa dạng hóa nền kinh tế, cũng như tiếp cận hàng hóa giá rẻ của Bắc Kinh.

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định trong chiến lược hợp tác với Trung Đông, Bắc Kinh không đề cập nhiều đến lĩnh vực an ninh, một vấn đề nhạy cảm trong khu vực được coi là phức tạp nhất thế giới. Điều này giúp khu vực có cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc.

Ông Daniel C. Kurtzer, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, chuyên gia tại Đại học Princeton, nói: “Đó là một dấu hiệu cho thấy sự nhanh nhẹn của Trung Quốc nhằm tận dụng sự bất đồng và khoảng trống trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Hoa Kỳ. Và nó cũng phản ánh thực tế rằng Saudi Arabia và Iran đã đàm phán được một thời gian. Đó là một bản cáo trạng đáng tiếc về chính sách của Hoa Kỳ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine:

    Chiến sự Nga- Ukraine: "Giải mã" quan hệ Nga- Trung

    04:30, 12/03/2023

  • Điều gì sẽ “thôi thúc” Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

    Điều gì sẽ “thôi thúc” Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

    03:30, 12/03/2023

  • "Rạn nứt" đằng sau quan hệ thân mật Nga - Trung

    04:00, 09/03/2023

  • "Ẩn số" đằng sau mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc

    04:00, 08/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc "đe dọa" vị thế của Mỹ tại Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO