Dù được cho là vấn đề bức thiết được dư luận quan tâm kiến nghị, và đã có ý kiến chỉ đạo xem xét, thế nhưng cho đến nay, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa được thực hiện, nguyên nhân vì đâu?
Theo đó, cử tri các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Bình Định, Tây Ninh gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc biệt là sau khi tăng lương kể từ ngày 01/7.
Trước kiến nghị đã nêu, mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời, theo cơ quan này, Luật Thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ 01/01/2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012 áp dụng từ tháng 01/2013, quy định mức giảm trừ người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Song song đó, qua số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Theo quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bộ Tài chính cho rằng, thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách Nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội…
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2114/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần... để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.
Dự kiến đăng ký Chương trình xây dựng Luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026.
Quan điểm của cơ quan chuyên môn là vậy, tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho hay, cần đẩy thời gian sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sớm hơn khi những bất cập đã bộc lộ trong thời gian dài. Thậm chí, trong khi chờ sửa luật, thì cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2024 thay vì đợi đến năm 2026 để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, nhất là khi từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, thuế thu nhập cá nhân có nhiều bất cập, mà bất cập này đã được đề cập từ vài năm nay là mức siết trừ gia cảnh quá thấp trong điều kiện nhu cầu đời sống ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng mà mức siết trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và người ăn theo là 4 triệu thì hoàn toàn bất cập.
Nếu chúng ta không điều chỉnh việc đó mà chỉ tăng lương 30% thì điều đó khiến việc tăng lương không có ý nghĩa với người làm công ăn lương.
“Đây là vấn đề bức xúc hiện nay và Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận sự bất cập. Trong bối cảnh đó theo tôi, nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết để sửa những điều bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân”, vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cũng đã cho rằng, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu, vì vậy, luật cần sớm được sửa đổi thay vì lộ trình dự kiến hiện nay.
Vấn đề này không chỉ được các chuyên gia liên tục lên tiếng trong thời gian qua, mà chính tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại trước những bất cập của sắc thuế này, đồng thời kiến nghị cần sớm có giải pháp để người nộp thuế không còn rơi vào cảnh “thắt lưng buộc bụng” vẫn phải đóng thuế.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - Tạ Văn Hạ, khi tăng lương cơ sở cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Bởi, mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng.
“Mức giảm trừ gia cảnh phải tăng được 30%, thậm chí 50% mới là hợp lý”, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống.
Đại biểu này cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm mà không nên chờ đến hai năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất.