Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đang hoàn thiện cơ chế bán lẻ điện cạnh tranh để năm 2024 tuân theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp vào giá.
Sáng nay (7/9), Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".
Quy hoạch điện còn "sơ cứng"?
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.
Cụ thể, giai đoạn từ 2011 đến 2019, tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỉ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công thương cho hay trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm). Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.
Đề cập đến việc cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây do tác động của dịch COVID-19.
"Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác" - ông nói.
Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển điện lực giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định: "nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%".
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.
"Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia"- ông Trần Tuấn Anh bộc bạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chất vấn khi có nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch điện còn "sơ cứng", chậm điều chỉnh, chưa linh hoạt dẫn đến mất cơ hội thu hút đầu tư. Về cơ chế giá điện chưa đúng cơ chế thị trường dẫn đến không hấp dẫn thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong lĩnh vực điện lực hiện nay, trong đó có quy hoạch điện VII. Cụ thể, sơ đồ điện VII có dự báo về điện năng lượng tái tạo như điện gió không đúng thực tế. Trong khi Việt Nam có tiềm năng về điện năng lượng tái tạo. Hay trữ lượng dầu khí ngày càng suy giảm, thì nguồn khí bổ sung cho nhà máy điện bị thiếu, nguy cơ dẫn đến thiếu điện. Đây chính là vấn đề "sơ cứng" của sơ đồ điện này. Bên cạnh đó, nhiệt điện than cũng bị bó cứng trong tổng sơ đồ điện 7 về tỉ lệ nhiệt điện than, trong khi nguồn cung loại nhà máy điện này tăng.
Khi nào có thị trường điện đúng nghĩa?
Về thị trường điện cạnh tranh mà Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có bị trói buộc bởi Luật Giá. Đặc biệt về việc giá điện đã theo cơ chế thị trường chưa? "Cả giá điện đầu vào, giá điện bán ra đều chưa bám sát cơ chế thị trường nên giảm động lực phát triển, có phải như vậy không?" - ông chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. "Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
"Theo đề án này, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ"- Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Làm rõ thêm, ông Trần Tuấn Anh cho biết khi đó, thị trường điện khi đó sẽ có tăng, có giảm. Theo đó, nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện.
Lý giải việc trước đó giá điện chỉ có tăng, không có giảm từ 2011 đến 2020 là do chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư điện được tính đủ trong giá đầu vào. "Thời gian qua, có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên có sự giảm giá 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19 vừa qua"- ông Trần Tuấn Anh nói.
Có thể bạn quan tâm
Giá điện tái tạo thấp khó thu hút công nghệ cao
11:00, 01/09/2020
Bộ Công thương “đã lắng” nghe về giá điện
20:20, 18/08/2020
Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang trong tính giá điện
15:43, 18/08/2020
Điện một giá hay tăng giá điện?
05:30, 16/08/2020
Nhà đầu tư muốn "nới", vì sao EVN đề xuất không gia hạn ưu đãi giá điện gió?
04:00, 30/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH: Gỡ "nút thắt" phát triển
11:39, 17/07/2020