Từng có cơ chế hợp tác thương mại hiệu quả trong quá khứ, nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu đang dần suy giảm.
>>Trung Quốc "đe dọa" sự đoàn kết của G7
Trao đổi với SCMP tại Hội chợ Hàng tiêu dùng Quốc tế & Triển lãm Trung Quốc-CEEC tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang vào tháng trước, Phó giám đốc kinh doanh của Wipasz, ông Rafat Koztowski cho biết, mặc dù công ty chưa vượt qua được các quy tắc nhập khẩu nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với thịt và gia cầm cũng như các quy trình xin phép nhập khẩu nông sản phức tạp của Trung Quốc, nhưng ông cho biết doanh nghiệp của ông sẽ không bỏ cuộc. "Chúng tôi vẫn cần phải cố gắng. Trung Quốc là một thị trường rất lớn", ông Koztowski nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp thuộc nước Trung và Đông Âu, còn được gọi là CEE, bao gồm các nước như Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Romania... luôn quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, xu hướng này đang có dấu hiệu suy giảm.
Con số thống kê từ Hội chợ tại Ninh Ba cho thấy, bất chấp quy mô hội chợ năm nay lớn hơn 30% so với hội chợ trước đó được tổ chức vào năm 2021, nhưng chỉ một số quốc gia từ khu vực Trung và Đông Âu bao gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia – cử phái đoàn thương mại chính thức tham dự hoặc thành lập gian hàng quốc gia tại đây.
Sự thiếu nhiệt tình của các quốc gia CEE khác đã phản ánh kỳ vọng thấp của họ trong việc giành được chỗ đứng tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 205,21 tỷ USD, sau khi giảm 1,4% trong tháng 3, trong bối cảnh nhu cầu yếu và giá hàng hóa thấp hơn.
Thâm hụt thương mại của khu vực Trung và Đông Âu với Trung Quốc cũng ngày càng lớn, với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 4,9% trong năm ngoái và giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng khoảng 13,8%.
Dữ liệu thương mại hàng quý mới nhất cho thấy dấu hiệu cải thiện, khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Trung và Đông Âu tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu từ hai khu vực này tăng 7,3% trong quý đầu năm 2023. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu đã giảm 12,2% trong tháng 4 với mức tăng duy nhất được ghi nhận từ Bulgaria, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania và Montenegro.
>>Cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc + 1”
Khi Bắc Kinh đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác với các nước Trung và Đông Âu 17+1 vào năm 2012, một trong những mục tiêu hàng đầu được đặt ra là giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại bằng cách nhập khẩu thêm hàng hóa từ hai khu vực này. Trên thực tế, Bắc Kinh đã gọi cơ chế này là một thành công vì thương mại giữa hai khu vực và Trung Quốc đã tăng trung bình 8,1% mỗi năm kể từ khi được thành lập và nhập khẩu từ khu vực này cũng đã tăng trung bình 9,2% mỗi năm.
Tuy nhiên, sự đa dạng của các mặt hàng giao dịch vẫn còn hạn chế. Nhập khẩu máy móc chiếm 72,5% giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung và Đông Âu vào năm ngoái, trong khi các sản phẩm nông nghiệp chỉ đóng góp 2,2%. Trong một cuộc họp trực tuyến với các đối tác Trung và Đông Âu vào tháng 2 năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tăng hơn nữa giá trị và chủng loại hàng nhập khẩu từ khu vực này.
Ông Tập Cận Bình cho biết: “Trung Quốc dự định nhập khẩu hơn 170 tỷ USD hàng hóa từ các nước CEE trong 5 năm tới. Chúng ta cần đẩy nhanh việc đưa các sản phẩm nông nghiệp từ các nước CEE vào Trung Quốc và tăng gấp đôi xuất khẩu nông sản của các nước CEE sang Trung Quốc trong 5 năm tới.”
Tuy nhiên, cơ chế hợp tác giữa hai bên dần sụp đổ sau khi Litva tuyên bố rút lui và cho biết rằng có rất ít lợi ích kinh tế từ việc tham gia cơ chế này. Tương tự, Estonia và Latvia cũng đã rút lui vào năm ngoái, và hiện chỉ còn 14 quốc gia châu Âu tham gia cơ chế hợp tác.
Bên cạnh đó, chiến sự Nga- Ukraine đã làm thay đổi các mối quan tâm và ưu tiên về an ninh của châu Âu. Nhiều quốc gia Trung và Đông Âu đang ngày càng hoài nghi về mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Nga, trừ Hungary.
Một học giả ở Thượng Hải nghiên cứu về châu Âu trao đổi với SCMP rằng, Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi cách đối xử với các nước CEE sau khi một số nước rút khỏi cơ chế này và căng thẳng địa chính trị nảy sinh từ cuộc chiến ở Ukraine.
“Không phải cơ chế hợp tác này sẽ bị hủy bỏ, nhưng sẽ không có điều gì thực sự có ý nghĩa được thực hiện thông qua nó. Điều này sẽ chỉ tồn tại như một biểu tượng củng cố mong muốn xây dựng quan hệ của Trung Quốc với các nước thuộc khu vực này", học giả này cho biết.
“Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh cuối cùng đã nhận ra rằng việc cố gắng xây dưng mối quan hệ với quá nhiều quốc gia khác nhau cùng một lúc là điều không thể hoặc không thực sự có ý nghĩa. Sự khác biệt về tầm quan trọng địa chính trị, vị trí địa lý và khối lượng thương mại của họ với Trung Quốc là quá lớn. Một số người có thể kỳ vọng rằng điều này sẽ quay lại từ đầu, nhưng Trung Quốc có những trọng tâm khác tại khu vực châu Âu, và nó không còn nằm ở các nước Trung và Đông Âu", chuyên gia này nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?
12:00, 05/06/2023
Mỹ và châu Âu chuẩn bị đón "quả bom" di cư
04:00, 03/06/2023
Tái đắc cử, Tổng thống Erdogan sẽ "hành xử" thế nào với Nga và châu Âu?
04:00, 31/05/2023
Mỹ còn cần châu Âu?
03:30, 29/05/2023
Châu Âu xoay xở giữa căng thẳng Mỹ - Trung
03:30, 27/05/2023