Mặc dù nguồn viện trợ bên ngoài là động lực chính giúp Ukraine trụ vững trong chiến sự Nga - Ukraine, nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky không ngần ngại chỉ trích đồng minh thẳng thừng.
>>“Phép màu” nào giúp kinh tế Ukraine chưa sụp đổ?
Căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan tiếp tục bị khoét sâu xuất phát từ việc xuất khẩu ngũ cốc. Tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Zelensky cho rằng, vấn đề ngũ cốc là "nạn nhân" của tình trạng xung đột chính trị. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda so sánh Ukraine với “một kẻ sắp chết đuối có thể kéo cả người cứu mình xuống nước”.
Vài tuần tới, sẽ diễn ra kỳ bầu cử quốc hội ở Ba Lan, đảng cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Mateusz Morawiecki chịu sức ép từ phe đối lập - họ vin vào lý do khó khăn của nông dân để chỉ trích chính sách hiện tại. Ông Zelensky dường như quá hiểu điều này.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, quốc tế có dịp chứng kiến cách xoay xở của một chính trị gia trẻ tuổi, trước đó chưa từng có kinh nghiệm chính trị. Không ít lần ông Zelensky chỉ trích thẳng thừng đồng minh giúp đỡ mình nhiều nhất.
Chỉ một ngày sau khi quân Nga tấn công lãnh thổ Ukraine, ông Zelensky đăng tải video nói rằng: “Sáng nay, chúng tôi một mình bảo vệ đất nước. Cũng giống như ngày hôm qua, quốc gia quyền lực nhất thế giới chỉ đứng nhìn từ xa”.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace nhắc nhở lãnh đạo Ukraine “bày tỏ lòng biết ơn”, Tổng thống Zelensky đáp lại: mỗi sáng thức dậy, ông ấy sẽ gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace để bày tỏ lòng biết ơn. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Anh cho rằng “đó là lời mỉa mai tiêu cực”.
Trước Thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, ông Zelensky cũng đăng dòng trạng thái trách móc khối này chưa hoan nghênh nỗ lực gia nhập của Kiev. Một số nguồn tin tiết lộ, Tổng thống Joe Biden rất tức giận và muốn gạt Ukraine khỏi chương trình nghị sự.
>>Ukraine mất lòng đồng minh, kế sách của ông Putin hiệu nghiệm!
Nhưng sau tất cả, cá nhân ông Zelensky và đất nước Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ các đồng minh; Washington ưu ái Kiev hết mực. Trong lịch sử hiện đại, chưa có quốc gia nào được viện trợ khối lượng vật chất và tinh thần nhiều đến vậy.
Có thể nói, Tổng thống Zelensky đã khéo léo vận dụng giá trị quan trọng của Ukraine trên bản đồ địa chính trị phương Tây hiện nay. Chiến sự Nga - Ukraine gieo nỗi sợ mơ hồ, rằng: nếu Nga chiến thắng tại Ukraine thì toàn bộ châu Âu bị đe dọa.
Chiến sự Nga - Ukraine cũng yêu cầu NATO phải suy nghĩ lại về chiến lược dài hạn, lập trường và sự hiện diện của mình. Phương Tây cần một chiến lược để chuẩn bị cho sự đối đầu có thể kéo dài trong hàng thập kỷ cũng như sắp xếp lại về những chính sách tương lai với Nga.
Với Mỹ, đây là cơ hội tuyệt vời để thi triển tất cả chiến lược chống Nga một cách gián tiếp. Rõ ràng, số tiền viện trợ Ukraine đến nay 66,2 tỷ USD là cái giá quá rẻ để vận hành cuộc chiến tranh có lợi cho Mỹ, chẳng nhằm nhò gì so với hàng nghìn tỷ USD ném vào Trung Đông rồi nhận lại thất bại.
Chính vì thế, Ukraine cho rằng mình có quyền đòi hỏi. Trong một phát biểu hồi tháng 12/2022, Tổng thống Zelensky nói: “Hơn 10 tháng của năm nay, chúng tôi đã giúp đỡ tất cả mọi người. Chúng tôi đã giúp phương Tây tìm lại chính mình, quay trở lại vũ đài thế giới và cảm nhận được phương Tây có quyền lực như thế nào. Không ai ở phương Tây sợ Nga, và họ cũng sẽ không bao giờ sợ Nga”.
Trong mạch tư duy ấy, có thể lý giải vì sao Kiev luôn tỏ ra “hờn dỗi” đồng minh trong những lúc cảm thấy không được đáp ứng. Nhưng rồi, ông Zelensky cũng dễ dàng dịu giọng làm hòa.
Có thể bạn quan tâm
Viện trợ Ukraine đối mặt "cơn gió ngược" ở phương Tây
03:30, 22/09/2023
Châu Âu "lục đục" nội bộ vì ngũ cốc Ukraine
04:30, 18/09/2023
Ai có thể "định nghĩa" hòa bình Nga - Ukraine?
04:30, 09/08/2023
Ấn Độ sẽ “cầm cương” thúc đẩy hoà đàm Nga – Ukraine?
03:00, 07/08/2023
Toan tính của Saudi Arabia khi thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine
04:00, 05/08/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine xoay xở nguồn đạn pháo
03:30, 04/08/2023