WEF Đại Liên: Trung Quốc cam kết tăng cường mở cửa thị trường

CẨM ANH 26/06/2024 03:30

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Bắc Kinh sẽ mở rộng thị trường hơn nữa và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp từ nước ngoài.

>> WEF Đại Liên: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Hội nghị WEF Đại Liên 2024.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Hội nghị WEF Đại Liên 2024.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của những nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định rằng thị trường Trung Quốc sẽ vẫn mở, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tối ưu hóa môi trường kinh doanh của đất nước và mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm khoảng 5% sẽ đạt được.

"Tăng trưởng kinh tế thế giới đang phải đối mặt với tình thế khó khăn", Thủ tướng Lý Cường cảnh báo trong bài phát biểu quan trọng của mình tại WEF Đại Liên 2024 và nhấn mạnh các quốc gia không thể chỉ xem xét tối đa hóa lợi ích của riêng mình trong khi bỏ qua những quốc gia khác.

Khi nhắc đến các hoạt động đối đầu thương mại, Thủ tướng Lý Cường cho biết: “Việc tách rời và xây dựng "sân nhỏ rào cao" giống như đảo ngược tiến trình của lịch sử. Điều này sẽ làm tăng chi phí của nền kinh tế toàn cầu, gây ra tranh chấp và đẩy các quốc gia vào một vòng luẩn quẩn, nơi mọi người đều cố gắng giành được một miếng bánh nhưng bản thân chiếc bánh không lớn hơn nữa”, ông Lý Cường nói thêm.

Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột thương mại, khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hành động đồng loạt để áp đặt thuế quan với xe điện của Trung Quốc và các sản phẩm xanh khác vì cáo buộc trợ cấp và dư thừa công suất.

Trong khi Trung Quốc và EU đã đồng ý đàm phán về thuế quan theo kế hoạch của khu vực đối với xe điện nhập khẩu, thì căng thẳng có thể mở rộng nếu Canada thực hiện các biện pháp trừng phạt mà họ đã cân nhắc.

Thủ tướng Trung Quốc cho biết, việc xuất khẩu xe điện (EV), tấm pin mặt trời và pin lithium của Trung Quốc đang giúp giảm lạm phát trên toàn thế giới.

Tăng trưởng Trung Quốc quý I/2024 đã vượt kỳ vọng, đạt 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên nền kinh tế quốc gia này vẫn đang vật lộn để tìm ra con đường phục hồi mạnh mẽ hơn. Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, nợ của chính quyền địa phương và đầu tư nước ngoài giảm làm phức tạp thêm triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

>> WEF Đại Liên 2024: 06 chính sách trọng tâm, 03 đột phá chiến lược của Việt Nam

Diễn đàn

Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF Đại Liên 2024

Để giải quyết những thách thức này, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Bắc Kinh sẽ mở rộng thị trường hơn nữa và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp từ nước ngoài. "Các công ty nước ngoài cạnh tranh, giao tiếp và hợp tác với các công ty trong nước trên một sân chơi bình đẳng. Họ đã trở thành một lực lượng chính thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi và củng cố sự phát triển lành mạnh và bền vững của nền kinh tế Trung Quốc", Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh.

Hiện nay, khi các chuyên gia của WEF nói về sự phục hồi của Trung Quốc, họ vẫn rất thận trọng khi chỉ ra tình trạng ảm đạm hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh một số rủi ro địa chính trị nghiêm trọng đang nhen nhóm.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp đang nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Suhas Gopinath, CEO của Globals nhận định: "Trung Quốc hiện giống như tâm điểm của sự đổi mới, và tôi rất tò mò về những gì sẽ xảy ra ở quốc gia này trong thời gian tới".

Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện mình là một đối tác kinh tế đáng tin cậy và quan trọng; đồng thời cũng đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ xanh, cùng với trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, các doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác với các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi. "Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể học hỏi và nghiên cứu từ các doanh nghiệp phương Tây, từ đó có thể tìm ra con đường của riêng mình trong việc cải thiện công nghệ và những thứ khác ở Trung Quốc", Yu Boyi, một trong những đại biểu trẻ nhất tham dự WEF Đại Liên năm nay cho biết.

Thủ tướng Lý Cường cũng kêu gọi hợp tác công nghệ quốc tế để thúc đẩy các kết nối mạnh mẽ hơn; đồng thời nhấn mạnh rằng thị trường rộng lớn của Trung Quốc sẽ luôn chào đón những ý tưởng cũng như công nghệ mới.

“Chúng tôi có một hệ thống hỗ trợ công nghiệp hoàn chỉnh và nguồn nhân tài dồi dào. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng khá dễ tiếp thu các công nghệ mới”, ông Lý Cường cho biết và nhấn mạnh tất cả những điều này biến Trung Quốc thành một sân chơi rộng lớn để các doanh nghiệp toàn cầu theo đuổi sự đổi mới và nâng cấp sản phẩm. Quy mô lớn của kinh tế Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí và thích ứng với nhiều lộ trình công nghệ và mô hình kinh doanh khác nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • WEF Đại Liên: Cơ hội từ đổi mới chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm

    WEF Đại Liên: Cơ hội từ đổi mới chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm

    03:30, 25/06/2024

  • Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên

    Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên

    03:00, 25/06/2024

  • WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới

    WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới

    04:00, 25/01/2024

  • WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    03:00, 22/01/2024

  • Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024

    Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024

    13:30, 16/01/2024

  • Trung Quốc củng cố niềm tin tại WEF Davos 2023

    Trung Quốc củng cố niềm tin tại WEF Davos 2023

    03:30, 28/06/2023

  • WEF Davos 2023 trước thách thức mới

    WEF Davos 2023 trước thách thức mới

    04:30, 17/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
WEF Đại Liên: Trung Quốc cam kết tăng cường mở cửa thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO