Thị trường dầu mỏ và "cuộc chiến tay ba"

TS, GVCC Hồ Minh Đồng 30/03/2020 06:00

Nga đang chờ Mỹ để đưa ra những thỏa thuận có lợi cho mình. Dĩ nhiên, Trump cũng không đến mức quá vội vàng hành động!

Đại dịch COVID-19 đã lan ra khắp toàn cầu, tính đến sáng 28/3 đã có gần 600.000 ca nhiễm, hơn 27.000 ca tử vong. Trong tình trạng “bế quan, tỏa cảng” ở hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, các hoạt động kinh tế, giao thông, du lịch,… ngưng trệ thì việc giá dầu đi xuống (do giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng) là tất yếu.

Tại Việt Nam, chiều ngày 29/3 giá xăng tuột dốc phá vỡ mọi kỷ lục trong nhiều năm, mỗi lít xăng E5 RON92 giảm 4.100 đồng, xăng RON 95 hạ 4.252 đồng; dầu hoả là 2.705 đồng, dầu diesel 1.776 đồng và dầu madut giảm 1.048 đồng. Nguyên nhân từ đâu?

Theo logic thông thường, OPEC+ gồm các nước OPEC đứng đầu là Saudi Arabia và Nga phải hợp tác cùng giảm nguồn cung để nâng giá đầu lên… nhưng Hội nghị của OPEC+ hồi đầu tháng 3 đã bất thành.

Nga và Arabia Saudi chiến đấu với nhau bằng cách không ngừng tăng nguồn cung, làm cho giá dầu từ ngưỡng 45 USD/ thùng rớt xuống 35, 30, 25,… và dưới 20 USD/ thùng!

Nga và Saudi Arabia hết thời nồng ấm!

Nga và Saudi Arabia hết thời nồng ấm!

Việc giá dầu đi xuống đã làm cho mỗi bên trong cuộc chiến này thiệt hại hàng chục tỷ USD. Hậu quả đó không chỉ làm tổn hại ngân sách quốc gia mà còn làm hỏng kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế của mỗi bên.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga và Arabia Saudi không hợp tác để tránh thiệt hại ngân sách mà lại tự “lấy đá ghè chân mình”? Tại sao nhiều nghị sĩ Mỹ suốt tuần qua lên tiếng phản đối chiến tranh dầu khí Nga - Arabia Saudi. Và ngày (26/3), Tổng thống Trump đã phải hứa với các nghị sĩ của mình là sẽ “can thiệp” trong thời gian sớm nhất?

Mọi câu trả lời sẽ trở nên dài dòng, không thỏa đáng nếu không bám vào bản chất vấn đề, đó là THỊ PHẦN DẦU KHÍ!

Tương lai cuộc chiến "vàng đen"

Cả hai cùng tăng nguồn cung, lúc đó Saudi Arabia và Nga cùng chịu thiệt hại, nhưng quốc gia Tây Á là bên thiệt hại nhiều hơn vì họ chỉ dựa vào nguồn thu ngân sách chủ yếu từ dầu, trong khi “nhờ cấm vận” Nga đã đa dạng hóa một phần nền kinh tế của mình, ngoài ra Moscow có rất nhiều nhà máy sản xuất dầu chịu được mức giá 5 - 10 USD.

Trường hợp một trong hai bên giảm nguồn cung thì bên kia sẽ được lợi không chỉ nguồn thu ngân sách trước mắt mà còn chiếm được thị phần của bên kia. Điều này khó xảy ra trong tương lai gần vì dù giá dầu dù xuống dưới 20 USD thì nền kinh tế của Saudi Arabia và Nga cũng chịu được từ 5 năm đến 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế thế giới đã phục hồi, nhu cầu năng lượng cao hơn sẽ cứu họ thoát chết.

Có thể bạn quan tâm

  • Kịch bản nào cho nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí?

    Kịch bản nào cho nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí?

    16:42, 29/03/2020

  • Cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm sàn vì đâu?

    Cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm sàn vì đâu?

    11:36, 09/03/2020

  • Thế “đa cực” của thị trường dầu mỏ

    Thế “đa cực” của thị trường dầu mỏ

    11:53, 14/03/2020

  • Bùng nổ cuộc chiến dầu mỏ, “lợi bất cập hại”?

    Bùng nổ cuộc chiến dầu mỏ, “lợi bất cập hại”?

    05:26, 14/03/2020

Sự phân tích trên cho thấy cuộc chiến dầu khí sẽ trường kỳ. Các công ty dầu đá phiến Mỹ không thể tồn tại với tình trạng trường kỳ giảm giá của dầu. Họ sẽ được sống lại khi giá dầu ở mức trên 60 USD/thùng, hơn nữa họ tồn tại trên đống nợ nần vì giá thành dầu đá phiến rất cao!

Các

Các "ông trùm" dầu mỏ quốc tế đang mâu thuẫn nhau kịch liệt

Nếu giá dầu ở mức 40 USD, họ không có lãi. Nếu giá dưới 20 USD thì sự phá sản của dầu đá phiến xảy ra không quá 4 - 6 tháng. Đó là lý do phải xét trường hợp dưới đây:

D. Trump “can thiệp” vào cuộc chiến dầu khí. Xét ở góc độ cá nhân, D. Trump có động lực lớn để làm điều này. Chỉ đến thời Trump - an ninh năng lượng Mỹ mới được đảm bảo nhờ sự phục hồi của dầu đá phiến - đó là niềm tự hào của ông ta so với bao đời tiền nhiệm.

Công lao này D. Trump nhắc nhiều lần trong "Thông điệp Liên bang 2020" và ở các vòng tranh cử nội bộ của Đảng Cộng hòa mấy tháng qua. Xét ở góc độ bản chất Nhà nước tư sản, việc bảo vệ thị phần cho các nhà tư bản dầu đá phiến là nghĩa vụ của người đứng đầu Nhà trắng.

Trump dựa vào sức mạnh nào để “can thiệp” với Saudi Arabia và Nga?

Về phía OPEC nói chung, Saudi Arabia nói riêng khá đơn giản. Thứ nhất, nếu Mỹ không bảo vệ thì OPEC sẽ gặp khó khăn trong vấn đề an ninh sản xuất và an ninh lưu chuyển nguồn dầu.

Thứ hai, dự luật NOPEC từng được khởi thảo từ thời Bill Clinton, Obama nhưng bị các Tổng thống này ngăn cản vì theo tinh thần NOPEC, nhóm OPEC sẽ bị phong tỏa nguồn tài chính hơn 1.000 tỷ USD tại Mỹ và đồng thời không được sử dụng USD trong giao dịch toàn cầu.

Liệu D. Trump sẽ can thiệp?

Liệu D. Trump sẽ can thiệp?

Thời thế đã thay đổi khi Mỹ tự đảm bảo an ninh năng lượng, các công ty đá phiến Mỹ sẽ khởi kiện OPEC phá giá dầu, Tòa án Mỹ sẽ xử và tai họa ập đến … Do vậy, khi Trump can thiệp thì OPEC tất phải nghe theo!

Về phía Nga là cả một vấn đề vì Putin không “dễ bảo”. Nếu không thỏa thuận được với Putin thì “can thiệp” với OPEC trở thành công cốc!

Putin từng thỏa thuận với OPEC giảm sản lượng dầu những năm 2008 và 2014, lúc đó giá dầu có tăng nhưng 14% thị phần đã lọt vào tay các công ty dầu đá phiến Mỹ!

Đòn đau đó chưa đủ - cuối năm 2019, dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" bị Mỹ cản trở bằng cách cấm các công ty lắp đặt đường ống dưới biển Allseas của Thụy Sĩ …Thù mới hận cũ với Mỹ được Putin đặt vào canh bạc chiến tranh dầu khí hôm nay.

Putin đang chờ Trump để đưa ra những thỏa thuận có lợi cho nước Nga, Trump cũng không đến mức quá vội vàng “can thiệp” - hãy để Saudi Arabia, Nga và cả công ty đá phiến Mỹ khổ đau trong cuộc chiến.

Có thế mới nổi bật vai trò của mình …và cơ hội giành chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 năm nay lại cao hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường dầu mỏ và "cuộc chiến tay ba"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO