Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: hiện tại, có thể khẳng định thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và tương đối ổn định.
>>Kịp thời phục hồi thị trường lao động
Theo đánh giá của các chuyên gia, do ảnh hưởng của COVID-19, trong năm 2021 chuỗi cung ứng lao động bị đứt gẫy, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Trước bối cảnh đó Bộ LĐ-TBXH đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
-Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều băn khoăn về hiệu quả thực thi của các gói hỗ trợ này, thưa ông?
Đại dịch COVID-19, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân.
Trong bối cảnh đó, Bộ đã sớm đề xuất Đảng, Nhà nước triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Kết quả, chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Đến 31/12/2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng); trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỷ đồng).
Đồng thời, toàn ngành LĐTBXH đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động, tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi các chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
- Xin ông cho biết những giải pháp để bảo đảm phát triển thị trường lao động trong bối cảnh thích ứng với trạng thái bình thường mới?
Để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và người dân gặp thiên tai, rủi ro.
Thứ hai, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động: Duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động; hỗ trợ người lao động được vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường lao động - việc làm: Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện, tham mưu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW khoá XII.
>>Đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động
Muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp. Theo đó phải tập trung hình thành một hệ thống cung-cầu lao động và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.
Thứ tư, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động có cơ sở và cơ hội thuận lợi học tập nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng: Xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân, hộ nghèo, người yếu thế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.
- Vậy, đâu là giải pháp đột phá để phục hồi thị trường lao động trong năm 2022 và thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay 65% lực lượng lao động nước ta đã qua đào tạo, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp, so với mặt bằng chung của các nước ASEAN. Do vậy, hệ thống đào tạo nghề cần tiếp tục theo hướng mở liên thông, linh hoạt và bao trùm gắn với học tập và nâng cao tay nghề suốt đời, tập trung nguồn lực, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực và đi tắt đón đầu các xu hướng mới, hội nhập trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Tập trung đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tay nghề đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới, thông qua các cơ sở đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp là chính.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?
10:24, 08/02/2022
Doanh nghiệp TP.HCM với bài toán về lao động sau Tết
05:00, 05/02/2022
Tết ở một xóm lao động ngoại thành Sài Gòn
04:00, 30/01/2022
Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động
04:00, 03/01/2022
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa
16:52, 30/12/2021
An sinh cho người lao động trong Khu công nghiệp
04:05, 24/12/2021