Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3/2019.

Trong quý I/2019, diễn biến giá cả thị trường về cơ bản bám sát với dự báo và kịch bản điều hành giá đã được đưa ra từ đầu năm; phản ánh đúng quy luật biến động về giá cả trong những năm gần đây khi tăng nhẹ vào tháng 1, tăng cao hơn vào tháng 2 là tháng diễn ra lễ, tết và giảm (-0,4%) vào tháng 3. CPI bình quân quý I năm 2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây; lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,83%.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI quý I/2019: Giá dịch vụ ăn uống, giao thông công cộng, dịch vụ du lịch tăng theo quy luật, cũng như tác động từ diễn biến tăng giá của một số hàng hóa trên thị trường thế giới như xăng dầu, LPG, sắt thép. Tuy nhiên, những diễn biến trên đều đã được dự báo trước, không xảy ra đột biến và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực trong công tác tổ chức triển khai các nhiệm vụ về quản lý, điều hành giá của các bộ, ngành, địa phương; đã kịp thời có các biện pháp, bình ổn thị trường phù hợp, nhất là trong các thời điểm lễ, tết cũng như các thời điểm có những biến động của thị trường.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán kịch bản chi tiết, lựa chọn mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, theo đó đã thực hiện điều chỉnh đồng bộ giá than bán cho điện, giá khí trong bao tiêu. Việc điều hành giá xăng dầu đã được thực hiện chủ động, linh hoạt giúp giá xăng dầu trong nước tương đối ổn định, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 9 tháng còn lại của năm 2019, nhất là đối với quý II năm 2019 là thời gian bản lề cho công tác điều hành giá cả năm. Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo; một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường; mặt khác, công tác điều hành giá dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và tình hình chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi cơ chế phối hợp chặt chẽ, khoa học và linh hoạt hơn nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để củng cố, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc liên ngành; chủ động xây dựng, đề xuất sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về giá theo hướng nâng cao tính chủ động trong công tác phối hợp, nắm bắt thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương.

Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đề nghị phát huy tính chủ động của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Tài chính, khi có phát sinh nhiệm vụ điều hành giá, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền các bộ, ngành phải được báo cáo Ban Chỉ đạo thông qua cơ quan thường trực là Bộ Tài chính.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động các biện pháp điều hành nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 – 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo cụ thể việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, như: nông sản, xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... Trong đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu này để cân đối cung cầu, ổn định thị trường, cũng như chủ đông có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá tăng cao.

Năm 2019, các chuyên gia kinh tế vô cùng lạc quan khi dự báo Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát dưới mức 4%. Mặc dù giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn đang tạo ra không ít sức ép, song nhiều ý kiến cho rằng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ thực hiện được.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng có thể lạm phát năm 2019 còn thấp hơn trong năm 2018 đã qua. Theo ông Độ, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỉ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019.

"Do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như sẽ thực hiện được" - ông Độ nhận định.

Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản các năm gần đây cũng đạt thấp dưới 2%, cung hàng hóa tương đối dồi dào, kinh tế vĩ mô ổn định. Nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2019. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá giữ lạm phát khoảng 4% là một thách thức không nhỏ trong năm 2019. Ông Ngô Trí Long nhận định trong năm nay giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như dịch bệnh đối với vật nuôi gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm.

Vị chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như lương tối thiểu vùng tăng từ 1-1-2019, điều chỉnh giá điện hay một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỉ giá trong nước.

Về bài toán kiềm chế lạm phát trong năm nay, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định giá hàng hóa thế giới năm 2019 được dự báo có thể tăng và việc Cục Dự trữ liên bang (FED) dự định sẽ tăng tiếp lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Do vậy, đồng USD sẽ tăng giá tạo sức ép lên tỉ giá và gây sức ép lên lạm phát.

"Mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát. Việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình tại một số địa phương hay tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là những yếu tố gây áp lực lên kiềm chế lạm phát"- ông Phương nhận định.

Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết trước hết cơ quan quản lý cần chủ động theo dõi, phân tích thông tin và dự báo diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có phương án phù hợp, kịp thời.

Ông Long cũng đề xuất cần thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chi thường xuyên.