Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong đó,  5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp hạn, mặn: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mỗi địa phương được hỗ trợ 70 tỷ đồng.

Các tỉnh còn lại gồm Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, mỗi địa phương được hỗ trợ 60 tỷ đồng.

Số tiền này dùng để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương được hỗ trợ trong đợt này phải có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hỗ trợ nêu trên, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, tổng lượng mưa tại khu vực ĐBSCL thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 6/2020 sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Lương mưa từ tháng 7 – tháng 9 ở mức tương đương TBNN. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể xuất hiện giữa tháng 6/2020, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019, và TBNN.

Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN, từ tháng 3 đến tháng 8 có khoảng 03-05 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.

Tổng lượng dòng chảy sông Mê Công về Đồng bằng từ nay đến cuối mùa khô dự báo ở mức thấp hơn TBNN từ 15-20% và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016. Từ tháng 6-9/2019, tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng tăng dần, nhưng vẫn thấp hơn so với TBNN cao hơn từ 10-20%.

 Sông Tiền thuộc hạ lưu dòng Mê Kông dòng chảy từ thượng nguồn “yếu” so trước đây.

 Sông Tiền thuộc hạ lưu dòng Mê Kông dòng chảy từ thượng nguồn “yếu” so trước đây.

Theo dự báo chuyên ngành của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ ngày 26/3 đến 6/4, xâm nhập mặn giảm, khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ từ 90-100 km trở lên, Cổ Chiên từ 35-40 km, Hậu từ 30-35 km, Cái Lớn từ 55-60 km; riêng các cửa sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập mặn vẫn ở mức tương đối cao.

Đây là thời gian xâm nhập mặn thấp nhất ở các cửa sông Cửu Long kể từ tháng 1/2020, có thể lấy nước ngọt tương đối thuận lợi. 

Từ ngày 8-15/4, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 3 âm lịch, với ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông như sau: Vàm Cỏ từ 110-120 km, cao hơn 24-25 km so với mức cao nhất tháng 3/2020; các sông cửa Tiểu, cửa Đại 50-55 km, thấp hơn 2-7 km so với mức cao nhất tháng 3/2020; sông Hàm Luông 70-75 km, thấp hơn 3-8 km so mức cao nhất tháng 3/2020; Sông Cổ Chiên 45-50 km, thấp hơn 1-6 km so với mức cao nhất tháng 3/2020; Sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 45-50 km, thấp hơn 5 km so với mức cao nhất tháng 3/2020; Sông Cái Lớn 60-65 km, cao hơn 8-13 km so với mức cao nhất tháng 3/2020.

Từ nửa cuối tháng 4/2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh; đến đầu tháng 5/2020, xâm nhập mặn ở vùng các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm.

Dưới nhiều tác động, nguyên nhân khác nhau cùng với diễn biến của thời tiết, thiên tai: hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL được dư báo ngày càng trầm trọng.

Dự báo mức thiệt hại không chỉ là con số hàng trăm ngàn ha đất sản xuất và hàng trăm ngàn hộ dân cư bị ảnh hưởng vì thiếu sinh kế, thiếu nước sinh hoạt.

Do đó, bên cạnh việc vận động triển khai các mô hình sản xuất thuận thiên, thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ thì việc gấp rút triển khai các công trình thủy lợi đa mục tiêu giữ ngọt, ngăn mặn, các công trình cấp nước ngọt cho dân cư được xem là quan trọng và cấp bách.