Từ Thế kỷ thứ tư đến Thế kỷ thứ bảy, những người nhập cư đến Nhật Bản từ Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc đại lục đã mang theo các kỹ năng để làm gốm, sản xuất áo giáp và thậm chí thiết lập một hệ thống pháp lý tại Nhật. Và bây giờ, những người nhập cư "đang có tác động lớn nhất kể từ thời điểm đó, ảnh hưởng của họ đi vào mọi ngõ ngách của cộng đồng địa phương", Giáo sư Fumio Tanaka của Đại học Waseda nhận định.

CÁC CỘNG ĐỒNG ĐÃ SẴN SÀNG?

Câu hỏi đó ngày càng trở nên quan trọng, kể từ tháng 4 vừa qua, Nhật Bản thực thi chính sách cho phép hơn 300.000 người nước ngoài vào làm việc trong các lĩnh vực thiếu lao động tại nước này. Số lượng cư dân không phải người Nhật Bản dự kiến sẽ tăng cao nhất mọi thời đại với khoảng 2,73 triệu người, tương đương khoảng 2% dân số.

Tuy nhiên, khó khăn là không tránh khỏi, nhiều lao động nhập cư mới đã phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, từ việc phải làm quen với văn hóa doanh của các doanh nghiệp Nhật, làm quen với nếp sống của xã hội và cộng đồng người bản xứ xung quanh, hay những rào cản về ngôn ngữ…. Nếu các công ty Nhật Bản có các chương trình hỗ trợ những những người lao động nhập cư trong giai đoạn họ mới đến, chắc chắn hiệu quả mà các công ty này có được sẽ lớn hơn rất nhiều.

Anh Zhong Zifang, một sinh viên Trung Quốc 22 tuổi vừa đến Nhật Bản, đã chủ quan khi một nhà tuyển dụng yêu cầu anh ta "giới thiệu bản thân trong 20 giây". Tại cuộc phỏng vấn này, Zhong đã nhận được lời khuyên "hãy là chính bạn". Nhưng sinh viên Nhật Bản biết rằng họ cần chuẩn bị một bài giới thiệu thật hoàn hảo, chứ đó không phải là một bài giới thiệu “nghĩ gì nói đấy” như anh Zhong nghĩ.

Tuy nhiên, trường hợp của Zhong không phải là cá biệt. Rất nhiều sinh viên bị vấp bởi hệ thống tuyển dụng Nhật Bản, thậm chí ngay khi họ có thể bước vào giai đoạn phỏng vấn. Disco - một nhà cung cấp thông tin việc làm cho biết sinh viên nước ngoài thường chỉ đạt số điểm bằng một nửa so với các đồng nghiệp Nhật Bản vì kết quả kém trong các bài trắc nghiệm tính cách và năng khiếu trước khi phỏng vấn, ngay cả khi họ đã vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ.

Tại một cuộc hội thảo do Trung tâm dịch vụ việc làm cho người nước ngoài tại Tokyo tổ chức vào tháng 4 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra các lời khuyên cho các ứng cử viên trẻ, giúp họ có được sự chuẩn bị chu đáo nhất cho đợt tuyển dụng mùa xuân hàng năm của các công ty Nhật Bản.

"Bạn đã phân tích chính mình?" một chuyên gia đặt ra câu hỏi cho những người tham gia. Khi tham gia buổi hội thảo này, anh Zhong đã học được phong cách làm việc chăm chỉ của người Nhật. Zhong cũng học được cách thể hiện được những ưu điểm của bản thân, sở thích và chiến lược phát triển của họ trong các cuộc phỏng vấn, cũng như lý do anh muốn tham gia vào công ty. Hội thảo cũng cung cấp hướng dẫn về cách nói và thậm chí ngồi khi gặp gỡ các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Tuy nhiên, một vấn đề khác, vốn được xem là truyền thống lâu đời của công ty Nhật Bản. Các công ty tại xứ sở mặt trời mọc thường ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp hơn là các nhân viên trung tuổi. Chị Richa Sharma đến từ Nepal cho biết: "Có quá nhiều công ty tôi thậm chí không thể nộp hồ sơ, chỉ vì tôi đã 29 tuổi".

Nhiều công ty Nhật Bản biết rằng các nhân sự nước ngoài đã đóng góp phần nhiều vào sự thành công của công ty. Chuyên gia kinh tế cao cấp Takayuki Miyajima từ Viện Nghiên cứu Mizuho nhận định: "Việc có mặt của các nhân viên người nước ngoài đã kích thích các nhân viên Nhật Bản, giúp họ cải thiện năng suất lao động".

Theo đó, vị chuyên gia này ước tính rằng mức tăng hàng năm của 100.000 lao động nước ngoài sẽ làm kích thích tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Nhật Bản, ở mức khoảng 1%, bằng 0,1 điểm phần trăm.

Sinh viên tham gia hội thảo việc làm tại Trung tâm việc làm Tokyo dành cho sinh viên nước ngoài vào tháng 4

Sinh viên tham gia hội thảo việc làm tại Trung tâm việc làm Tokyo 

Originator - một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Tokyo chuyên kết nối các công ty vừa và nhỏ với sinh viên nước ngoài, đã giới thiệu thành công 514 nhân sự nước ngoài cho các công ty chỉ trong năm 2018. Con số này đã tăng gấp bốn lần so với năm 2015. "Mô hình các công ty nhỏ và vừa, với nhân viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang có xu hướng tăng lên" - bà Naomi Kudo - Giám đốc của Originator chia sẻ.

Không đứng ngoài xu hướng tuyển dụng này, các công ty lớn cũng đang tích cực tìm kiếm nhân sự người nước ngoài. Tập đoàn điện tử Panasonic đang có kế hoạch tuyển dụng các nhân sự người nước ngoài có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung.

Từ tháng Tư, Panasonic đã tái cấu trúc các công ty con của Tập đoàn tại Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và bên cạnh việc ưu tiên tuyển dụng các nhân sự có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung, ông Daisuke Takahashi - Giám đốc nhân sự của Panasonic cho biết công ty cũng cần thiết lập một "hệ thống” các nhân viên nước ngoài làm việc tại Nhật Bản để đa dạng hóa lực lượng lao động.

TÌM CÁCH THÍCH NGHI

Thành phố Warabi thuộc tỉnh Saitama lân cận của Tokyo, có dân số ước tính 2.000 người Kurd có biệt danh là thành phố "Warabistan" - thêm từ stan trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "quốc gia" hoặc "khu vực". "Người Kurd đến đây khi họ nghe về sự hiện diện rộng lớn của chúng tôi", ông TAS Tevfik, một người Kurd đến Nhật Bản khoảng 15 năm trước, tự hào cho biết.

Tokyo giờ được xem là một thành phố đa dân tộc, bao gồm các nhóm dân tộc từ Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Nepal và Việt Nam. Người dân Tokyo nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung đã coi những người nước ngoài này là một phần không thể thiếu trong xã hội của họ

Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả người Nhật đều hào hứng chào đón những người hàng xóm ngoại quốc này. Trong một cuộc khảo sát của Liên minh Công đoàn Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái cho thấy, gần 30% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy "không tốt" hoặc "rất xấu" về việc có thêm cư dân nước ngoài trong cộng đồng của họ. Gần 40% cho biết họ cảm thấy "tốt" hoặc "rất tốt". Nhưng tỷ lệ trả lời "rất tệ" đạt 8.4%, vượt quá tỷ lệ người nói "rất tốt" bằng 3,4 điểm phần trăm.

Một trong những khó khăn của người lao động nhập cư đến Nhật Bản là việc thuê nhà. Có một thực tế là người thuê nhà là người bản xứ Nhật thường có xu hướng chuyển đi khi có người nước ngoài chuyển đến. Và để khắc phục tình trạng này, một số văn phòng bất động sản tại địa phương thường để sẵn vài khu căn hộ riêng biệt để dành cho người nước ngoài thuê. Steve Kim đến từ Mỹ đã ký hợp đồng thuê tại văn phòng của GTN ở Tokyo vào giữa tháng Tư nhận xét: "Tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của công ty về thủ tục giấy tờ, bao gồm các thủ tục bảo lãnh, bởi vì tôi không thể đọc được tiếng Nhật".

Toshimi Tanaka, trái, một nhân viên của công ty bất động sản Uy tín, đến thăm công nhân Nepal ở thành phố Hadano

Toshimi Tanaka (trái) - nhân viên của công ty bất động sản uy tín tại Tokyo, đến thăm công nhân Nepal sống tại thành phố Hadano (Nhật Bản)

Prestate - một công ty bất động sản có trụ sở tại Tokyo đã khá thành công trong việc chuyên cung cấp chỗ ở cho người nước ngoài đã . Mô hình kinh doanh của công ty này tập trung vào việc cải tạo những ngôi nhà cũ, bỏ trống - ngày càng phổ biến ở Nhật Bản khi dân số bản địa già đi và thu hẹp - thành nhà ở của công ty.

Đứng trước tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động sản xuất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến năm 2025 nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và chăm sóc người cao tuổi.

Thành công của chính sách kinh tế Abenomics trong tương lai có thể nói đang phụ thuộc nhiều vào chính sách nhập cư. Không có chính sách nhập cư phù hợp, tình trạng thiếu lao động sẽ cản trở sự phát triển bền vững của kinh tế Nhật Bản. 

Giáo sư đại học Waseda cũng cho rằng cùng với sự nổi lên của Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật Bản phải thực tế hơn và nhìn nhận thẳng thắn vấn đề là nước này cần lao động nước ngoài hơn là lao động nước ngoài cần Nhật Bản.

Đây là vấn đề sống còn và Nhật Bản phải học tập cách chấp nhận việc lao động nước ngoài nhập cư vĩnh viễn, nếu không nước này buộc phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập và bỏ lại phía sau.