Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng xa gần đã mấy chục năm nay. Từ những năm 50, 60, bà con trong làng đã làm bánh chưng và bánh dày đem bán. Những ngày khó khăn, bánh chưng được làm rồi chở đi khắp nơi bán. Những tưởng làng nghề không trụ được trước thời thế thay đổi của xã hội, nhưng bánh chưng Tranh Khúc với hương vị riêng và chữ “tín” của một làng nghề, đã phát triển mạnh mẽ trong thời hiện đại. 

Bây giờ bánh chưng được gói sẵn và được bán quanh năm nên làng gói bánh chưng cũng nhộn nhịp quanh năm. Số lượng bánh của nhà bác Điềm vào những ngày rằm và mùng 1 hàng tháng vào khoảng vài trăm đến cả nghìn chiếc bánh. Gần Tết, số lượng này tăng lên gấp nhiều lần. Bác kể, có thời điểm, chỉ riêng nhà bác đã gói hơn 10.000 chiếc bánh, xếp bánh chưng chật cả một cái sân rộng. Từ 3h sáng đến 12h đêm, không ngớt việc. Bánh gói đến đâu, bắc ngay nồi luộc đến đấy, sau 10 tiếng, vớt ra nóng hổi là đem đi cho khách ngay. Chiếc bánh chưng Tranh Khúc đi khắp đất nước, rồi được mang ra nước ngoài, như một phần của Tết, một phần của văn hóa Việt, đi khắp thế giới. 

Bánh chưng Tranh Khúc trải qua nhiều năm thăng trầm vẫn giữ được niềm yêu thích của các bà các chị xa gần bởi cho dù khó khăn đến thế nào, chiếc bánh vẫn được gói bằng những sản vật tốt nhất cùng cái tâm tử tế của người làm. Bánh chưng được gói bằng gạo nếp cái hoa vàng trắng ngần cùng đỗ nhuyễn bọc trong đó miếng thịt nửa nạc nửa mỡ đã được tẩm ướp đủ vị. Sáu chiếc lá dong xanh, bọc lấy lớp gạo lớp đỗ, lớp thịt, chẳng cần khuôn mà cứ đều tăm tăm, cả nghìn chiếc gói như một. Chiếc bánh Lang Liêu chắc tay, buộc trong lạt mềm. Người làng Tranh Khúc chẳng có ai gói bánh bằng khuôn vì đã quá quen tay nghề. Thấy tôi thắc mắc việc làm sao để cân đủ lượng thịt đủ lượng gạo, tay vẫn thoăn thoắt gọi, bác trả lời tôi, làm đã quen tay, chỉ cần nâng lên là đoán được định lượng. Người ta bảo, người làng gói bánh mất có 30 giây, còn tôi thì thấy chắc chỉ chưa đầy 20 giây, chiếc bánh đã gói xong.

Thoăn thoắt, nhịp nhàng từng khâu, mỗi người một việc. Người rửa lá dong, những chiếc lá to bản, xanh rì được rửa thật sạch và để ráo, lá to lá nhỏ được phân định để gói loại bánh to hay bánh nhỏ khác nhau. Người tuốt lá và xếp lá. Cứ 6 lá cho một chiếc bánh chưng. Ai biết xếp lá sẽ học được cách gói bánh chưng. Gói bánh, nhìn tưởng đơn giản mà không hề dễ dàng. Nhiều người đã học mà không làm được nên được giao cho những việc khác như vo gạo, đồ đỗ hay thái thịt, buộc lạt. Giữa những chậu thịt, đỗ, gạo, lá dong, những đôi tay vừa đổ gạo, vừa đặt đỗ, thịt, rất nhanh, chiếc bánh đã thành hình. Bánh xong rồi, những chiếc lạt được buộc chặt, rồi được xếp vào nồi luộc. Vào vụ bánh chưng Tết, có cả chục người gói bánh một lúc. Những người thợ gói bánh lành nghề lúc nào cũng có việc.

Một chiếc nồi đun bánh chưng xếp được khoảng 50 chiếc. Những chiếc bánh xếp thật đẹp mắt, đều tăm tắp. Nước đổ sâm sấp quá bánh. Rồi bật điện lên luộc suốt đêm. Trước, bánh được đun bằng củi, rồi chuyển sang than và dùng bếp gas. Nay nồi đun bằng điện. Tiện và sạch hơn rất nhiều. 

Người làng Tranh Khúc quanh năm việc không ngơi tay. Vào ngày thường, bánh được gói vào buổi chiều để tiện lên bếp luộc cho mẻ bánh ra chợ sáng hôm sau. Làng còn nổi tiếng với mòn bánh dày cũng được làm vào buổi tối, sau khi mẻ bánh chưng đã xong. 

Chiếc bánh chưng Tranh Khúc phủ một màu xanh đẹp mắt. Những chiếc bánh vuông đều chằn chặn, thơm mùi nếp, thơm mùi đỗ, mùi lá. 

Những ngày trời lất phất mưa bay, về làng Tranh Khúc, đi giữa hương thơm của bánh chưng, thấy mùa xuân, thấy Tết đã về thật gần. Những chiếc bánh chưng mang về, đặt ngay ngắn lên bàn thờ gia tiên, thắp nén hương trầm, mời ông bà tổ tiên về ăn một cái Tết ấm cúng, xum vầy. 

Làng bánh chưng nhộn nhịp đến hết ngày 29 Tết để đón Tết. Sau đó nửa tháng, làng lại bắt đầu những mẻ bánh mới cho rằm tháng Giêng. Cứ thế, 365 ngày trôi qua, trong hương thơm bánh chưng cổ truyền. Lễ Tết, giỗ chạp, ngày rằm mùng một, cưới hỏi, lúc nào cũng cần những chiếc bánh chưng. 

Làng Tranh Khúc nằm bên bờ sông Hồng thơ mộng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Thi thoảng, các cô giáo dẫn bọn trẻ về làng, để chúng được xem gói bánh chưng, được trải nghiệm một phần không khí Tết. Chiếc bánh tự gói xộc xệch, xấu mã nhưng niềm vui và những bài học quý giá hiển hiện trên nụ cười và những câu chuyện. Chiếc bánh chưng truyền thống vuông vức mang trong mình những giá trị còn mãi với thời gian. 

Một lần về Tranh Khúc để gói bánh chưng và lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện làng, chuyện bánh, chuyện văn hóa và lịch sử cha ông trong một buổi chiều mùa xuân rực rỡ.

Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021.

Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.