Một ngày cuối tháng 10, trong cái se lạnh của những ngày đầu đông, những chuyến phà từ phà Gót đưa chúng tôi đến với Cát Bà vẫn tấp nập nối đuôi nhau. Kể từ khi cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam thông xe cách đây hơn 5 năm, con đường từ Hải Phòng ra Cát Bà đã ngắn đi rất nhiều. Với những người dân đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo thì cây cầu vượt biển này chính là mơ ước của họ bởi nó đã rút ngắn khoảng cách giữa du khách với du lịch Cát Bà.

Bà Tâm – 62 tuổi, một người bản địa đang làm nghề kinh doanh buôn bán trên phà Gót tâm sự: “Người ta vẫn thường khuyên du khách nên du lịch biển đảo vào mùa hè. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của trước kia, giờ đây, khi khoảng cách được rút ngắn lại, du khách có thể ghé du lịch Cát Bà bất kỳ thời điểm nào trong năm, trừ mùa mưa bão (từ cuối tháng 8 đến tháng 10). Bởi mỗi mùa, Cát Bà lại mang vẻ đẹp riêng, mang đến cho du khách trải nghiệm riêng biệt”.

Cũng theo lời bà Tâm, Cát Bà đẹp trong cả 4 mùa trong năm. Nếu vào mùa xuân, Cát Bà như cô gái tuổi trăng tròn, đầy mộng mơ với những cơn mưa xuân nhè nhẹ và mùi thơm nồng nàn từ các loài hoa ở các vườn quốc gia; thì đến mùa Hè, Cát Bà sôi động như thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi với tiếng gió biển thổi mát rượi trên các bãi tắm đầy ắp tiếng người. Mùa thu đến, Cát Bà lại kiêu sa như những cô gái đẹp ngoài ba mươi mà vẫn kén chồng. Tới mùa Đông, Cát Bà lại đằm thắm, dịu dàng, e ấp trong làn sương mờ ảo của những buổi sáng sớm sương mù lãng đãng bay.

Dù đã đến Cát Bà nhiều lần nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi đi Cát Bà vào mùa thu – đông. Đúng như lời giới thiệu của bà Tâm, mùa này, Cát Bà như một bức tranh tuyệt đẹp với sóng êm, biển lặng, cây cối bắt đầu ngả màu vàng lại được bao phủ bởi sắc nắng thu dịu nhẹ.

Thời tiết chuyển sang đông, những ngày lạnh nhiều hơn nhưng trời vẫn khô và nắng. Cỏ lau trổ bông khắp con đường từ bến phà về trung tâm thị trấn, đặc biệt là khu vực xã Xuân Đám tạo nên một khung cảnh đầy nên thơ, lãng mạn.

Cát Bà vốn được biết đến như một “cô gái đẹp” với rất nhiều danh hiệu cao quý và đặc biệt còn hội đủ 3 chữ “Đ” mong muốn của ngành du lịch; đó là “độc - đẹp và đáng” để đến.

Hành trình khám phá 3 chữ “Đ” của ngành du lịch của chúng tôi bắt đầu từ khu vực Vườn quốc gia Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Dọc đường khám phá Vườn quốc gia Cát Bà, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác – thế giới của sự hoang sơ, kỳ bí với với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những chú khỉ nghịch ngợm vui đùa, chim chuyền cành hót líu lo trên từng chặng đường.

Đến, đi và khám phá mới thấy, đây là điểm trekking không thể bỏ qua, nhất là với những người đam mê khám phá. Vườn quốc gia Cát Bà là nơi có hệ động, thực vật phong phú với 282 loài động vật sống trong rừng, 538 loài động vật sống ở đáy biển, 196 loài cá biển, 177 loài san hô, 75 loài rong biển, 771 loài cây cỏ trên cạn, 741 loài thực vật khác nhau, có nhiều loài cây gỗ quý như: lim xẹt, dẻ hoa, gõ trắng, chò đãi…

Đối với những người yêu thích du lịch khám phá cảnh đẹp thiên nhiên thì việc viếng thăm hang động Trung Trang với những nhũ đá thiên nhiên kỳ bí đẹp mê hồn, hay vào hang Quân Y chứa cả một "bệnh viện" trong chiến tranh và hiểu thêm về những chiến công, lòng dũng cảm của nhân dân Cát Bà trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng là một hành trình thú vị.

Vội gói gém toàn bộ những khoảnh khắc tuyệt đẹp vào máy ảnh, chúng tôi lại tiếp tục hành trình hướng về phía biển. Và vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới là điểm đến tiếp theo mà chúng tôi lựa chọn. Từ bến Cái Bèo, chúng tôi lên tàu rời cảng. Một cán bộ thuộc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cũng bắt đầu giới thiệu về quần thể du lịch Cát Bà với những điểm đến hấp dẫn.

Cát Bà có gần 400 hòn đảo lớn, nhỏ với cảnh quan tuyệt đẹp. Điểm nhấn trên vùng biển Cát Bà là 3 bãi biển Cát Cò 1, 2, 3 và vịnh Lan Hạ. Các bãi biển ở đây không quá rộng, sóng không quá lớn nhưng trong xanh, sóng êm và sạch sẽ. Quả không sai khi vịnh Lan Hạ được mệnh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và đang được lựa chọn để cùng với Vịnh Hạ Long đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới…

Vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Lan Hạ được làm nên bởi hàng trăm đảo đá muôn hình như Hòn Guốc, Hòn Bút, Hòn Con Rùa, Hòn Dơi, Hòn Hai Cổ, Hòn Bù Nâu, Hòn Tai Kéo, Bụt Đầy…với hơn 130 bãi cát vàng óng ả và hoang vắng như những "eo biển xanh”. Trong khi mỗi ngọn núi mang một dáng vẻ riêng thì mỗi một hòn đảo nhỏ trên vịnh lại mang trong mình một câu chuyện riêng về sự ra đời.

Một điểm đặc biệt là vịnh Lan Hạ luôn được bao phủ bởi một màu xanh mát mắt bởi thảm thực vật nơi đây sinh trưởng và phát triển tương đối mạnh mẽ. Cũng vì lẽ đó, vịnh vẫn còn giữ được nét hoang sơ gần gũi với thiên nhiên và trở thành điểm du lịch hút khách. Với thời tiết tương đối giống với quần thể di sản Tràng An ở Ninh Bình, vịnh Lan Hạ đẹp nhất là lúc vào thu.

Sớm mùa thu tại Cát Bà như dịu dàng hơn, khi làn sương mỏng manh chưa kịp tan, lúc ẩn lúc hiện, mang dáng vẻ vừa hoang sơ, vừa huyền ảo như mơ. Khi mặt nước xanh trong vắt, nhiệt độ mát mẻ không oi bức, được thư thái lênh đênh trên thuyền ngắm cảnh vịnh là một trải nghiệm tuyệt vời nên thử một lần. Phong cảnh của Vịnh Lan Hạ lúc này tựa như thiên đường với những hòn đảo đá nhỏ nhấp nhô, những bãi cát trắng mịn màng tinh khôi, những ngôi nhà nổi, những chiếc thuyền lênh đênh của dân chài và cả làn nước xanh trong vắt như pha lê...

Điểm cuối trên hành trình khám phá vịnh Lan Hạ của chúng tôi là làng cổ Việt Hải. Từ bến tàu Việt Hải quanh năm ì oạp tiếng sóng vỗ bờ, ngồi trên chuyến xe điện cuối ngày vào làng, chúng tôi được một người dân trên đảo cho “góp gạo thổi cơm chung” và ngủ nhờ một đêm. Sau một ngày di chuyển mệt nhoài, chúng tôi đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ…

Một ngày cuối thu, đầu đông ở nơi đảo xa, bắt đầu bằng những vệt nắng sớm hiếm hoi nhuộm vàng vách núi, nơi bầy dê nhà được thả rông chăm chỉ dậy sớm kiếm ăn trong những lùm cây lấp ló giữa bồng bềnh mây trắng và sương mù quấn quyện. Trong bầu không gian thấm đẫm hương vị của núi rừng buổi sớm và cái hanh khô đặc trưng của mùa thu - đông, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Đảng uỷ xã Việt Hải dẫn đi mục sở thị xã đảo.

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá tai mèo sừng sững, những rừng cây xanh um tùm và những làn nước trong veo, xanh biếc nên không khí nơi làng chài Việt Hải lúc nào cũng trong lành. Đặc biệt, vì mọi người trong làng chỉ đi xe đạp hoặc đi bộ, một vài nhà khá giả mới có xe máy và xe điện để phục vụ khách du lịch nên không gian ở đây còn cực kỳ “sạch” và yên tĩnh, không có tiếng máy nổ, còi xe và bụi bặm…

Theo lời ông Lợi, biệt danh “đảo trong đảo” bắt nguồn từ khoảng cách xa xôi kèm theo sự biệt lập. Trước đây, muốn ra đảo Việt Hải, du khách phải băng rừng hơn 10 cây số hoặc ngồi thuyền nan, thuyền gỗ từ thị trấn Cát Bà nhiều tiếng đồng hồ trong nhịp tròng trành sóng nước. Nhưng rồi, sự xuất hiện của những chuyến tàu chạy máy đã giúp giảm thời gian di chuyển từ thị trấn Cát Bà ra Việt Hải được rút ngắn.

Quả không sai khi Việt Hải được du khách ưu ái gọi với tên “thiên đường nơi hạ giới”. Bởi đến với Việt Hải, du khách có thể dạo bước qua những cánh đồng bao la, thong dong đi bộ trên con đường làng hay đạp xe giữa thung lũng, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên; thư thái với dịch vụ cá mát – xa chân; cùng hoà mình vào công việc đồng áng, thở nhịp thở của núi rừng, biển cả và có dịp trải nghiệm văn hoá cùng người dân bản địa.

Mùa thu - đông tại miền Bắc, đặc biệt là Cát Bà có những nét quyến rũ riêng, đủ sức thu hút du khách. Điều này có thể chứng minh khi những ngày này, nhiều đoàn khách tìm về “đảo Ngọc” Cát Bà, trong đó có xã Việt Hải. Đây cũng là niềm vui đối với chính quyền địa phương và những người làm du lịch sau hơn 2 năm bị “đóng băng” bởi đại dịch.

Tuy nhiên, du lịch Cát Bà mùa thu - đông vẫn còn khá manh mún, chưa có một chiến lược bài bản chuyên nghiệp và vì vậy hiệu quả mang lại còn rất khiêm tốn.

Hiện TP Hải Phòng và huyện Cát Hải đang tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Cát Bà. Trong đó, chú trọng mở rộng thị trường khách ở TP HCM và các tỉnh Nam bộ, mở rộng hợp tác thu hút khách du lịch từ các thị trường có đường bay thẳng tới Hải Phòng như các nước Đông Bắc Á, châu Úc, Tây Âu, Đông Âu…

Theo ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, trong thời gian tới, huyện Cát Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như xây dựng các sản phẩm mới để thu hút thêm du khách mùa thu - đông. Trong đó, tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt, mang thương hiệu Cát Bà; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng khai thác, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phong tục, tập quán, sản phẩm nông nghiệp của địa phương; xây dựng một số sản phẩm trên địa bàn trở thành thương hiệu OCOP đặc trưng như “Homestay Cát Bà 5 sao”…, để đa dạng thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Thực tế, “Đảo Ngọc” quá đẹp, ít có địa phương nào trên đất nước Việt Nam có được. Tiềm năng to lớn này nếu biết khai thác, phát huy chắc chắn sẽ mang lại những giá trị vượt xa khỏi tầm dự báo.