Qua dữ liệu thống kê về vốn hoá thị trường nêu trên, có thể thấy dòng tiền luôn có xu hướng luân chuyển vào các nhóm ngành được kì vọng tăng trưởng và ít ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Trong đó, dòng tiền đã tập trung mạnh ở các nhóm ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán và bất động sản. Đến đầu tháng 6 thì dòng tiền lại dịch chuyển qua ngành bất động sản nhiều hơn và giảm ở ngành ngân hàng.

Nó là 1 xu hướng mới và cần phải lưu ý bởi cho thấy 2 đặc điểm: Thứ nhất, nhóm vốn hóa lớn đang có giá trị hợp lý (fair value) trong mắt các nhà đầu tư (đầu cơ). Thứ hai, tiền vẫn đang ở trong thị trường và luân chuyển theo nhóm ngành.

Với giá trị và định giá hợp lý của thị trường như hiện tại, giả định khi nhóm ngân hàng không còn hấp dẫn do cuối năm sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro ở mức 30% theo Thông tư 03/2021, tức sẽ làm giảm lợi nhuận, qua đó giảm kỳ vọng và ảnh hưởng đến vốn hóa, dòng tiền lẫn VN30? Có thể quan sát câu trả lời cho điều này một khi dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi nhóm VN30 đồng nghĩa là thị trường sẽ yếu dần đi và hình thành một đợt điều chỉnh trong tương lai để cân bằng lại cung cầu đó.

Trên thực tế, thị trường là sự kỳ vọng và khó đoán, nhưng kỳ vọng giảm ở khu vực này có thể sẽ tìm được nơi đặt kỳ vọng tại khu vực khác. Sự vận động của dòng tiền các tháng cuối năm có thể đi theo xu hướng tìm đến 2 nhóm ngành được hưởng lợi: 1/ Nhóm hưởng lợi bởi hồi phục cầu tiêu dùng toàn cầu khi nhu cầu các quốc gia trọng yếu như Mỹ, Eu đã hồi phục do hết giãn cách. Trong nhóm xuất khẩu này còn hưởng lợi bởi đồng USD lên giá. 2/ Nhóm hưởng lợi bởi dịch COVID -19 tại Việt Nam được kiềm chế và các yếu tố nội tại khác của Việt Nam như: Bất động sản công nghiệp, bán lẻ, hàng không.

Riêng các nhóm ngành đã được kỳ vọng lớn và là tâm điểm thu hút dòng tiền trên thị trường thời gian qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng và thậm chí cả dầu khí, có thể suy yếu. Còn các ngành khác sẽ có sự phân hóa tăng mạnh.

HUỲNH MINH TUẤN - GĐ Môi giới Hội sở CTCK Mirea Asset