Hai trong tổng số 11 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM đã lắp đặt hệ thống khung thép mái vòm tạo hình.

Cận cảnh những công trình giao thông mừng lễ 30-4 - Ảnh 2.

Các công nhân vẫn đang tất bật lắp đặt mái vòm tại hai nhà ga Bình Thái (phường Trường Thọ) và Khu công nghệ cao (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM)

Hiện nay, phần nhà ga đã được xây dựng, hoàn thành phần thô. Đoạn đường trên cao đang thi công lắp đặt đường ray, nhiều đoạn tiếp tục hoàn thiện việc lắp lan can sắt để chuẩn bị thi công lắp đặt đường ray đồng bộ.

Hệ thống mái vòm nhà ga metro làm bằng thép, được lắp bằng hệ thống khung sơn màu trắng, dọc theo chiều dài của nhà ga.

Ban Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết mới lắp được phần mái của 2 nhà ga Khu công nghệ cao và Bình Thái. Việc lắp ráp diễn ra thuận lợi, dự kiến đến cuối năm 2018, đơn vị sẽ tiếp tục lắp mái vòm thêm 8 nhà ga nữa trên toàn tuyến.

Tuyến Metro sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm tăng vẻ đẹp của thành phố, giảm phương tiện di chuyển cá nhân, đem lại nhiều tích cực trong tương lai.

Một công trình khác tại cửa ngõ Tây Bắc là hầm chui An Sương khởi công từ tháng 1-2017 cũng vừa được khánh thành giữa tháng 3-2018, vượt tiến độ nhiều tháng so với kế hoạch.

Hầm chui An Sương hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22 dài 445 m, rộng 9-9,5 m, trong đó độ dài hầm hở là 320 m, hầm kín là 125 m, tốc độ di chuyển quy định 50 km/giờ.

Hầm chui An Sương giúp giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực, tạo thuận lợi cho xe lưu thông trên trục Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh qua nút giao.

Trước đó, cuối tháng 1, hầm chui thuộc dự án nút giao thông Mỹ Thủy bắt đầu thông xe. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc và tai nạn ở cửa ngõ ra vào cảng Cát Lái. Ngoài hầm chui, công trình cầu vượt tại đây dự kiến thông xe dịp 30-4 nhằm cải thiện tình hình giao thông ở cửa ngõ ra vào cảng Cát Lái.