[COVID-19] Tránh “bẫy phục hồi”

Diendandoanhnghiep.vn Dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ phục hồi. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần “dưỡng sức”, chờ đợi thời cơ bật dậy.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tính đến nguồn lực để khôi phục sản xuất kinh doanh hậu dịch bệnh, để tránh rơi vào “bẫy phục hồi”.

Dịch COVID-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, hướng tới bền vững và hiệu quả hơn. Ảnh: Đỗ Hương

Dịch COVID-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, hướng tới bền vững và hiệu quả hơn. Ảnh: Đỗ Hương

Khó chồng khó

Hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kép khi mà sản xuất đang gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra. Mặc dù tại Trung Quốc, hiện tình hình dịch bệnh đã tạm yên, song hoạt động sản xuất vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn, chưa kể nước này vẫn siết chặt kiểm soát để ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại. Nguồn cung nguyên vật liệu của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử… vì thế vẫn khan hiếm.

Trong khi đó, dịch bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ, những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến doanh nghiệp không chỉ khó tìm kiếm đơn hàng mới, mà còn bị hủy bỏ hàng loạt đơn hàng cũ.

Đơn cử như lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), đối với các đơn hàng đã ký, tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn khoảng 20-40%, bị dừng hoặc hủy là 20-30%. Tỷ lệ hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu ở Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng mới cũng không dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp gần như không có đơn hàng mới trong quý II và III/2020…

Thiếu nguyên liệu để sản xuất, trong khi hàng sản xuất ra không bán được, khiến doanh nghiệp không có doanh thu, không có tiền để trả lãi ngân hàng, nộp thuế phí cho Nhà nước, thậm chí trả lương cho người lao động. Với những doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản…, bài toán tiền lương lại càng hóc búa hơn.

Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là đóng cửa ngừng hoạt động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm có tới 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 4,1 nghìn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung, số doanh nghiệp “ốm chết” đã lên tới 34,9 nghìn doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong thời gian này. Kéo theo đó là tỷ lệ thất nghiệp của cả nước tăng lên 2,2% trong quý đầu năm nay.

Các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa các gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ thời cơ bứt phá sau dịch. Ảnh: N.Trinh.

Các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa các gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ thời cơ bứt phá sau dịch. Ảnh: N.Trinh.

Dự trù nguồn lực kép

Những khó khăn hiện nay do dịch bệnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Thu hẹp sản xuất, tập trung nguồn lực vào những mặt hàng có tính thị trường cao, có sức tiêu thụ tốt là một hướng đi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chẳng hạn doanh nghiệp dệt may chuyển mạnh sang sản xuất khẩu trang, hay Vingroup sản xuất máy thở…

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, cơ hội sẽ lại mở ra do nhu cầu được dự báo sẽ phục hồi mạnh trở lại khi các nền kinh tế đều nỗ lực “tái thiết” sau dịch. Song cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp còn sống sót và có đủ sức khỏe để bật lên. Bởi vậy, điều quan trọng nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là phải cầm cự chờ đến ngày dịch bệnh kết thúc. Muốn vậy, doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa các gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi thời cơ bứt phá sau dịch.

Tuy nhiên, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai hiện nay chỉ có thể làm dịu đi phần nào, chứ không thể giải quyết tận gốc rễ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Những khó khăn này chỉ có thể chấm dứt khi dịch bệnh qua đi.

Đặc biệt, việc hoãn, giãn thuế; giãn, khoanh nợ; hay tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội… cũng chỉ là những giải pháp tạm thời giúp doanh nghiệp cầm cự qua mùa dịch. Hay nói cách khác đây là khoản phải trả sau khi dịch bệnh được khống chế. Nhưng điều đó không có nghĩa cơ quan thuế, BHXH, ngân hàng sẽ chờ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh hậu dịch bệnh, có khả năng trả nợ, rồi mới thu lại khoản này. Do đó, các doanh nghiệp cần tính toán sao cho vừa có nguồn lực duy trì hoạt động trong mùa dịch, vừa có nguồn lực để thanh toán những khoản được hoãn, giãn nói trên và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu không, đây sẽ là gánh nặng đối với doanh nghiệp hậu dịch bệnh, khiến doanh nghiệp không còn nguồn lực tái đầu tư, thậm chí có thể vướng vào những vấn đề pháp lý.

“Các cơ quan thuế, BHXH, ngân hàng cũng cần tính toán làm sao để xác định mốc thời gian hoãn, giãn các khoản thuế, BHXH, nợ gốc và lãi đủ dài để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi, nếu không sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó, không thể phục hồi được sản xuất kinh doanh hậu dịch bệnh, khiến nội lực nền kinh tế đã yếu lại còn yếu hơn, tạo điều kiện cho hàng ngoại tràn vào thị trường…”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh và khuyến nghị các ngân hàng cũng cần tính toán tung ra các gói tín dụng hậu dịch bệnh để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [COVID-19] Tránh “bẫy phục hồi” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1716062633 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1716062633 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10