Bao giờ mới có thị trường mua bán nợ?

Hà Phương 22/07/2018 14:00

Sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ được cho là nút thắt chính trong việc thúc đẩy xử lý nợ xấu hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đang “nợ” khung pháp lý cho thị trường này.

Tính đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm khoảng 2,18% tổng dư nợ.

 VAMC mua và thu hồi nợ xấu giai đoạn 2013- 2017.

VAMC mua và thu hồi nợ xấu giai đoạn 2013- 2017.

Khó phát mại tài sản đảm bảo

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa có thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) của CTCP Hữu Liên Á Châu để thu hồi khoản nợ lên tới hơn 358 tỷ đồng. TSĐB được thu giữ là quyền sử dụng đất tại 3 khu đất của Hữu Liên Á Châu. Lý do thu giữ TSĐB do Hữu Liên Á Châu đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho NCB theo đúng thoả thuận từ những năm 2011, 2012.

Bên cạnh nợ tại NCB, Hữu Liên Á Châu còn có các khoản nợ tại Sacombank, BIDV, First Commercial Bank, Malayan Banking BerHad… Trong đó, khoản nợ tại Sacombank cũng đã quá hạn.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành có những quy định về thứ tự phân chia tài sản trả nợ cho các bên liên quan. Dù các tài sản thế chấp của Hữu Liên Á Châu có được mang đi thế chấp nhiều lần khi vay nợ các tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhau hay không, thì việc NCB thu giữ TSĐB của Cty này cũng không hề đơn giản khi chưa nhận được sự đồng thuận từ Hữu Liên Á Châu, cũng như tranh chấp pháp lý trong thứ tự quyền thu giữ TSĐB.

Từ năm 2013- 2017, VAMC thu hồi được 81.280 tỷ đồng và bán 14.290 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng (307.932 tỷ đồng).

Hay như tại Sacombank, sau nhiều lần bán đấu giá công khai 3 lô đất là TSĐB liên quan đến nhóm ông Trầm Bê tại Long An không thành công, ngân hàng này đã chuyển sang phương án bán trả góp khối tài sản này. Hiện Sacombank mới thu về 920 tỷ đồng, tương đương 10% giá bán 3 lô đất trên. Số còn lại được trả chậm trong vòng 7 năm với ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh

    Cần có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh

    06:10, 30/12/2017

  • Thị trường mua bán nợ vướng giấy phép con?

    Thị trường mua bán nợ vướng giấy phép con?

    10:35, 16/07/2016

  • Sẽ có thị trường mua bán nợ công khai

    Sẽ có thị trường mua bán nợ công khai

    20:52, 10/10/2015

Thiếu khung pháp lý mua bán nợ

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, các ngân hàng đang chịu sức ép phải xử lý TSĐB để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý TSĐB gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo của một TCTD, việc xử lý TSĐB mất rất nhiều thời gian, đặc biệt khi các vụ án có nhiều tính tiết phát sinh mới hoặc một trong các bên tuyên bố phá sản… “Điều kiện TSĐB được xử lý phải là tài sản không có tranh chấp, nhưng cho đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể”, vị lãnh đạo này nói.

Để triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Theo đó, VAMC được phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn giá trị sổ sách.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, về nguyên tắc người cho vay có quyền xử lý TSĐB khi người đi vay không trả được nợ, nhưng việc bán nợ xấu dưới giá thị trường vẫn gặp sự phản ứng của người đi vay. Điều này buộc các bên liên quan phải đem nhau ra tòa, nhưng thời gian xử lý tại tòa là bất định. Mặc dù Nghị quyết 42 đã có quy định rút gọn xử lý nợ xấu, nhưng thực tế vẫn khó xử lý.

Giới chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cần thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù Nghị quyết 42 đã quy định về thị trường mua bán nợ, nhưng đang thiếu khung pháp lý về thị trường này. Vấn đề đặt ra là các khoản nợ xấu có thể bán được qua thị trường mua bán nợ, nhưng TSĐB có đi theo nợ về với chủ mới hay không. “Không giải quyết được điều này, thì sẽ không thể hình thành được thị trường mua bán nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Được biết, Vụ Tài chính- Ngân hàng (Bộ Tài chính) được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Dự thảo Nghị định này. Như vậy đến nay, câu hỏi “bao giờ có thị trường mua bán nợ” vẫn chưa có câu trả lời.


.n

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bao giờ mới có thị trường mua bán nợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO