Cán bộ hách dịch với dân: Đất nước đâu thiếu người tài

Diendandoanhnghiep.vn Khi quan chức xưng hô “mày – tao” với dân, liệu rằng họ có nhận được cái nhìn thiện cảm và lòng tin về những con người làm trong bộ máy nhà nước.

 Bà Đàm Thị Hệ trong buổi làm việc với người dân. Ảnh cắt từ clip

Chiều 5/4 vừa qua, một lãnh đạo UBND thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho biết, hiện tại Phòng Nội vụ đã hoàn thành việc kiểm tra, xác minh đoạn clip ghi lại cảnh Tiến sĩ Đàm Thị Hệ - Trưởng phòng TN&MT thị xã xưng hô “mày-tao” với người dân khi thực thi công vụ.

Theo đó, đoạn clip dài hơn 40 phút trên mạng xã hội đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, có ý kiến cho rằng vị cán bộ này thiếu chuẩn mực khi làm việc với dân, việc xưng hô như vậy không xứng đáng là một người lãnh đạo, không phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và văn hóa ứng xử trong khi thi hành nhiêm vụ công vụ.

Nói về việc dư luận đang rất bức xúc bởi thái độ hách dịch, đe nẹt nhân viên, xúc phạm người dân của Tiến sĩ Đàm Thị Hệ, lãnh đạo UBND thị xã Gia Nghĩa nhấn mạnh: “Dư luận bức xúc là đúng. Với tư cách là Trưởng phòng Tài nguyên mà nói như vậy thì ai chẳng bức xúc. Ngay cả bản thân tôi cũng rất bức xúc, không phải chỉ riêng dư luận và báo chí”.

Có thể nói, nếu so sánh hình ảnh cán bộ xưa và nay thì thấy có sự khác nhau. Nếu như ngày trước chúng ta thường nghe nói mối quan hệ giữa cán bộ với dân gần gũi “như cá với nước”. Điều này không phải là cách nói ví von cho vui mà có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngoài việc thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa người cán bộ cách mạng với nhân dân, nó còn thể hiện rõ tính biện chứng về mối quan hệ không thể tách rời như một lẽ tự nhiên.

Cái thứ tình cảm “cá với nước” ấy thể hiện rõ qua những hình ảnh các gia đình đón cán bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau về ở cùng trong những chuyến họ đi công tác. Đó là những cán bộ được phân công “ba cùng” với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Hình ảnh những cán bộ đó đọng lại trong ký ức của mỗi người dân là những người rất giản dị và hòa đồng.

Vậy mà, bây giờ đang có sự mai một rõ ràng. Chí ít trong trường hợp này, không bàn luận đến nội dung, tính chất của sự việc có liên quan đến lời lễ mất khiếm nhã của vị cán bộ kia nhưng khi làm việc với dân một nguyên tắc bất di bất dịch đó là phải tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân và thực hiện nhiệm vụ theo pháp luật, không nên đôi co, lời qua tiếng lại không cần thiết trong khi thực hiện công vụ. Nếu người dân sai thì cứ chiếu theo pháp luật mà làm, hà cớ gì phải dùng những lời lẽ phản cảm?

Nói cách khác, chưa cần nói đến năng lực, trình độ giải quyết công việc của bà Hệ, mà chỉ nói đến thái độ của bà Hệ, cũng như nhiều quan chức hiện nay khi đối thoại, giao tiếp với dân đã thấy có vấn đề. Lâu nay, nhiều người vẫn bảo Việt Nam chậm phát triển vì dân trí thấp. Nhưng chưa biết thấp kém như thế nào, mà nếu là cán bộ tức là người có giáo dục, thông minh hơn người khác, mà hơn người thì phải thể hiện qua cử chỉ, lời ăn tiếng nói và việc làm một cách chuẩn mực với tư cách người cán bộ, công chức của nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là công bộc của dân, chính quyền là để phục vụ nhân dân”.

Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, âu cũng là hướng tới mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Muốn dân nghe, dân tin thì cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gần dân, lắng nghe dân, tôn trọng dân. Đằng này, hành động cư xử của dân với cán bộ lại khiến dư luận bất bình đến như vậy. 

Khi quan chức xưng hô “mày – tao” với dân, thì liệu rằng họ có nhận được cái nhìn thiện cảm và lòng tin về những con người làm trong bộ máy nhà nước. Liệu rằng họ có xứng đáng là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân? Hay họ sẽ là những quan ông, quan bà hách dịch, tự cao?

Đất nước không thiếu người tài, người coi trọng quyền lợi của nhân dân. Trong lúc Đảng, Nhà nước đang tinh giảm bộ máy, làm trong sạch, lành mạnh bộ máy hành chính và hệ thống chính trị, thì những người như bà Hệ, có cần phải xem xét vào diện “tầm ngắm” không? 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cán bộ hách dịch với dân: Đất nước đâu thiếu người tài tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714766753 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714766753 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10