Doanh nghiệp mong hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?

Diendandoanhnghiep.vn Nhiều doanh nghiệp cùng kiến nghị giá xăng dầu tăng cao gây ra sự không đồng bộ với các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ ban hành, làm đứt gãy nỗ lực khôi phục chuỗi sản xuất.

>> "Bão" giá xăng dầu và nguyên liệu, doanh nghiệp càng "khát" vốn

Không giảm thuế VAT, thuế TTĐB với xăng dầu

Trước cơn bão giá xăng dầu, đánh mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng và ảnh hưởng sâu sắc đến các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất có liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (10%) đối với các mặt hàng xăng.

Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt mục tiêu trọng tâm vào khôi phục kinh tế và hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19, thì giá xăng trong nước tăng cao là không phù hợp

Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt mục tiêu trọng tâm vào khôi phục kinh tế và hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19, thì giá xăng trong nước tăng cao là không phù hợp

Trong khi đó, mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, buộc bên mua chịu thuế suất cao không khỏi khiến nhiều người ca thán.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang đặt mục tiêu trọng tâm vào khôi phục kinh tế và hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19, thì giá xăng trong nước tăng cao là không phù hợp. Một số loại thuế đánh vào mặt hàng này cũng không hợp lý, ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt là nên bỏ...

“Ngoài loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ có thể cân nhắc hạ thuế VAT hay thuế nhập khẩu. Đặc biệt với thuế nhập khẩu, khi giá xăng dầu nhập khẩu càng cao thì số tiền tuyệt đối số thu thuế trên mỗi lít xăng dầu càng lớn. Trước đây, nhập khẩu giá xăng gốc khoảng 10.000 đồng/lít xăng, thì thu các loại thuế chỉ khoảng 3.000 -4.000 đồng, nhưng đến nay, giá xăng nhập khẩu đã lên tới hơn 20.000 đồng, mà vẫn áp dụng thuế suất như cũ, thì nó sẽ tiếp tục bị cấp số nhân lên. Do vậy, muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trước tiên phải hạ các thuế suất nhập khẩu, thuế VAT và nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính lại cho rằng, tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời lý giải việc không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế TTĐB đối với xăng.

Cụ thể, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia...) ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf).

“Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hầu hết nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, ví dụ Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Hà Lan (0,81314 EUR/lít); Italy (0,7284 EUR/lít); Anh (0,5795 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%); Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít); Campuchia (thuế suất 25%); Singapore (0,41 Đô la Singapore/lít); Lào (thuế suất 39%)…

Nếu so sánh, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định. Vì vậy, trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện điều chỉnh giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu”, Bộ Tài chính thông tin.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ họp nội bộ để đánh giá, phân tích ưu, nhược điểm, tác động và đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách về xăng dầu.

>> “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Cần chấp nhận hụt thu ngân sách trong ngắn hạn

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Có thể thấy, giá xăng dầu đã tăng hơn 60% so với trước đại dịch, từ đầu năm đến nay đã tăng 7 lần với biên độ mạnh, 1 lít xăng đã có giá bán lẻ gần chạm mốc 33.000 đồng. Việc tăng giá xăng dầu trực tiếp và gián tiếp làm tăng giá cước vận chuyển và làm tăng giá các loại hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng tăng kỷ lục

Các doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng tăng kỷ lục

TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên kinh tế ĐH RMIT tính toán, giá xăng ở Việt Nam đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu. Chắc chắn khi giá xăng tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn.

"Theo tôi, lạm phát trong những tháng đầu năm 2022 chủ yếu đến từ tác động trực tiếp của giá xăng dầu, với tác động gián tiếp ở những nhóm hàng có tỷ trọng chi tiêu lớn như nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng chưa được thể hiện rõ. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các doanh nghiệp bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu. Ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát có độ trễ, nhưng tác động này sẽ không hề nhỏ nếu giá cả của những nhóm hàng có tỷ trọng lớn tăng mạnh”, TS. Bùi Duy Tùng phân tích.

Chia sẻ với báo chí, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, khá nhiều doanh nghiệp sản xuất không có lãi, thậm chí bị lỗ, một số ngư dân không dám ra khơi đánh cá, còn các gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng gặp khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu không những gây khó khăn trước mắt mà còn để lại hậu quả ở những năm tiếp theo. “Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần lắng nghe thấu đáo tình hình giá cả thị trường hiện nay để có những quyết định sớm về hạ giá xăng dầu, làm dịu đi nỗi lo của toàn xã hội về tác động của mặt hàng chiến lược số một trong sản xuất và đời sống ở thị trường Việt Nam”.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trung Kiên tại Đống Đa, Hà Nội, chuyên chạy xe tuyến Hà Nội – Nội Bài và xe hợp đồng đi các tỉnh cho hay, thời gian trước, giá cước chạy xe tuyến sân bay chỉ dao động từ 180.000 – 200.000 đồng chiều đi và 230.000 – 250.000 đồng chiều về, nhưng với tình hình giá cả này, cước phí đều phải tăng thêm ít nhất 50.000 đồng nữa. “Chúng tôi không muốn tăng giá vì ảnh hưởng đến các khách hàng quen, cạnh tranh trên thị trường cũng lớn, nhưng không tăng giá thì không có công, thậm chí không đủ bù chi phí. Vì thế chúng tôi đều xin khách hàng thông cảm, đến khi giá xăng hạ nhiệt thì giá cước cũng sẽ được điều chỉnh. Còn với các hợp đồng đi tỉnh hiện nay đều phải tính toán từng km, từng đồng để đôi bên cùng có lợi”, anh Kiên bày tỏ.

Hay theo đại diện công ty TNHH Sao Việt, chủ hãng xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho biết, giá xăng dầu tại Việt Nam biến động theo thế giới và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nếu giá xăng tăng mà đề xuất tăng giá vé sẽ khiến lượng khách sụt giảm, doanh nghiệp khó lại chồng thêm khó. Doanh nghiệp hiện đã giảm số lượng xe chạy chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe mới không bị lỗ.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị Liên bộ Công thương – Tài chính sớm vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022. Các chính sách phải mạnh mẽ, sát sườn với hoạt động vận tải, doanh nghiệp mới có thể hồi phục. Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả các chính sách. Chính phủ ban hành các chính sách để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp mong hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714121493 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714121493 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10