“Lá chắn liêm chính”

Diendandoanhnghiep.vn 11 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP.Hà Nội và TP.HCM vừa cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính đã khẳng định quyết tâm đề cao giá trị trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng, liêm chính là cái neo của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. DNNVV được xem là động lực phát triển của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng, chiếm tới khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp này lại rất dễ bị tổn thương bởi tham nhũng.

Liên kết để minh bạch

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mỗi năm mức chi cho tham nhũng tương đương với 5% GDP toàn cầu, khoảng 2,6 nghìn tỉ USD. Tham nhũng làm tăng chi phí doanh nghiệp và tạo ra sự bất ổn cho các công ty. Tham nhũng dẫn đến việc sử dụng ngân sách công kém hiệu quả. Do vậy, việc chống tham nhũng đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên bao gồm Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và toàn xã hội.

Chỉ số Cảm nhận tham nhũng năm 2018 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 117/180 (đạt 33/100 điểm), giảm 2 điểm so với năm 2017 và bằng điểm với năm 2016. Trong khi đó, một khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như đang được nhiều doanh nghiệp xem là một thông lệ kinh doanh phổ biến ở Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp cũng thường sử dụng biện pháp không chính thức, làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen trong các giao dịch kinh doanh với đối tác, chiếm tới 25 - 30% doanh nghiệp được khảo sát. Lý giải điều này, các doanh nghiệp đều cho rằng, do một số quy định của pháp luật còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, thay đổi thường xuyên cho nên đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc tuân thủ. Trong khi doanh nghiệp lại thiếu nhân lực chuyên trách để cập nhật, theo dõi sự thay đổi đó, dẫn đến việc chi trả chi phí không chính thức sẽ giúp công việc suôn sẻ hơn.

Trong bối cảnh đó, VCCI đã vận động các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng chung tay chống lại nạn tham nhũng trong doanh nghiệp. Chỉ sau một cuộc vận động nhỏ, rất nhanh chóng cả 11 Hiệp hội doanh nghiệp gồm: 6 hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội gồm Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội, Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam. 5 hiệp hội doanh nghiệp TP HCM gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su nhựa, Hiệp hội Lương thực, thực phẩm, Hiệp hội May Thêu đan, Hiệp hội Nhựa.

Điều này cho thấy, câu chuyện liêm chính trong doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ nhằm làm cho môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, hướng tới phát triển bền vững.

Không ngạc nhiên về sự ủng hộ mạnh mẽ này, ông Florian Beranek, Chuyên gia cấp cao về Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp khẳng định, hiệp hội doanh nghiệp là những tổ chức tiên phong, thu hút các đơn vị thành viên tham gia phòng chống tham nhũng. Các hiệp hội có vai trò thiết lập, thúc đẩy và duy trì các tiêu chuẩn có liên quan; Thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan nhằm nhân rộng các mô hình kinh doanh liêm chính, có trách nhiệm.

Kinh nghiệm thế giới

Trên thế giới, việc các doanh nghiệp liên kết để cùng thực hiện liêm chính không còn xa lạ, đơn cử như ở Thái Lan, ngay từ năm 2011, Phòng Thương mại Thái Lan và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã thành lập Mạng lưới chống tham nhũng (2011) và trở thành Tổ chức chống tham nhũng Thái Lan (ACT) một năm sau đó (chủ yếu là nghiên cứu, trao giải, giáo dục, tư vấn chính sách, nhưng ngày càng trở thành cơ quan giám sát). Tiếp đó, các doanh nghiệp đã liên kết thành lập Liên minh hành động tập thể của khu vực tư nhân cùng liên kết chống tham nhũng (CAC).

Hay tại Malaysia, từ năm 2009, một chuỗi hành động và sáng kiến của dự án chủ yếu được thúc đẩy bởi Câu lạc bộ doanh nhân Makati ở Philippines cam kết liêm chính, nâng cao nhận thức, đào tạo, cơ chế tự đánh giá.

Ở Việt Nam dù mới thành lập nhưng các hiệp hội doanh nghiệp được mong đợi sẽ triển khai mạnh mẽ phong trào thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các doanh nghiệp ngành do mình đại diện, cùng hành động tập thể tạo nên tấm lá chắn vững chắc nhằm giảm thiểu, ngăn chặn các rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh. Bởi hệ quả của sự thiếu minh bạch và thiếu yếu tố thực hành liêm chính trong kinh doanh sẽ khiến nguy cơ các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế bị phá vỡ và dần hình thành những thói quen kinh doanh bất chính, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của chính nền kinh tế.

VCCI cho biết, 11 hiệp hội đã ký cam kết kinh doanh liêm chính này có cơ hội được cấp hỗ trợ tài chính từ Chương trình GBII với trị giá 160 triệu đồng/đề xuất. Nguồn tài trợ được trích từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh và Dự án Vùng thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN của UNDP. Cơ hội này sẽ mở rộng đối với những hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục tham gia.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Lá chắn liêm chính” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714211118 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714211118 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10