Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kỳ II: Một số giải pháp để bứt phá

Diendandoanhnghiep.vn Quá trình phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với nhau và kinh tế Vùng cần được dựa trên đánh giá lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, đặt trong lợi thế cạnh tranh của Vùng.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trước hết phải đổi mới công tác quy hoạch và đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, quản lý sử dụng đất, đầu tư hạ tầng đô thị gắn với đầu tư công để tối đa lợi ích kinh tế của việc tập trung các nguồn lực sản xuất, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông và tạo thuận lợi cho quá trình phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội.

"Hiện nay vẫn còn tình trạng các địa phương của Vùng hình thành cơ cấu sản xuất giống nhau, kéo theo là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút lao động giống nhau, gây lãng phí nguồn lực và giảm tính hiệu quả của quá trình phân công hóa sản xuất. Do vậy, quá trình phát triển và kết nối kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh với nhau và vào kinh tế Vùng cần được dựa trên đánh giá lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, đặt trong lợi thế cạnh tranh của cả Vùng. Tương tự, phát triển bên trong từng địa phương và kết nối kinh tế giữa các địa phương phải dựa vào lợi thế cạnh tranh riêng, từ đó hình thành nên các chuỗi giá trị trong nội bộ và giữa các địa phương", ông Kiên nói.

Cảng biển Hải Phòng

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng Hải Phòng cần trở thành trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và logistic hướng ra biển của miền Bắc

Ông Kiên đưa ra ví dụ, một địa phương thu hút nhà đầu tư thành lập khu công nghiệp thì các địa phương lân cận cung ứng nguồn lao động, nguyên vật liệu, dịch vụ hậu cần, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu..., từ đó hình thành nên vùng sản xuất quy mô lớn, có tính gắn kết. Quảng Ninh sẽ tập trung nhiều hơn vào phát triển công nghiệp năng lượng và du lịch thân thiện với môi trường còn Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và logistic hướng ra biển của cả miền Bắc. 

Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng các đô thị vệ tinh xung quanh cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và các thành phố bên trong từng địa phương. Như vậy, quá trình đô thị hóa đi liền với phát triển kinh tế cần tránh tập trung quá mức vào vùng lõi đô thị, song song với gia tăng kết nối kinh tế, đảm bảo được việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động và công nghệ.

>> Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kỳ I: Thời cơ và thách thức

Theo TS. Kiên, cần xác định các hành lang kinh tế chủ chốt và các chuỗi giá trị kinh tế lớn trong Vùng, kết nối với các Vùng khác và cả kết nối quốc tế để dự báo nhu cầu vận chuyển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trên cơ sở đó, xác định các tuyến giao thông đường bộ hiện tại sẽ được mở rộng, đầu tư mới, hay thay thế bằng phương thức vận tải khác (vận tải đường thủy nội địa, ven biển thông qua tận dụng các cảng biển quy mô nhỏ, và phát triển vận tải đường sắt giảm tải cho vận tải đường bộ).

Cũng theo ông Kiên, trong Vùng, cần xác định rõ kết nối đường sắt và các phương thức vận tải khác với các cảng biển lớn, ví dụ Hải Phòng cần phải đầu tư mở rộng cảng nước sâu Lạch Huyện và phát triển cảng Nam Đồ Sơn để giải quyết tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt là nếu cảng biển này trở thành cảng quốc tế lớn. Hệ thống đường sắt quốc tế đi qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc của các quốc gia ASEAN như Myanmar (Yango - Mandalay - Muse - Ruili - Côn Minh), Thái Lan và Lào (từ Bangkok - Nongkhai - Boten - Ngọc Khê - Côn Minh) đã, đang và sẽ phát triển để tăng cường vận chuyển hành khách và hàng hóa xuyên biên giới theo sáng kiến Vành đai Con đường.

"Nếu không kịp thời triển khai kết nối hệ thống đường sắt trong nước với hệ thống đường sắt của ASEAN và Trung Quốc thì sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội tiếp cận chính các thị trường tại ASEAN, Trung Quốc và thị trường các nước châu Á, châu Âu vào các nước bạn. Như vậy, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để kết nối xuyên suốt đường sắt khổ 1435 mm từ ga Lào Cai, ga Hà Khẩu Bắc tới cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện. Đây là tuyến đường sắt giúp kết nối đường sắt nội địa với đường sắt Trung Quốc đi các nước Châu Âu, giúp đa dạng hóa các tuyến vận chuyển hàng hóa bên cạnh đường hàng không và đường biển, giảm chi phí và thời gian vận chuyển, giảm sự phụ thuộc vào vận tải hàng hóa qua đường biển, giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu" ông Kiên nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, để phát triển vùng động lực phía Bắc trước tiên, cần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Cần coi khoa học công nghệ là động lực, là một trong những bước đột phá để có định hướng chi nhiều hơn, hiệu quả hơn, thay đổi cách huy động, cung cấp nguồn lực cho việc phát triển khoa học công nghệ.

Các chuyên gia góp ý giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tại diễn đàn

Các chuyên gia góp ý giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tại diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 

Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội để chuyển đổi năng lượng hiệu quả bởi phát triển “xanh” đang là xu thế của thế giới. Khi phát triển “xanh” hiệu quả mới thu hút được dòng vốn FDI hiệu quả. Đáp ứng được xu thế thì mới thu hút dòng vốn tốt, tận dụng được cơ hội.

Thu hút nhân tài cũng là một nội dung cần đổi mới sáng tạo, phải coi đó là giải pháp đột phá. Vùng động lực phía Bắc là nơi có nhân lực chất lượng cao, cần tiếp tục đổi mới về thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực bứt phá trong thời gian tới.

Tại diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, cần chú trọng hiệu quả trong thu hút vốn. Cụ thể nên điều chỉnh từ việc thu hút FDI thiên về số lượng sang chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư gắn với các định hướng về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích thu hút các dự án đầu tư để hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi giá trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công nghệ, chuyển giao công nghệ, quy định về trình độ công nghệ dự án FDI.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) góp ý, Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu nhiều tiêu chí nhưng cũng phải đi kèm với cải cách một cách thực tế. Cải cách hành chính đồng thời phải cải cách giáo dục. Xây dựng hệ sinh thái số không phải chỉ đưa vào xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo mà còn phải cải cách giáo dục phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư về tài chính, chứng khoán, các quỹ tài chính…Ông Hong Sun cũng thể hiện sự mong muốn Việt Nam có khung pháp lý tài chính hoàn thiện, đồng bộ để phát triển hệ sinh thái tài chính, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư được tốt hơn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kỳ II: Một số giải pháp để bứt phá tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714421576 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714421576 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10