Vaccine Covid-19 sẽ là “thần dược” cho nền kinh tế?

THEO VOV.VN 13/08/2020 09:56

Vaccine Covid-19 được kỳ vọng là “thần dược” cứu sống lại nền kinh tế nhưng không ít người còn nghi ngờ tính khả thi của loại vaccine này.

Cả thế giới vui mừng và hy vọng khi Nga - quốc gia đầu tiên trên thế giới - công bố vaccine Covid-19 ngày 11/8. Ngay lập tức, nước này nhận được đơn đặt hàng “khủng” lên tới 1 tỷ liều vaccine từ hơn 20 quốc gia. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là “thần dược” cứu sống lại nền kinh tế trong khi không ít người còn nghi ngờ tính khả thi của loại vaccine này.

Vaccine Covid-19 giúp mở cửa lại nền kinh tế mà không lo y tế quá tải…

Chia sẻ quan điểm cá nhân trên trang web Trường Đại học Creighton, Giáo sư Ernie Goss, cựu Giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ và hiện là giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Kinh doanh Heider của Đại học Creighton, cho rằng vaccine sẽ có tác động rất lớn đến khả năng hồi phục kinh tế.

Vaccine Covid-19 được kỳ vọng là “thần dược” cứu sống lại nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT)

Vaccine Covid-19 được kỳ vọng là “thần dược” cứu sống lại nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT)

“Nếu không có giải pháp y tế như vaccine, nền kinh tế sẽ suy yếu đến mức phải mất rất lâu mới có thể hồi phục. Nếu không có vaccine, các nhà điều hành chính sách rất bi quan, và tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội, bao nhiêu nhà hàng, khách sạn sẽ phải đóng cửa? Tất cả, hay ít nhất là 80% trong số đó?”, Goss đặt câu hỏi.

Song, Goss cũng nhắc nhở mọi người đừng nản lòng. Ông dẫn chứng, cuộc suy thoái kinh hoàng năm 2008 cuối cùng đã được khắc phục và cuộc suy thoái này cũng sẽ được khắc phục. Nhưng việc hồi phục hiện nay sẽ không phụ thuộc vào các nhà kinh tế.

“Mọi thứ dường như vô vọng trong cuộc Đại suy thoái năm 2008, nhưng chúng ta đã phục hồi trở lại. Sự khác biệt lần suy thoái này là vấn đề y tế. Vì vậy, tương lai nằm trong tay các nhà khoa học và bác sĩ - những người làm y tế - nhiều hơn là các nhà kinh tế”, Giáo sư Goss khẳng định.

Theo Tạp chí kinh doanh của Oxford, khi thế giới đối mặt với làn sóng bùng phát thứ hai của dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang đặt hy vọng vào một loại vaccine cho phép họ tự tin mở cửa lại nền kinh tế mà không sợ dịch vụ y tế bị quá tải.

Với hơn 20 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu và trên 735.000 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 (tính đến ngày 12/8), thì rõ ràng các xã hội và nền kinh tế cần phải có vaccine để trở lại cảm giác bình thường.

Vaccine không phải là tấm khiên cản virus xâm nhập cơ thể (Ảnh: RDIF)

Vaccine không phải là tấm khiên cản virus xâm nhập cơ thể (Ảnh: RDIF)

…nhưng vaccine không “chữa” được tất cả…

Theo Tiến sĩ William Haseltine, Chủ tịch tổ chức học giả ACCESS Health International, vaccine Covid-19 ra đời mang lại hy vọng lớn cho toàn thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc vượt qua rào cản kỹ thuật để tạo ra một loại vaccine hiệu quả và an toàn cho phần đông dân số không phải chuyện dễ dàng.

“Vaccine không phải là tấm khiên cản virus xâm nhập cơ thể. Nó chỉ “huấn luyện” cho cơ thể nhanh chóng kích hoạt miễn dịch trước một tác nhân lạ từ bên ngoài và phản ứng nhanh giúp tống tháo virus khỏi cơ thể trước khi nó kịp gây hại”, Tiến sĩ Haseltine lý giải.

Nhưng trong trường hợp Covid-19, các nghiên cứu phát hiện rằng không phải ai nhiễm virus cũng đều sản sinh ra loại kháng thể vô hiệu hoá cần thiết, và càng ít người có được kháng thể này ở mức cao.

“Chúng tôi biết một số loại vaccine đang thử nghiệm lâm sàng trên người đã gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Điều này có lẽ do một số thành phần (tá dược) quá mạnh được bổ sung vào vaccine nhằm kích hoạt hệ miễn dịch”, Tiến sĩ Haseltine cho hay.

“Tá dược giúp vaccine hiệu quả hơn, nhưng nếu nó khiến bệnh nhân trẻ, khoẻ tham gia thử nghiệm phải nhập viện vì sốt, ngất xỉu... thì thử tưởng tượng những người đau yếu hơn, có bệnh nền sẽ ra sao? Chưa kể người lớn tuổi có thể phải tiêm nhiều lần”, Tiến sĩ Haseltine đặt câu hỏi.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là rào cản lớn trong việc phục hồi nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là rào cản lớn trong việc phục hồi nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)

Còn theo ông Raghuram Rajan, Giáo sư tài chính đại học Chicago Booth School of Business, đồng thời là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, thiệt hại kinh tế vẫn sẽ kéo dài ngay cả khi vaccine được chấp thuận sớm và các quốc gia triển khai tiêm chủng.

“Số lượng người cần được tiêm vaccine là rất lớn. Dự tính, thời gian sớm nhất để có thể triển khai tiêm chủng là vào quý 4/2020. Như vậy phải đợi đến giữa năm sau mọi người mới có thể an toàn ở nơi công cộng. Nền kinh tế sẽ khó có thể khôi phục hoàn toàn chừng nào nhà hàng, du lịch và các ngành tương tác trực tiếp chưa mở cửa trở lại”, ông Rajan nhận định.

Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới - thứ được đẩy nhanh bởi Covid-19 nhưng lại không thể giải quyết bằng vaccine - cũng là một rào cản lớn trong việc phục hồi nền kinh tế.

“Nếu bảo hộ thương mại diễn ra mạnh mẽ thì dù vaccine có tác dụng tốt, nền kinh tế sẽ phục hồi chậm hơn nhiều”, ông Rajan nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống suy thoái nền kinh tế: Khu trú và hỗ trợ những khu vực bị tổn thương

    Chống suy thoái nền kinh tế: Khu trú và hỗ trợ những khu vực bị tổn thương

    06:00, 13/08/2020

  • “Kinh tế không tiếp xúc” có phải là giải pháp cho thế giới hậu đại dịch COVID-19?

    “Kinh tế không tiếp xúc” có phải là giải pháp cho thế giới hậu đại dịch COVID-19?

    14:43, 12/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?

    04:50, 12/08/2020

  • World Bank: Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn

    World Bank: Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn

    04:00, 12/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vaccine Covid-19 sẽ là “thần dược” cho nền kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO