“Bịt” lỗ hổng quản lý giá nhìn từ các vụ án

Diendandoanhnghiep.vn Cơ chế quản lý giá bộc lộ nhiều lỗ hổng dẫn đến hàng loạt sai phạm trong thời gian qua, đáng chú ý, sai phạm không chỉ ở lĩnh vực y tế, mà lĩnh vực giáo dục, đất đai cũng xảy ra do bất cập…

hihi

Các bị can trong vụ án xảy ra tại CDC Hà NộI

Nhìn lại các vụ án

Theo đó, trong vụ án CDC Hà Nội, kết luận của Cơ quan điều tra cho biết, việc “thổi giá” máy xét nghiệm Realtime PCR tự động tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ CDC Hà Nội và “nhiều doanh nghiệp”, trong đó đặc biệt là vai trò của Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. Công ty Nhân Thành đã cung cấp cho CDC Hà Nội chứng thư thẩm định khống đối với máy xét nghiệm Realtime PCR tự động của Hãng Qiagen - Đức, có giá trị 9,54 tỷ đồng.

Sự liều lĩnh bất chấp pháp luật của Công ty Nhân Thành xuất phát từ khoảng trống Luật Giá 2012 (quy định tại Điều 29 và Điều 42): Doanh nghiệp thẩm định giá có quyền được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.
        
Không chỉ trong lĩnh vực y tế, liên tiếp trong 3 tháng gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các vi phạm tại những địa phương này đều liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non và tiểu học. Đặc biệt, điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá.

Đặc biệt trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố (9/2021), bị can Nguyễn Văn Kiên – GĐ Sở GD&ĐT Điện Biên “khoán trắng” toàn bộ thủ tục từ xây dựng giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… đối với 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên lo từ A đến Z, kể cả việc ký kết hợp đồng thẩm định giá với Công ty BTCVALUE cũng được ký hợp thức, không có quyết định chỉ định thầu… Từ giá trị thực chỉ có hơn 8 tỷ đồng/2 gói thầu, các bị can đã thông đồng “thổi giá” lên gần 20 tỷ đồng…

Trong vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” , nếu không có quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013: “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”, thì các bị cáo sẽ không liều lĩnh giao khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM cho Sabeco Pearl (được hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền 1 lần); hay khu đất “vàng” rộng gần 5.000 m2, nằm tại số 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM) giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. 

Cũng như vậy, trong đại án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco). Để làm “bốc hơi” khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng về tay tư nhân với số tiền thu về chỉ có 195 tỷ đồng, Sabeco đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield - một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất. Chỉ đến khi vụ việc bị thanh tra, thì mới phát lộ số tài sản của Nhà nước mà Sabeco bỏ ra để theo đuổi dự án tới 92 tỷ đồng tiền mặt và khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng.

>>Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

hihii

Khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng

Để bịt được lỗ hổng trong quản lý giá và đấu thầu

Theo Bộ trưởng BộTài chính Hồ Đức Phớc, Bộ đã tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị Chính phủ bịt chặt những lỗ hổng này. Cụ thể, Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế đã ra đời, quy định trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết. Khi đã kê khai giá, nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, thậm chí bị xử lý hình sự. Trong kê khai giá, phải có yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu thì nêu rõ giá nhập. Thiết bị sản xuất trong nước cũng phải được công khai các chi phí hợp lý. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng kỳ vọng Nghị định 98 sẽ bịt được lỗ hổng về quản lý giá trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, điều này cũng chỉ mới dừng lại ở lĩnh vực y tế và theo các chuyên gia pháp lý, đây mới chỉ là điều kiện cần. Vấn đề đặt ra là phải “bịt” được những lỗ hổng từ Luật Giá, Luật Đấu thầu và kể cả Luật Đất đai…

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, kẽ hở của Điều 22 Luật Giá 2012 không nằm tất cả ở thẩm quyền thẩm định phương án giá mà là sự thiếu vắng vai trò của cơ quan trung gian làm trọng tài, giám sát. Có nghĩa việc quy định giao quyền cho các Bộ và UBND cấp tỉnh được quyền thẩm định phương án giá là cần thiết vì như vậy sẽ đảm bảo sự linh hoạt và kịp thời , nhưng quan trọng là bên cạnh đó, luật cần có quy định một cơ quan độc lập khác để thẩm tra và phản biện (chứ không phải làm nhiệm vụ “gác cửa” kiểu như Sở TN&MT, Hội đồng thẩm định giá đất) về giá trước khi các Bộ và UBND cấp tỉnh quyết định. Cơ quan độc lập đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phản biện, giám sát nếu yếu tố hình thành giá phát hiện có vấn đề (?)

Theo luật sư Hiệp, trong hoạt động đấu thầu, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng, thế nhưng pháp luật (Điều 37 Luật Giá 2012) đã trao quyền cho thẩm định viên quá lớn. Trong khi đó, không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên. Vậy nên Luật Giá cần phải điều chỉnh vai trò của thẩm định viên theo hướng: Quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, có độc lập, có khách quan hay không. Câu trả lời chỉ có thể tăng cường vai trò hậu kiểm của kiểm toán độc lập. 

Tuy nhiên sửa đổi Luật Giá sẽ không kì vọng mang lại tác dụng tích cực trong công tác quản lý giá nếu như những kẽ hở trong Luật Đấu thầu và Luật Đất đai không được đồng thời “hiệu đính”. Chỉ định thầu đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... mỗi một lĩnh vực các đối tượng đã sử dụng những cách khác nhau để trục lợi và thủ đoạn thường xoay quanh các vấn đề như thẩm định giá hay chỉ định thầu.

"Cho dù thế nào thì chỉ định thầu vẫn là hình thức đấu thầu cần thiết không chỉ trong những hoàn cảnh cấp thiết. Vấn đề là Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai sửa đổi phải có chế tài để bắt buộc chủ sở hữu phải tuân thủ đầy đủ quy trình từ xây dựng giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… và sử dụng kết quả thẩm định giá với tinh thần vô tư vì cái chung chứ không vì lợi ích riêng tư hay lợi ích nhóm" - Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Bịt” lỗ hổng quản lý giá nhìn từ các vụ án tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714213337 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714213337 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10