TS Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh, Việt Nam khó có thể tránh được các vụ kiện về phòng vệ thương mại. Có chăng chỉ là hạn chế mà thôi.
Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều mối lo cho xuất khẩu hàng hóa. Để "cuộc chiến" chống gian lận xuất xứ, tránh các vụ khởi kiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, doanh nghiệp được xác định đóng vai trò then chốt, chủ động.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tiếp nhận xử lý 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra trong thời gian tới.
Tính đến nay, đã có 174 vụ việc nước ngoài khởi xướng phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD), 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CVD), 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh (AC) và 34 vụ việc tự vệ (SG).
Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc, Canada và Australia với lần lượt 15 và 11 vụ việc.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương.
- Ông đánh giá như thế nào về số liệu trên của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), điều này sẽ tác động như thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?
Đối với Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2020, có 12 vụ việc phòng vệ thương mại mà nước ngoài tiến hành đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam và tiếp nhận xử lý ba vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra.
Theo số liệu thống kê các vụ việc về phòng vệ thương mại được các Thành viên WTO thông báo cho WTO, tính đến hết tháng 5/2020, có khoảng hơn 200 vụ việc về phòng vệ thương mại được tiến hành mới. Số lượng các vụ việc của Việt Nam chiếm khoảng 6%. Trong khi đó, nửa đầu năm 2019, Việt Nam chỉ phải đối mặt với 3 vụ việc về phòng vệ ở nước ngoài trong tổng số khoảng 130 vụ được tiến hành (chiếm 2.3%). Như vậy, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt trong nửa đầu năm 2020 có sự gia tăng so với nửa đầu năm 2019.
Sự gia tăng của các vụ việc về phòng vệ thương mại, cộng với tác động của Covid-19 sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vì các vụ việc điều tra này có thể sẽ dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của các vụ việc điều tra có thể bị áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời hoặc chính thức. Điều này dẫn đến nguy cơ kim ngạch và khối lượng hàng xuất khẩu sẽ bị giảm.
- Theo ông, vì sao hàng hóa Việt Nam lại là tâm điểm của các vụ kiện về phòng vệ thương mại?
Có thể thấy một trong những lý do chính của việc hàng hóa Việt Nam là đối tượng của nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại trong thời gian qua là việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu của mình, với hàng hóa có giá rẻ nhờ vào những điều kiện thuận lợi ở trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa được một số đối tác quan trọng như Hoa Kỳ và EU công nhận có nền kinh tế thị trường, nên tiếp tục gặp bất lợi trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại do các đối tác này tiến hành.
-Có cách nào để có thể “tránh” các vụ kiện về phòng vệ thương mại không, thưa ông?
Theo các quy tắc của luật chơi mà Việt Nam đã chấp nhận khi tham gia vào nền thương mại thế giới hoặc khu vực, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở phù hợp với quy định của WTO cũng như của các FTA là hợp pháp để đảm bảo các điều kiện cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Ngoài ra, khi môi trường kinh doanh có sự biến động gây ra các tác động bất lợi đối với sản xuất trong nước, các quốc gia cũng sẽ có xu hướng sử dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước nhiều hơn.
Do đó, Việt Nam sẽ khó tránh được các vụ kiện về phòng vệ thương mại do nước ngoài tiến hành. Ngược lại, Việt Nam nên chủ động ứng phó với các vụ việc đó để có được kết quả xử lý có lợi nhất cho mình.
- Hiện tại, nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu. Do đó, hàng Việt vô tình dính phải các vụ kiện. Chúng ta nên ứng xử với thực trạng này như thế nào, thưa ông?
Việt Nam “vô tình” hay “cố tình” dính phải các vụ kiện, thì điều này cũng khó để khẳng định, bởi phần lớn các vụ việc phòng vệ thương mại xuất phát từ hành động của các doanh nghiệp – các chủ thể chính tham gia vào các giao dịch kinh doanh, thương mại quốc tế.
Số lượng doanh nghiệp, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng mua bán, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc, không phải là ít. Nói cách khác, để giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam phải tự cứu chính mình bằng cách thay đổi cách thức kinh doanh như đề cao tính trung thực trong kinh doanh, nâng cao hiểu biết, tầm nhìn, tránh kiểu làm ăn “chụp giật”.
-Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới, việc né tránh các đợt phòng vệ thương mại là điều gần như không thể. Vậy trong bối cảnh hôm nay, các chính sách của Việt Nam cần được thiết kế như thế nào để có thể hạn chế hoặc giảm thiểu được những tác động tiêu cực mà các vụ việc phòng vệ thương mại mang lại?
Có thể thấy, để đối phó hiệu quả với các vụ việc về phòng vệ thương mại mà nước ngoài tiến hành đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có một số vấn đề mà Việt Nam cần tiếp tục thực hiện về mặt chính sách như: i) tiếp tục thực thi tốt hệ thống cảnh bảo sớm; ii) tiếp tục thực thi tốt hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kháng kiện; iii) phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; iv) nâng cao hiểu biết và sự sẵn sàng của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại; v) sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hoặc của FTA để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài tiến hành.
Ngoài ra, việc chuyển đổi mạnh mẽ và đảm bảo các yếu tố của nền kinh tế thị trường cũng sẽ giúp Việt Nam có lợi thế nhất định trong các vụ việc về phòng vệ thương mại. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy các cải cách trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc một số đối tác lớn của Việt Nam công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
- Đó là ở phía cơ quan quản lý nhà nước, còn ở phía doanh nghiệp, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh các vụ việc về phòng vệ thương mại liên tục gia tăng?
Từ góc độ doanh nghiệp, có thể thấy các doanh nghiệp có thể chú trọng một số vấn đề như: i) nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại; ii) thay đổi phương châm thực hiện các hoạt động kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến tính trung thực và sự hợp tác; iii) phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước khi kháng kiện.
-Trân trọng cảm ơn ông!