Chuyện hội nhập và “rào cản” ngôn ngữ

Diendandoanhnghiep.vn Hội nhập là phạm trù rất lớn, song đôi khi có nhiều chi tiết rất nhỏ mà doanh nghiệp rất khó vượt qua...

Có mặt tại cuộc gặp gỡ, một dãy bàn chữ xếp theo hình chữ U, bên này là 12 doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Dãy đối diện là đại diện các cơ quan Cửa khẩu, Hải quan, Sở Công thương của hai tỉnh Xavanakhet và Khammuon của nước bạn Lào.

Họ gặp nhau thông qua một đầu mối là Viện Mekong, trong một hội trường ấm cúng, mang tính chất trao đổi, nói chuyện hơn là một hội nghị. Mục đích chính là để doanh nghiệp phía Việt Nam hiểu rõ hơn các quy định của Lào về nhập khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản…

Còn lại, đại diện các cơ quan phía Lào - sau khi giới thiệu về chức năng nhiệm vụ sẽ giải đáp những thắc mắc về chi phí thông quan, tiêu chuẩn chất lượng, các đầu mối thụ lý hồ sơ cho doanh nghiệp phía Việt Nam.

Tại cuộc gặp hôm đó, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình của phía bạn Lào và thái độ hết sức cầu thị của doanh nghiệp Việt Nam. Họ muốn đổi mới phương cách kinh doanh, họ muốn vươn ra thị trường quốc tế.

Buổi gặp gỡ giữa cơ quan chức năng hai tỉnh Xavanakhet và Khammuon với 12 doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản (Ảnh: Khắc Trà)

Buổi gặp gỡ giữa cơ quan chức năng hai tỉnh Xavanakhet và Khammuon với 12 doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản (Ảnh: Khắc Trà)

Mọi điều kiện đã đầy đủ, nhưng thứ duy nhất “ngăn cản” thông điệp của đôi bên chính là ngôn ngữ. Hai phía nắm bắt nhau qua hai người thông ngôn, vì thế việc lệch pha thông điệp là điều khó tránh khỏi.   

Tôi chứng kiến câu chuyện thế này: Một doanh nghiệp trồng và chế biến nấm Linh Chi khá nổi tiếng ở miền Trung sau khi giới thiệu xong về 15 chế xuất từ nấm, vị Chủ tịch HĐQT cung cấp thêm “sản phẩm của công ty chúng tôi còn có chức năng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Xu thế hiện tại, sản phẩm được giới thiệu như vậy là đương nhiên, doanh nghiệp được quyền PR sản phẩm của mình. Nhưng đáng tiếc, thông qua phiên dịch, các cơ quan Lào hiểu vấn đề sang một hướng khác, họ nhầm doanh nghiệp thực phẩm này là “doanh nghiệp dược phẩm”.

Dĩ nhiên, việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu dược phẩm có quy định hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là cao hơn rất nhiều so với thực phẩm. Nắm vào mấu chốt đó các cơ quan Lào đưa ra một loạt giấy tờ chứng nhận thuộc Cục nọ, Bộ kia…

Nỗ lực tháo gỡ cho doanh nghiệp thực phẩm kết thúc ngang đó mà không có thêm thông tin gì, vị doanh nhân ngồi cạnh tôi vẫn lấn cấn rất nhiều chuyện. Nhưng anh không nói được tiếng Lào, tiếng Anh lại càng không.

Hai bên bắt đầu cảm nhận sự khó khăn từ việc bất đồng ngôn ngữ, chốc lát bị gián đoạn bởi một vấn đề gì đấy. Vì ngôn ngữ mà lắm khi các đại diện phía Lào cũng bất đồng với nhau trong việc đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

Cuối cùng, vị đại diện Viện Mekong (đơn vị chủ trì tổ chức) phải bất đắc dĩ làm nhiệm vụ phiên dịch cho phía doanh nghiệp Việt Nam - chuyển ngữ tiếng Việt sang tiếng Anh rồi, người bên kia dịch ra tiếng Lào và ngược lại.

Chuyển tải thông điệp “tam sao thất bản” có thể cho phép thiếu chính xác trong chừng mực, song các thủ tục hành chính về kinh doanh không cho phép hiểu nhầm dù là chi tiết nhỏ nhất.

Dẫu vậy buổi làm việc vẫn diễn ra một cách nghiêm túc, tôi thấy rõ quyết tâm của đôi bên, giá như tất cả có thể trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ chung thì kết quả cuộc gặp này sẽ cao hơn rất nhiều.

Câu chuyện này thật sự không lớn, nếu như doanh nhân nói được tiếng Anh, và qua lăng kính này còn cho thấy vốn ngoại ngữ trong cuộc chơi kinh tế hội nhập là vô cùng quan trọng.

Nhưng đa phần trong số 12 doanh nghiệp này là khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng” họ đi lên từ những vùng quê nghèo nhất, họ có thừa nhiệt huyết, đam mê nhưng rào cản lớn nhất là tôi thấy được khi tham gia sân chơi lớn, đó là ngoại ngữ.

Tại cuộc gặp này, ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch HĐQT HTX nấm Linh Chi Tuấn Linh tâm sự với tôi rằng: “Mình chỉ có trình độ trung cấp, nhưng đã nghiên cứu qua sách báo và học hỏi thực tế, trồng thành công nấm Linh Chi và chế biến thành 15 sản phẩm từ đó, thậm chí đã chuyển giao công nghệ này cho bà con dân tộc thiểu số”.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch HĐQT HTX nấm Linh Chi Tuấn Linh, Quảng Bình (Ảnh: Khắc Trà)

Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch HĐQT HTX nấm Linh Chi Tuấn Linh, Quảng Bình (Ảnh: Khắc Trà)

Kế hoạch sắp tới, ông vị doanh nhân này chia sẻ, sẽ làm nước mắm chay từ nấm sò, hương vị không khác gì mắm cá tươi. Tôi càng bất ngờ khi anh tiết lộ, đây là công trình nghiên cứu của một Giáo sư ở TPHCM đã được anh mua bản quyền.

Sản phẩm của Tuấn Linh đã phủ sóng cả ba miền, vào tới những siêu thị lớn, nhưng không muốn dừng lại ở đó, doanh nghiệp này muốn tham gia sân chơi lớn hơn, tầm quốc tế.

Nhưng để tham gia sân chơi ngoài lãnh thổ, chỉ mỗi đam mê nhiệt huyết là chưa đủ...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện hội nhập và “rào cản” ngôn ngữ tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714332803 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714332803 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10