"Hiệp ước" ba nhà đào tạo nghề

Diendandoanhnghiep.vn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cần phải nghiên cứu để hình thành một hiệp ước liên minh hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trong đào tạo nghề.

p/Sinh viên nghề điện tử công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề TP HCM trong giờ thực hành

Sinh viên nghề điện tử công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề TP HCM trong giờ thực hành

Tại Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” được tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo rằng: “Nâng cao kỹ năng nghề là vấn đề toàn cầu, nhất là với các quốc gia đang phát triển, trình độ tay nghề thấp như Việt Nam. Kinh nghiệm đúc rút cho thấy khi nhiều điều kiện khác không thay đổi thì tay nghề lao động sẽ góp phần quyết định sự phát triển của đất nước”.

Bài toán lợi ích

Thế nhưng, “hiệp ước” mà Thủ tướng đề cập ở trên có thực hiện được hay không lại là vấn đề nan giải. Bởi theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân thì: "Chỉ khi doanh nghiệp, nhà trường cùng có động lực, cùng có áp lực thì bắt tay với nhau mới hiệu quả được. Không thể có hợp tác trên giấy, hình thức, hợp tác phải gắn với lợi ích, không giải quyết được bài toán lợi ích sẽ không có hợp tác thực chất". Có thể hiểu rằng: còn có những lấn cấn giữa các bộ, ngành về đào tạo nghề và các hình thức hợp tác trong lĩnh vực này đến nay vẫn chưa giải quyết được bài toán lợi ích.

Thật ra, rất nhiều năm trước đây, khi bàn về vấn đề đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng, nguyên tắc “đào tạo theo nhu cầu thị trường” đã được nói đến. Nhưng, có lẽ nguyên tắc ấy được sử dụng như một “khẩu hiệu” nhiều hơn là các giải pháp triển khai trong thực tế.

Trong thực tế rất có thể sự thật khá phũ phàng. Ngân hàng Thế giới khi báo cáo về Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam đã nhận xét tổng quát: “Mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của người lao động Việt Nam rất ấn tượng, nhiều công ty Việt Nam vẫn không tìm được đủ số lượng người lao động có kỹ năng phù hợp”.

 Theo Tổng cục Thống kê: Đến quý III/2019, lực lượng lao động trên 15 tuổi của Việt Nam là 55,7 triệu người. Trong đó, 12,7 triệu người đã qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 22,9%. 

Thậm chí, Ngân hàng Thế giới còn nói thẳng: “Sự thiếu hụt kỹ năng thể hiện đặc biệt rõ ràng ở các ứng viên tìm việc làm trong các vị trí kỹ thuật, chuyên môn và quản lý, còn sự thiếu hụt lao động thường gặp phải trong các công việc đơn giản hơn”.

Hồi tháng 1/2019, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp báo cáo rằng: năm 2018, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6% và mục tiêu phấn đấu năm 2019 là tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%.

Trước đó, đã có những tranh cãi về tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa các cơ quan chức năng. Cuối tháng 9/2018, UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức môt tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia chuẩn bị cho thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và đánh giá nửa nhiệm kỳ.

Lúc ấy, Bộ KH&ĐT báo cáo rằng: tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, kế hoạch giao là từ 58 - 60%, ước thực hiện 58,6%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo số ước thực hiện đúng bằng số được giao là 23 - 23,5%. Tỷ lệ này cũng không khác gì so với tỷ lệ đã được báo cáo đầu năm 2019 như kể trên.

Tính thực chất của đào tạo

Tuy vậy, có ý kiến chuyên gia cho rằng: dường như chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo đã được “bịa” ra để “lòe thiên hạ”. Ý kiến này một khoảng thời gian gây xôn xao dư luận. Đến nỗi, vẫn là Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phải đích thân giải thích về phương pháp tính toán chỉ tiêu này.

Thứ trưởng Diệp nói từ 2014 thì Bộ LĐ-TB&XH đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”. Cục Việc làm của bộ đã dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục này triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Và những dữ liệu ấy dựa trên thông tin hiện có từ 21 triệu hộ gia đình.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không ai bịa ra số liệu này và có ý định lòe thiên hạ cả”.

Kể cả việc phải đối chứng với số liệu về lao động của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Diệp cũng phải đưa ra các số liệu khá chi tiết để khẳng định rằng: số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu lao động của bộ và điều tra lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê là không mâu thuẫn, tương đối đồng nhất.

Những tranh cãi như vậy về tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có thể sẽ vẫn khó có điểm dừng. Bởi rất có thể mỗi một cơ quan nghiên cứu, thống kê về lao động – việc làm đều có cái lý của mình.

Cũng tại Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, con số về tỷ lệ lao động qua đào tạo lại “nhảy múa” khi tỷ lệ này chỉ dừng lại ở 23%. Điều đó có thể đã không còn quan trọng khi dù con số có bao nhiêu đi chăng nữa thì năng suất lao động Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đào tạo nghề để tăng cường chất lượng tay nghề cho lao động Việt Nam đang được kỳ vọng là giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này.

Chính vì vậy, ba việc được Thủ tướng nói tới là “xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp”; “nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục, trường nghề” và “có cơ chế ưu đãi thích hợp với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp”.

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cần phải nghiên cứu để hình thành một "hiệp ước" xã hội liên minh hợp tác giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp trong đào tạo nghề đã nói lên sự cấp thiết trong vấn đề liên kết giữa các bên trong đào tạo nghề. Để “liên minh” như Thủ tướng đề cập có thể triển khai, có lẽ bài toán lợi ích nên là câu chuyện đầu tiên cần công khai, minh bạch và thẳng thắn. 

PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông:

Trên thực tế, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam còn không ít chương trình đào tạo đang lạc hậu so với sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và nhà trường có thể thiết lập bộ phận chuyên trách để kết nối, doanh nghiệp phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học hướng theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp; nhà trường tiếp thu ý kiến hoàn, hoàn thiện chương trình và khuyến nghị lại với doanh nghiệp các vấn đề chuyên môn trong đào tạo.

Việc quản lý mở Ngành đào tạo ở Việt Nam hiện nay còn cứng nhắc, các danh mục mã ngành cố định chậm cập nhật; các quy định cứng về giảng viên đúng ngành/chuyên ngành... phần nào làm chậm viện kịp thời mở các ngành nghề mới, làm các doanh nghiệp tham gia vào việc giảng dạy còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương:

Các Trường cần đưa vào chương trình đào tạo kỹ năng sống và cần trang bị cho học sinh, sinh viên đạo đức nghề nghiệp, pháp luật về lao động để giải quyết tình trạng "nhảy việc" của học sinh, sinh viên mới ra trường. Ngoài ra, các danh nghiệp sẵn sàng bỏ ra chi phí đào tạo để "trồng lúa non", tuy nhiên Nhà nước cần có chính sách và cơ chế để hỗ trợ đối với danh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Trình độ tay nghề của học sinh, sinh viên mới ra trường, trình độ ngoại ngữ và tin học, thời gian tham gia thực tập tại danh nghiệp... tất cả những vấn đề trên đều cần giải quyết. Nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp tăng cường đào tạo kỹ năng sống, pháp luật lao động, thái độ và kỹ năng làm việc, tăng thời gian thực tập, mời danh nghiệp tham gia biên soạn chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo tại danh nghiệp, có cơ chế ràng buộc người học, xây dựng thư viện tài liệu trực tuyến, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế,…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Hiệp ước" ba nhà đào tạo nghề tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714418399 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714418399 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10