Khi giấc mơ làm giàu sập bẫy đa cấp

Diendandoanhnghiep.vn Hứa hẹn mức lãi suất 48% mỗi tháng, cùng một loạt những mỹ từ có cánh. Chỉ đến khi những lời hứa “trôi theo mây bay”, các nhà đầu tư mới tỉnh giấc và lúc đó đã... sập bẫy lừa.

Dự án Ifan của Công ty Cổ phần Modern Tech (gọi tắt là Công ty Modern Tech) đã thu hút được hàng nghìn khách hàng với số tiền lên đến hơn 15.000 tỷ đồng tham gia. 

Đầu tư siêu lợi nhuận.

Ngày 8/4, hàng chục người đã tập trung tại Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, quận 1 TP.HCM, căng băng rồn, hô hào tố cáo các thành viên Modern Tech “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lừa gạt nhiều người bằng tiền ảo với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo tố cáo của người dân, dự án Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn được sáng lập bởi 7 cá nhân là người Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 dự án trên sau đó đều được quảng cáo tới các nhà đầu tư là những dự án tiềm năng gắn mác nước ngoài. Cụ thể, Ifan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.

Để hợp thức hóa phương thức hoạt động Ifan, Pincoin đã ủy quyền cho Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Sau đó, ông Lê Ngọc Tuân (đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của Ifan) đứng ra kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số Ifan để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước). Ifan huy động vốn bằng việc tổ chức các hội thảo quy mô lớn tại TP.Vũng Tàu, TP.HCM và Hà Nội với hàng nghìn người tham gia.

Tiền số đa cấp Ifan hoạt động dựa trên hình thức Lending (cho vay), nhà đầu tư mua rồi cho nhà sản xuất vay lại với lãi suất cao. Cụ thể, dự án Ifan hứa hẹn người đầu tư sẽ thu về trên 48% mỗi tháng bằng một ứng dụng di động tự xưng "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0", giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam. Thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Ngoài ra, Modern Tech còn khuyến khích nhà đầu tư kêu gọi, lôi kéo thêm người vào hệ thống với mức thưởng “hoa hồng” là 8% số tiền người mới tham gia. Nhưng thực chất hình thức Lending trên chỉ là: lấy tiền người sau để trả cho người trước.

Những người bị

Những người bị "sập bẫy" đính CMTND lên đơn tố cáo

Nếu nhìn qua cơ chế “Lending” của Công ty Modern Tech đưa ra với đồng Ifan, đây thực sự là mức lãi suất đầu tư không tưởng đối với các nhà đầu tư và khách hàng. Bởi trên thực thế thị trường, khó có một loại hình kinh tế nào đảm bảo tạo ra một mức lãi suất hấp dẫn như Công ty Modern Tech đã đưa ra. Nhưng các nhà đầu tư không ai lường trước được chữ “ngờ”, Ifan là đồng tiền ảo đa cấp thứ thiệt.

"Vào cuối tháng 9/2017, Ifan tổ chức một buổi ra mắt dự án tại TP.Vũng Tàu, hội thảo hôm đó được tổ chức rất hoành tráng, sa hoa, còn có sự tham gia của nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Tin tưởng rằng đây là một dự án tốt để đầu tư nên tôi đã giấu gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào hệ thống này", chị Ngô Thị Thu Hoài (ngụ TP.HCM) người tham gia đầu tư Ifan với số tiền hơn 2 tỷ đồng, buồn bã cho biết.

Được biết, bên cạnh việc liên tục mở những hội thảo lớn tại TP.HCM và Hà Nội, Ifan cũng chạy bài quảng cáo trên một tờ báo lớn để củng cố lòng tin của người dân về dự án của mình. Với vỏ bọc hào nhoáng này, Ifan len lỏi qua tất cả các ngõ ngách ở thành phố và về được nhiều miền quê tại các tỉnh thành trên cả nước.

Mở nửa năm, bị tố lừa 15.000 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Modern Tech đăng ký mã số thuế ngày 5/10/2017, cùng thời điểm đó, dự án Ifan cũng bắt đầu triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên.

Dự án Ifan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng Token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD. Sau đó, nhà đầu tư phải trải qua quá trình cho nhà sản xuất vay với lãi suất  "khủng" lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian "sống" cho dự án vì duy trì được lượng tiền lớn trong dự án. Trong lúc cho vay, nhà đầu tư được khuyến khích kêu gọi thêm người vào để hưởng "hoa hồng" theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả lãi cho những người trước.

Bên cạnh đó, Ifan cũng thực hiện chiến thuật “khống chế” nhà đầu tư: Cụ thể, để trở thành khách hàng của Ifan nhà đầu tư phải đã phải đầu tư số tiền đầu tư tối thiểu đã cao (1.000 USD), số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu, số tiền rút ra chỉ là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). "Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, họ (ý nói Ifan – PV) đã nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi được tiền mặt nữa rồi", một nhà đầu tư với số tiền gần 30 triệu đồng vào Ifan cho biết.

Không chỉ có sinh viên và giới văn phòng, những người dân ở các vùng quê cũng được mạng lưới "coin đa cấp" hướng dẫn tận tình cách thức tham gia. Với những "gói đầu tư" sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp của mình cho các dự án trá hình này.

Theo người dân phản ánh, kể từ cuối tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat Telegram và trang cá nhân của các "lãnh đạo Ifan" đều biến mất. Lúc này, các nhà đầu tư mới biết bản thân bị lừa, nhiều người nháo nhác đi đòi lại tiền gốc – lãi suất nhưng đều bất thành. Sau sự kiện nhóm người căng băng rồn biểu tình, tố cáo Công ty Modern Tech “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ngày 8/4. Hiện phía Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc "lừa đảo 15.000 tỷ" tại Việt Nam.

Sáng ngày 9/4, PV báo DDDN đã tới trụ sở của Công ty Cổ phần Modern Tech tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, số 68 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, TP.HCM để liên hệ làm việc. Tại đây, chị T. - nhân viên lễ tân tại tòa nhà Vietcomreal cho biết, tại tòa nhà hoàn toàn không có văn phòng làm việc của Công ty Modern Tech. Vào tháng 10/2018, Công ty Modern Tech làm hợp đồng thuê địa điểm đăng ký kinh doanh tại tòa nhà nhưng không đặt văn phòng. Chúng tôi sau đó đã liên hệ nhiều lần qua số điện thoại của nhiều lần liên hệ qua số điện thoại cá nhân của ông Văn, nhưng không có ai bắt máy.

Liên quan tới sự việc trên, trao đổi với PV, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình cho biết: Qua tình tiết của vụ việc, có thể thấy đây là một hình thức dụ dỗ, lôi kéo tham gia dự án tiền ảo không còn mới nhưng rất tiếc nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết vẫn tham gia. Khi bị thiệt hại thì rất khó để yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ về mặt dân sự. Về hình sự do liên quan đến lĩnh vực tội phạm công nghệ và thu thập chứng cứ nên cũng muôn vàn khó khăn cho nhà đầu tư (bị hại).

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là nhà đầu tư không có chứng cứ. Cụ thể như các lệnh chuyển tiền, đổi tiền từ các số tài khoản, các website, các clip, hình ảnh của các buổi hội thảo, các loại hợp đồng góp vốn...để chứng minh cho thiệt hại của mình cũng như cách tư vấn không đúng sự thật, hội thảo không đúng sự thật, các bằng chứng về sự hứa hẹn, gian dối của những cá nhân, tổ chức có hành vi gian dối này để nộp cho các cơ quan chức năng kèm theo là đơn tố cáo để cơ quan chức năng thụ lý giải quyết theo quy định.

Luật sư Trần Minh Hùng cũng khuyến cáo: Hiện nay pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm giao dịch thanh toán các đồng tiền điện tử dạng này. Do vậy dù giao dịch hay đầu tư vào các dạng tiền này thì cũng không nên vì đây là đồng tiền không ổn định, không tạo ra giá trị theo thời gian. Khi tham gia các giao dịch này đòi hỏi nhà đầu tư am hiểu biết sâu rộng về tiền điện tử, kiến thức và thực tiễn sâu về tài chính, công nghệ và kinh doanh đầu tư tiền ảo và quan trọng đủ hiểu biết để nhận ra đâu là kênh đầu tư thực, đâu là kênh đầu tư ảo mang tính chất dụ dỗ, lừa đảo. Bởi nhiều tổ chức lợi dụng sự ham muốn lãi suất cao, ít hiểu biết của nhà đầu tư để lừa đảo chứ không phải để kinh doanh chân chính và hoạt động dưới mô hình đa cấp. “Hiện tượng này xuất hiện ở Việt Nam đã lâu và rất nhiều nạn nhân sập bẫy với số tiền rất lớn. Vì vậy, khi chưa hiểu biết rõ về dạng đầu tư này nhà đầu tư tuyệt đối không nên nghe theo để đầu tư tránh bị thiệt hại lớn, lâm vào cảnh tan cửa nát nhà” Luật sư Hùng chia sẻ thêm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khi giấc mơ làm giàu sập bẫy đa cấp tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714428662 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714428662 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10