Khủng hoảng nhân lực y tế công: Tâm sự của người trong cuộc

NGUYỄN GIANG 06/07/2022 03:50

Nhiều tháng đi chống dịch với áp lực công việc lớn, chúng tôi đều mệt mỏi và stress. Mặc dù cố gắng động viên nhau làm, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa được hưởng một đồng trợ cấp nào…

>>Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ "tháo chạy"?

hihii

Hình ảnh nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Giang. Ảnh BYT

Đó là chia sẻ của chị Loan – nhân viên y tế thuộc một trung tâm y tế huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Chị Loan cho biết, lương tháng cơ sở chỉ chừng 4-5 triệu đồng/tháng, áp lực về kinh tế gia đình cộng thêm những áp lực công việc khiến chị Loan nhiều lần phải nghĩ đến việc cần phải kiếm việc gì khác để còn lo cho gia đình.

Bình thường trước dịch COVID-19 công việc của một nhân viên y tế như chúng tôi cũng bận rộn với các chương trình y tế, các bệnh giao mùa. Hàng năm không có dịch COVID-19 cũng sẽ có các dịch khác như sốt xuất huyết, sởi… Công việc y tế cơ sở cũng vất vả nhưng đỡ áp lực hơn vì vậy chúng tôi vẫn cố gắng để làm.

Nhưng dịch COVID-19 như cao trào, một giọt nước tràn li! Thời gian nghỉ ư? Ôi trời, ít lắm. Chúng tôi ở trạm nhiều hơn ở nhà. Hàng ngày, có bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở, chúng tôi lại xuống nhà dân cấp cứu bất kể ngày đêm. Bệnh nhân được Trung tâm 115 đến đưa đi, nhân viên y chúng tôi mới có thể quay về trạm giải quyết đống công việc đang chất cao như núi.

“Trạm chúng tôi có 6 người, trong đó có 5 người trực được phân trực. Giai đoạn đầu, có chị em bị mắc COVID-19 vậy là phải cách ly. Có đợt trạm chỉ còn 3, 4 người thay phiên nhau trực. Tất cả công việc như xét nghiệm, đi tiêm, trực cấp cứu… đổ lên đầu nhân viên y tế cơ sở. Ban ngày chúng tôi phải tiêm, cao điểm nhất 1 ngày tiêm hàng nghìn mũi tiêm, tối lại đi xét nghiệm. Thời điểm xét nghiệm toàn dân, mỗi nhân viên y tế xét nghiệm cho mấy trăm người, còn vào khu công nghiệp xét nghiệm cho các công nhân…

Còn tiếp nhận khai báo y tế như khủng bố. Mỗi ngày, hàng trăm cuộc điện thoại, đến mức nghe tiếng chuông điện thoại chúng tôi đã bị ám ảnh. Số cá nhân của tôi như số hotline, ai cũng gọi đến để hỏi giấy tờ, hỏi triệu chứng, khai báo…”, chị Loan chia sẻ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vợ chồng bác sĩ H.M.H và T.T.M quyết định một người phải rời bỏ công ra tư, một người trụ lại vì họ không thể tiếp tục gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc cao, thu nhập thấp mà giá cả tăng chóng mặt. 

Có thể nói, làn sóng rời bỏ y tế công diễn ra ở nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là câu chuyện buồn với y tế cơ sở, các trạm y tế xã - nơi phải gồng gánh rất nhiều nhiệm vụ từ truy vết, xét nghiệm, điều phối bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, làm các thủ tục xác nhận F0, trực tổng đài, tiêm vaccine.... trong suốt đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua.

>>Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Thiếu tiêu chuẩn, định mức

hihiiih

Hầu hết nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là do áp lực công việc, thu nhập thấp (Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Giang. Ảnh BYT)

Chia sẻ về nguyên nhân khiến hàng nghìn nhân viên y tế công nghỉ việc trong thời gian gần đây, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho rằng, ngành y là ngành chịu nhiều áp lực, lương bổng lại thấp nên nhiều người kiệt sức, stress, cuộc sống khó khăn, đi tìm việc khác thanh thản mà thu nhập đủ sống.

"Tôi được biết, đa số nhân viên y tế không phải làm 8 tiếng mà 10 tiếng, 12 tiếng mỗi ngày. Cá biệt có bác sĩ làm 20 tiếng mỗi ngày, vô cùng mệt mỏi", GS Trí cho biết.

Kiến nghị về các giải pháp giữ chân nhân viên y tế, GS Trí cho rằng, Bộ Y tế cần đứng ra xây dựng chính sách tổng thể để nhân viên y tế yên tâm, đủ sức công tác, đặc biệt là chính sách phù hợp với hoàn cảnh chống dịch như hiện nay.

"Bộ Y tế phải gấp rút đề xuất một cái chính sách phù hợp đặc biệt là khi có dịch. Đây không phải là "đãi ngộ" mà là sự công bằng về tiền lương. Người ta làm việc 8 tiếng khác mà làm 12 tiếng, 20 tiếng phải khác.

Trước trực 1 tuần 1-2 buổi khác, mà nay gần như đêm nào cũng phải trực thì khác. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao...", GS Trí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều lý do để một người rời bệnh viện công, có thể vì thu nhập, có thể bị giao nhiệm vụ không phù hợp. Đây là thực tế diễn ra như một làn sóng ở nhiều tỉnh, thành phố, và nếu không ngăn chặn, ngành y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính cá nhân nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất đi phúc lợi lâu dài, mất đi cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải thích ứng với chỗ làm việc.

Khi có sự thiếu hụt cán bộ y tế, chất lượng chăm sóc y tế sẽ không tốt. Trong tình huống này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Theo ông Dũng, thu nhập là một yếu tố quan trọng khiến nhiều người rời bỏ nơi mình đã cống hiến và gắn bó nhiều năm. Sau đại dịch, thu nhập chung của xã hội đều giảm, trong khi đó thu nhập cán bộ y tế không tăng và thậm chí hơi giảm chút. Trong khi đó lạm phát, giá cả gia tăng nên áp lực để tìm thu nhập tốt hơn là có.

Đặc biệt, đại dịch khiến cho phần lớn nhân viên y tế cảm thấy trách nhiệm phải gánh vác nặng nề, chịu đựng stress thời gian dài liên tiếp và luôn thường trực nỗi sợ nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, những ngày qua, ngành y tế gặp nhiều biến động khiến tâm lý nhân viên y tế bị xao động. 

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đầu ngành bày tỏ sự tiếc nuối khi nhìn lực lượng kế cận đã không còn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê tiếp nối sự nghiệp mình ở những bệnh viện đã có thương hiệu. 

Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đáng "báo động" ở TP HCM và Hà Nội.

Thống kê chỉ trong quý 1/2022, TP.HCM có 400 người nghỉ việc, bằng tổng số người nghỉ trung bình hàng năm trước khi có COVID-19. Tại Hà Nội, qua thống kê, có 900 người xin nghỉ, chuyển công tác trong vòng 18 tháng qua. Tình trạng này khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đáng báo động trên, ngày 7/4/2022, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù cho y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỷ mỗi năm để thu hút nhân sự cho 310 trạm y tế, áp dụng từ nay đến 2025. Sở Y tế Hà Nội cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND TP xây dựng, ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế vào đầu tháng 7.

Có thể bạn quan tâm

  • Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ

    Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ "tháo chạy"?

    03:30, 05/07/2022

  • Thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế có giải pháp gì?

    Thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế có giải pháp gì?

    01:00, 05/07/2022

  • Bộ Y tế: Nhập nhèm trong đơn thuốc có thực phẩm chức năng là sai sót về quy trình, nghiệp vụ

    Bộ Y tế: Nhập nhèm trong đơn thuốc có thực phẩm chức năng là sai sót về quy trình, nghiệp vụ

    19:00, 04/07/2022

  • Bộ Y tế đã đề xuất 4 giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

    Bộ Y tế đã đề xuất 4 giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

    18:00, 04/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khủng hoảng nhân lực y tế công: Tâm sự của người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO