Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Hàng xách tay sẽ hẹp cửa sống?

Diendandoanhnghiep.vn Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả với mức xử phạt tăng cao được kỳ vọng sẽ siết chặt vấn nạn hàng không nguồn gốc xuất xứ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Có lẽ chưa bao giờ, khái niệm “hàng xách tay” lại phổ biến như ở thời điểm hiện tại. Từ mạng ảo đến đời thực, bất cứ nơi nào, người ta cũng có thể dễ dàng tìm mua được những vật phẩm trong vỏ bọc kiêu hãnh “hàng xách tay” kèm lời quảng cáo có cánh. Ảnh minh họa.

Có lẽ chưa bao giờ, khái niệm “hàng xách tay” lại phổ biến như ở thời điểm hiện tại. Từ mạng ảo đến đời thực, bất cứ nơi nào, người ta cũng có thể dễ dàng tìm mua được những vật phẩm trong vỏ bọc kiêu hãnh “hàng xách tay” kèm lời quảng cáo có cánh. Ảnh minh họa.

Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi

Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.

Đáng chú ý, quy định này đồng nghĩa với việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chấm dứt tình trạng hàng xách tay?

Bình luận về các quy định của Ngị định này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhìn nhận dù đã có quy định xử phạt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ… nhưng do vài năm nay, tình trạng hàng nhập lậu, hàng xách tay nở rộ quá nhiều nên cần có quy định xử phạt cụ thể hơn. Do đó, Nghị định 98 thực chất là để cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185 về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành.

“Trước đây, khi chưa có Nghị định 98, lực lượng QLTT xử phạt đối với hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Nghị định mới quy định rõ hơn về mức độ xử phạt để áp dụng”, ông Linh nói.

Trên thực tế, sở dĩ hàng “xách tay” có sức hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít doanh nghiệp đã trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong một, hai năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, việc mua bán hàng xách tay đã tiện lợi hơn rất nhiều, khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cũng buôn bán hàng xách tay. Đặc biệt, hàng xách tay được bán tràn lan trên mạng xã hội, internet.

Hàng xách tay từ nước ngoài vào Việt Nam đa số thuộc các nhóm hàng: quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang; Thuốc và thực phẩm chức năng; Hóa mỹ phẩm... chủ yếu từ các thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Italia, Hàn Quốc, Australia,...

Tuy vậy, trên thực tế, chưa có cơ quan chức năng nào công bố về chất lượng của các mặt hàng xách tay phổ biến xem có phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, với thể trạng, sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam hay không!

Theo các chuyên gia, không phải cứ hàng xách tay là tốt với người Việt, vì có thể mặt hàng đó có tên tuổi, có uy tín tại nước sở tại, nhưng lại không phù hợp với thể trạng, với điều kiện tại Việt Nam. Chưa kể, thị trường hàng xách tay Việt Nam cũng chia làm năm bảy loại.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Ông đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…

Nói như ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế - Tổng cục QLTT, khẳng định hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ.

“Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan…”, ông Kiều Dương đề xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Hàng xách tay sẽ hẹp cửa sống? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714178187 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714178187 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10