Luật Doanh nghiệp 2020: Nâng cấp mức độ bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ

Diendandoanhnghiep.vn Không chỉ tạo bước đột phá mới, bám sát thực tế phát triển của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 còn tạo dựng hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư…

Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 với nhiều nội dung sửa đổi trọng yếu so với Luật Doanh nghiệp 2014. Nhìn lại quá trình ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp 2014, phải ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc tạo dựng hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông trong công ty cổ phần, một loại hình doanh nghiệp phổ biến trong nền kinh tế phát triển.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, số lượng các vụ tranh chấp giữa (các) cổ đông nắm một số lượng cổ phần nhất định và người quản lý ngày càng tăng, đặc biệt liên quan đến quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch giao dịch với người có liên quan. Luật Doanh nghiệp 2020 đã có một số thay đổi đáng lưu ý về quyền cổ đông trong công ty cổ phần nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong loại hình doanh nghiệp này.

Luật Doanh nghiệp 2020, tạo bước đột phá mới về hành lang pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Luật Doanh nghiệp 2020, tạo bước đột phá mới về hành lang pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Quyền của (các) cổ đông nắm giữ 5% và 10% cổ phần

Ngoài các quyền của cổ đông phổ thông được giữ nguyên như Luật Doanh nghiệp 2014, điểm mới đáng lưu ý thứ nhất là Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thêm về quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.

Cụ thể, các cổ đông này có các quyền nhất định về thông tin như xem xét, tra cứu, trích lục một số tài liệu; có quyền triệu tập cuộc họp cổ đông để đánh giá các hành động của Hội đồng Quản trị (HĐQT) hoặc những người quản lý khác của công ty; có quyền yêu cầu Ban Kiểm soát (BKS) kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết (Khoản 2 Điều 115).

Trong Luật Doanh nghiệp 2014, các quyền này chỉ thuộc về cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên và phải trong thời hạn liên tục sáu tháng (Khoản 2 Điều 114). Quy định mới về quyền của (các) cổ đông nắm giữ từ 5% quyền biểu quyết thay vì 10% như trước đây có thể nhằm tương đồng với quy định về cổ đông lớn trong Luật Chứng khoán 54/2019/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2019 và sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Theo quy định của Luật Chứng khoán tại Khoản 18 Điều 4, “cổ đông lớn” được định nghĩa là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế như hiện nay với số lượng các công ty cổ phần có vốn hóa lớn, tỷ lệ nắm giữ 5% cổ phần biểu quyết của cổ đông tại bất cứ thời điểm nào mà không cần thời hạn nhất định (như sáu tháng liên tục) để có thể thực thi các quyền như trên là phù hợp và sát thực tế.

Một điểm sửa đổi mới đáng lưu ý đối với quyền tiếp cận thông tin của (các) cổ đông lớn là Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm quyền xem xét, trích lục (các) hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty. Quy định này mở rộng quyền tiếp cận thông tin và tăng khả năng giám sát của (các) cổ đông đối với các giao dịch cần được giám sát như giao dịch với người có liên quan nhằm hạn chế việc thất thoát tài sản, gây thiệt hại cho công ty.

Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin này bị hạn chế đối với các tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty. Để tránh điều khoản loại trừ này bị lạm dụng, cần phải có định nghĩa rõ ràng thế nào là “bí mật thương mại, bí mật kinh doanh” trong phạm vi Điểm a Khoản 2 Điều 116.

Đối với (các) cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận quyền đề cử người vào HĐQT và BKS nhưng đã loại bỏ yêu cầu việc (các) cổ đông phải liên tục nắm giữ cổ phần từ sáu tháng trở lên (Khoản 3 Điều 116).

Đây là một thay đổi tích cực bởi nó cho phép cổ đông mới của một công ty cổ phần có thể thực thi quyền của chủ sở hữu kiểm soát công ty thông qua việc đề cử nhân sự vào các chức danh quản lý công ty ngay khi họ có được số cổ phần cần thiết thay vì phải đợi thêm sáu tháng.

Thực tế, từ trước tới nay trong các giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), để tránh yêu cầu thời hạn nắm giữ đủ sáu tháng liên tục mới có quyền giới thiệu người vào HĐQT và BKS, các bên trong giao dịch luôn phải có thỏa thuận về việc cổ đông hiện hữu (bên bán) có nghĩa vụ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bãi nhiệm người đại diện phần vốn góp của mình trong HĐQT và/hoặc BKS và bầu bổ nhiệm người đại diện phần vốn góp của cổ đông nhận chuyển nhượng (bên mua) vào các vị trí thay thế tương ứng.

Trong trường hợp (các) cổ đông mới chưa có quyền luật định để tham gia giám sát hoạt động của công ty trong giai đoạn chuyển tiếp sáu tháng này, người quản lý doanh nghiệp có thể lợi dụng khoảng thời gian cửa sổ này để thực hiện các giao dịch dàn xếp chuyển lợi nhuận của công ty về các doanh nghiệp khác hoặc tẩu tán tài sản gây thiệt hại cho công ty.

Vai trò, quyền lợi của các nhà đầu được đảm bảo tốt hơn trong Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Vai trò, quyền lợi của các nhà đầu được đảm bảo tốt hơn trong Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Quyền khởi kiện của (các) cổ đông nắm giữ 1% cổ phần

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có thay đổi về quyền khởi kiện của (các) cổ đông đối với người quản lý công ty; cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ yêu cầu thời hạn nắm giữ liên tục trong sáu tháng của (các) cổ đông nắm giữ ít nhất 1% cổ phần để (các) cổ đông này có thể thực thi quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện người quản lý công ty liên quan đến các quyết định, hành động trong quá trình điều hành doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 166).

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng giới thiệu thêm khái niệm “trách nhiệm liên đới” của thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc liên quan đến quyền khởi kiện của (các) cổ đông nắm giữ 1% cổ phần trở lên trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ có khái niệm trách nhiệm dân sự của các đối tượng này. Ngoài ra, trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định chung về quyền khởi kiện của (các) cổ đông nắm giữ 1% cổ phần trở lên thì Luật Doanh nghiệp 2020 lại ghi rõ nội dung yêu cầu của cổ đông khi khởi kiện là “yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác”. Định nghĩa về “người khác” trong quy định này cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 để đảm bảo việc thực thi quyền của cổ đông được chính xác.

Các sửa đổi đáng lưu ý liên quan đến quyền của cổ đông trong công ty cổ phần như đã nói có thể xem là tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của thị trường, đảm bảo quyền của chủ sở hữu vốn khi đầu tư vào công ty cổ phần. Các quyền quan trọng như tiếp cận thông tin, giám sát sự minh bạch, đề cử người vào các chức danh quản lý trong hoạt động điều hành doanh nghiệp cũng như quyền khởi kiện bảo vệ lợi ích hợp pháp bị xâm phạm của cổ đông phải được công nhận và thực thi kể từ thời điểm cổ đông hoàn tất các thủ tục luật định về góp vốn, mua cổ phần và chính thức được ghi nhận là cổ đông của công ty.

(*) Luật sư Vũ Thu Hằng – Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Liên Kết Thanh Danh

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Luật Doanh nghiệp 2020: Nâng cấp mức độ bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714174090 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714174090 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10