Thanh Hóa: Dân khốn khổ vì dự án “chồng” dự án

Diendandoanhnghiep.vn Đã hơn 10 năm, trên 200 hộ dân tại thành phố Thanh Hóa mong mỏi được di dời đến nơi ở mới để được chấm dứt cảnh “chui rúc” trong những căn nhà lụp sụp, cùng với nỗi sợ hãi khi mỗi mùa mưa lũ.

Nằm ngay tại thành phố Thanh Hóa, khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn hiện có 410 hộ dân với 1.879 nhân khẩu. Nhưng ở đây, đã rất nhiều năm được biết đến như một khu “ổ chuột” trong lòng thành phố Thanh Hóa. Điều đáng nói, đã có tới 3 dự án giải quyết vấn đề cấp thiết và chỉnh trang đô thị từ hơn 10 năm qua. Người dân phố Tiền Phong đang ngày ngày sống trong nỗi lo sợ, khốn khổ để chờ các cấp có thẩm quyền tại Thanh Hóa tìm giải pháp giải quyết dự án “chồng” dự án tại đây.

3 dự án qua một khu phố nghèo

Theo tìm hiểu của PV báo DĐDN từ năm 2007 đến nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 3 dự án liên quan đến khu phố Tiền Phong gồm: Dự án tiêu úng Đông Sơn, dự án di dân phố Tiền Phong phòng tránh thiên tai và dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Mã thành phố Thanh Hóa. Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng các dự án vẫn còn dang dở, các hộ dân thuộc diện di rời vẫn chưa được bố trí tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất.

Mái nhà dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn chỉ cao hơn mép đê chưa đầy 1m

Mái nhà dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn chỉ cao hơn mép đê chưa đầy 1mét

Được biết, với dự án tiêu úng Đông Sơn được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 1119 ngày 23/4/2007. Mục tiêu chính của dự án là tiêu úng cho gần 14 ngàn ha của các huyện Thiệu Hoá, Đông Sơn, Quảng Xương và thành phố Thanh Hoá. Dự án được thiết kế xây dựng 9 cầu qua sông Thọ Hạc, sông Nhà Lê, sửa chữa nâng cấp cống tiêu Quảng Châu, nạo vét, gia cố gần 50 km sông Vinh, sông Nhà Lê, sông Quảng Châu và sông Thọ Hạc, đồng thời, giải phóng mặt bằng xây dựng các khu dân cư mới để tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.

Dự án được triển khai 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2009 đến 2016 và giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau khi kết thúc, đánh giá hiệu quả của giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 700 tỷ đồng.

Dự án tu bổ nâng cấp đê hữu sông Mã đoạn từ Km40+732 đến Km44+00

Dự án tu bổ nâng cấp đê hữu sông Mã đoạn từ Km40+732 đến Km44+00 đang "ì ạch" thi công 

Điều đáng nói dự án đã kết thúc giai đoạn 1 từ 31/12/2016 cho đến thời điểm hiện tại, trong số 24 gói thầu của dự án, chỉ mới có 18 gói thầu được hoàn thành, bàn giao, còn lại tiến độ đạt rất chậm. Các gói thầu nạo vét, thi công hạ tầng các khu tái định cư hầu như chưa được triển khai, đáng lưu ý, tại mặt bằng khu tái định cư 5186 thuộc phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá, việc xây dựng cầu Cốc thuộc gói thầu số 19 còn rất nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu, gây khó khăn, lãng phí cho công tác thi công, gây ô nhiễm môi trường và tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Khu “ổ chuột” trong thành phố

Tổ dân phố Tiền Phong hàng chục năm nay sống sát bờ đê sông Mã, một con phố nhỏ, nghèo vẫn sống “lay lắt” trong vùng sông yếu ngoại đê hung dữ mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Ông Đoàn Văn Phúc, người dân phố Tiền Phong cho biết: Trong ngôi nhà của mình chưa đến 80m2 ấy lại là nơi trú ngụ của 7 gia đình với gần 22 nhân khẩu.

Ông mua lại ngôi nhà này vốn là nhà kho HTX từ năm 1991. Kể từ đó đến nay ông chỉ một lần tôn nền cao lên thêm 40cm. Nền tôn cao, mái giữ nguyên khiến ngôi nhà chẳng khác gì một tổ chim, người đi trong nhà như muốn va vào mái ngói. Trong khi đó, đê ven sông Mã đã bao lần nâng cấp khiến mái ngói ngôi nhà của vợ chồng ông giờ đây ngang với mái đê. Do nằm sát ngoài mái đê sông Mã, năm nào nước lũ cũng ngập gần hết ngôi nhà, ông Phúc chia sẻ thêm.

Những ngôi nhà như những phòng trò

Những ngôi nhà như những phòng trọ được nối liền với nhau

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa cho biết: Phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn có tổng số 410 hộ, gồm 1.879 nhân khẩu. Hiện tại, có gần 200 hộ dân sống trong vùng sông yếu, tất cả các hộ đều sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp được xây dựng từ những năm 80. Đa phần những ngôi nhà đó có từ 3 đến 5 gia đình sống chung. Cuộc sống vô cùng khốn khổ vì chật chội, mưa lũ và thiếu điện, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Biết rằng việc di dời dân sớm khỏi khu vực là cấp bách nhưng, do phố Tiền Phong nằm trong vùng quy hoạch, địa phương và UBND TP Thanh Hóa đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin được di chuyển hơn 200 hộ dân này đến nơi ở mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Quỹ đất tái định cư ở địa phương đã có, nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án thì phải chờ vào nhà nước.

Đi một vòng quanh khu phố Tiền Phong, chúng tôi cảm nhận thấy những ngôi nhà ở đây trông chẳng khác nào những phòng trọ tạm bợ là mấy. Những căn nhà lụp sụp, cả khu đúng như cái “ổ chuột” như bà con nơi đây thường quen gọi. Đi luồn sâu trong những con hẻm nhỏ vào phía sau bờ đê ngoại sông Mã mới thấy hết được sự chênh vênh trong những ngôi nhà nằm sát mép sông. Trong những ngôi nhà ấy, hàng chục người mỗi ngày oằn mình sống “chui rúc” và có thể bị con sông Mã hung dữ sẵn sàng nuốt bất cứ lúc nào.

Dự án chậm vì...còn chờ vốn ngân sách

Với thực trạng khó khăn của người dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn kéo dài trong nhiều năm do ảnh hưởng nằm trong vùng dự án "chồng" dự án như vậy. Được biết, mới đây UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân khu phố Tiền Phong. Tại hội nghị, các hộ dân đã phản ánh thực tế cuộc sống với nhiều khó khăn, vất vả. Lãnh đạo thành phố đã ghi nhận ý kiến của người dân và cam kết sẽ sớm hoàn chỉnh phương án di dời người dân đến mặt bằng tái định cư. Trước mắt, để giải quyết các vấn đề cấp thiết mà nhân dân phản ánh, kiến nghị, UBND thành phố thống nhất chủ chương lập dự án đầu tư đường ống cấp nước sạch và đầu tư nâng cấp hệ thống điện sinh hoạt cho nhân dân phố Tiền Phong sẽ triển khai thực hiện trong quý I/2019.

Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa

Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa trong buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho người dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa

Nhưng điều đáng nói ở đây những ngày quý I đã cận kề, trên khu phố Tiền Phong chưa thấy một dự án cấp thiết nào diễn ra. Hơn 200 hộ dân phố Tiên Phong vẫn còn phải sống trong chờ đợi, mong mỏi để được sữa nhà, có nước sạch để dùng, có điện sáng ổn định... để bớt đi nỗi nhọc nhặn đằng đằng trong suốt hơn 10 năm qua.

Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Ban dự án đầu tư xây dựng số 2, TP Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến 3 dự án trên phố Tiền Phong, nhất là việc di dân phòng tránh thiên tai tất cả vẫn đang thực hiện. Hiện nay, chúng tôi cùng với các phòng ban khác hoàn chỉnh các thủ tục trình UBND tỉnh bổ sung danh mục dự án có sử dụng đất năm 2019 làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc hoàn chỉnh các thủ tục và cân đối bố trí được nguồn vốn và thực hiện thi công hoàn thành dự án tái định cư cho các hộ dân cần phải có thời gian 3-4 năm.

Bà Nguyễn Thị Thọ, người dân phố Tiền Phong bức xúc: Bao nhiêu năm nay chính quyền đã xây dựng, phê duyệt hàng loạt dự án liên quan đến khu phố của chúng tôi, nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. Liệu, chúng tôi phải chờ đến bao giờ, cứ thế này mãi thì dân biết sinh sống ra sao. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Dân khốn khổ vì dự án “chồng” dự án tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714154829 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714154829 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10