Tiền và Hạnh phúc

Diendandoanhnghiep.vn Trong cuộc sống, chúng ta luôn đặt tiền bạc và hạnh phúc ở cạnh nhau với không ít băn khoăn như “tiền có mua được hạnh phúc”…

Rất nhiều người theo quan điểm có tiền mới hạnh phúc nhưng cũng không ít người cho rằng, tiền chỉ có thể mua được hạnh phúc ở trạng thái “thấp”. Cao hơn, không cần tiền, nhiều người vẫn có thể đạt đến hạnh phúc lớn, thật sự. Thậm chí đôi khi, tiền bạc khi đặt cạnh hạnh phúc cũng bị cho là khập khiễng, có sự đối lập nhất định, kiểu như bánh mì và hoa hồng thì không nên đặt cạnh nhau làm hỏng sự lãng mạn tươi đẹp…

Tiền và Hạnh phúc không có nghĩa là 2 phạm trù, 2 mặt của một đời sống nhưng cùng hướng về hoàn mỹ như Bánh mì và Hoa hồng

Tiền bạc, vật chất mới chỉ là một trong những điều kiện cần, phương tiện để tạo ra hạnh phúc

Thế nào là hạnh phúc, có lẽ không cần phải đặt câu hỏi nữa. Mỗi người, trong định nghĩa về hạnh phúc là "cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu mang tính trừu tượng", tùy thuộc “nhu cầu” khác nhau của mỗi cá nhân, mà có hạnh phúc khác nhau.

Hạnh phúc của một cô gái mê đồ hiệu có thể là khi được tặng một chiếc túi Hermes Birkin phiên bản giới hạn. Hạnh phúc của một nhà đầu tư chứng khoán dù Fn hay Fo thì chắc chắn có mẫu số chung là thấy danh mục quản lý tài sản luôn xanh lá và các con số không ngừng x lên nhiều lần. Hạnh phúc của một nhân viên văn phòng nào đó là hoàn thành xuất sắc một dự án, được Sếp khen. Hay hạnh phúc của một người công nhân là mỗi tối về nhà không phải ở phòng trọ mà là được cùng chồng con ăn bữa tối, nghe con ê a học bài…Chúng ta có vô vàn nhu cầu khác nhau trong đời sống nên hạnh phúc cũng vô vàn lần xuất hiện và vô vàn trạng thái khác nhau.

Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu đã chứng minh, khi tâm trạng hưng phấn và vui vẻ, não bộ sẽ tiết ra chất Dopamine, là một trong những hormone quan trọng, được giải phóng ra và khiến bạn có cảm giác thỏa mãn, cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.

Để não bộ có nhiều lần tiết ra hormone hạnh phúc này, các nhà khoa học cũng chứng minh bên cạnh cách giữ tinh thần, lối sống, thậm chí cách lựa chọn thực phẩm trong ăn uống… để không cản trở, làm “tắc đường” giải phóng ra dopamine mà ngược lại kích thích nó dễ dàng sản sinh hơn, thì tiền cũng có thể hỗ trợ bạn, giúp mua được số lần khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.

Theo đó, Jon Jachimowicz, nhà khoa học từ Trường Kinh doanh Harvard cho biết trên tạp chí Tâm lý học Xã hội và Khoa học Nhân cách tháng 12/2020 là thu nhập tỷ lệ thuận với tần suất hạnh phúc.

Dựa trên khảo sát những người Mỹ, nhà khoa học đã đưa ra kết quả là nếu có tiền, sẽ dễ thúc đẩy con người lựa chọn những giải trí hạnh phúc. Nếu không có tiền, hoặc nói cách khác là thu nhập thấp hơn, thì người ta sẽ nghiêng về giải trí thụ động ít tạo ra hạnh phúc.

Nhưng đó có thể mới chỉ là một lát cắt về những người ở một quốc gia mà lối sống, nhu cầu, tư duy về hạnh phúc  hẳn sẽ khác với nhiều người khác, ở những quốc gia khác.

Chẳng hạn như bạn sẽ đặt câu hỏi rằng vậy ở những quốc gia mà các loại hình giải trí mang tính hiện đại đại chúng không hoàn toàn được ưa thích và phù hợp với lối sống của đại đa số cư dân nép mình trong các ngôi nhà rất cách xa nhau trên các vùng đồi núi như Bhutan, vậy thì họ làm sao có thể thúc đẩy hạnh phúc? Hay như Việt Nam, điều gì đã khiến chúng ta đã vượt qua Bhutan và thăng hạng trong bảng xếp hạng về các chỉ số hạnh phúc mới đây, được khảo sát qua năm đại dịch?

Cây Tiền không thể trực tiếp nở ra đóa hoa Hạnh phúc?

Cây Tiền có trực tiếp nở ra đóa hoa Hạnh phúc?

Tôi đã từng thấy những người dân vào rừng cõng lá khô về đốt sưởi, quanh năm món ăn phổ thông là phomai được làm từ sữa của những chú bò Yak và các loaị rau, đặc biệt ớt khô được trữ qua mùa đông. Nhưng họ hạnh phúc với đời sống tĩnh lặng của mình và lấy việc sống lành, hướng đến thế giới tâm linh, tôn giáo, là hạnh phúc thực sự để vượt lên “cõi tạm”. Tôi cũng từng được nghe về những người nông dân bán hết cả nhà cửa trâu bò chỉ để được thực hiện nguyện vọng một lần trong đời đi hành hương về kinh đô xưa Lhasa xứ Phật, băng qua bão tuyết, núi đồi và cao nguyên, với những bước đi “tam bộ ngũ thể nhập địa” mất hàng tháng trời họ mới có thể đến được nơi mình ước nguyện. Cũng đã được nhìn thấy những người cả đời lấy niềm vui sẻ chia và cống hiến cho cộng đồng thông qua các chương trình kêu gọi sự sẻ chia và các hành động, làm lẽ sống…Với những người như vậy, chắc chắn cảm xúc để được thỏa mãn nhu cầu nào đó khác với những người còn lại và tiền, thu nhập không hoàn toàn tỷ thuận với số lần đạt được hạnh phúc của họ.

Các nhà khoa học thần kinh cũng đã đưa ra một nghiên cứu khác, nếu như Dopamine là chất có thể trực tiếp dẫn đến cảm xúc khoái lạc, thỏa mãn của một người, thì chất dẫn truyền thần kinh Serotonin, đặc biệt được phát triển mạnh mẽ với phương pháp thiền định theo truyền thống Thích Ca Mâu Ni, cũng có thể dẫn đến hạnh phúc. Serotonin, chất dẫn truyền khiến một người có cảm xúc hạnh phúc với hạnh phúc với bản thân, nhưng cũng là cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu tình cảm của người khác, điều rất cần thiết cho các quan hệ xã hội, cùng là điều kiện cho hạnh phúc ở mỗi người. Sự xuất hiện và tôi rèn để giải phóng chất dẫn truyền như trên, có lẽ là tương ứng với lựa chọn về thỏa mãn nhu cầu của những người hướng về tâm linh, về sự an trú tinh thần, về sự sẻ chia cộng đồng, về lối sống lành, rất được các nhà khoa học khuyến khích.

Dù vậy, trở lại với tiền, khi còn nhỏ, tôi luôn có một câu hỏi nảy sinh trong đầu mỗi khi xem các phim truyền hình được dựng từ tiểu thuyết Kim Dung, là các hiệp sĩ, kiếm khách giang hồ, họ sống bằng gì và tại sao không cần làm việc, họ cũng có thể có được nhiều vàng thỏi, bạc nén để thanh toán chi phí khách điếm, trang trải đời sống thường nhật trên bước đường hành hiệp lãng du? Khi lớn lên, thi thoảng tôi cũng được nghe về những câu chuyện sống đẹp, đi tìm lẽ sống và dấn thân của những chàng trai, cô gái đạp xe xuyên quốc gia và xuyên nhiều nước, hoặc đi du lịch ở nhiều quốc gia với chi phí “0 đồng”, hoặc đi bộ để khám phá cảnh đẹp thế giới… Tôi lại tự hỏi một cách “trần trụi” rằng trong những chuyến đi như vậy, họ có dừng lại, ăn, ngủ, nghỉ, sửa xe, trả mọi chi phí… hay không và tiền đâu để làm việc đó? Hoặc thậm chí, nếu bạn muốn sẻ chia với cộng đồng, thực hiện các chương trình thiện nguyện, bạn cũng cần có vật chất và cần rất nhiều sự cảm thông sẻ chia lan tỏa để sản sinh quyên góp vật chất cho các hành động thiết thực. Hay như người dân trên đường độc đạo đến Lhasa, tối thiểu, họ cũng phải có cơm ăn áo mặc để tồn tại trước khi đến được kinh đô trong lòng mình.

Rõ ràng, kể cả trong những trường hợp, trạng thái mà tiền không phải là mục đích cuộc sống và tiền thực tế không mua được hạnh phúc đúng nghĩa của những con người có nhu cầu để thỏa mãn ở mức cao (ví dụ như theo xét bậc trên tháp Maslow), thì tiền vẫn là điều kiện cần để mua được các điều kiện cơ bản khác thúc đẩy con người tiến về cảm xúc thỏa mãn, hạnh phúc. Nói cách khác, kể cả khi vật chất không hoàn toàn là thứ quyết định cảm xúc hạnh phúc của con người, thì bởi vì chúng ta là những “sinh vật bậc cao”, những thực thể sống, chúng ta cần những điều kiện để duy trì và trang trải cho sự tồn tại cùng sự xúc tiến đến trạng thái, hành trình để đạt đến mục đích – thỏa mãn nhu cầu. Dù đó là nhu cầu an trú cơ bản trong bình thường hay nhu cầu an trú trong tâm hồn. Và nó bao gồm cả sự an trú của một cơ thể khỏe mạnh, trong một sự yên tâm về sức khỏe, về cảm giác muốn sống, muốn cống hiến, muốn đóng góp cho xung quanh, an trú trong một quốc gia ổn định và sẽ tốt hơn nữa, là quốc gia thịnh vượng.

Điều đó, cũng lí giải thêm rằng vì sao con người có thể tìm thấy hạnh phúc trong an trú tâm hồn, tâm linh, tôn giáo, vượt lên khỏi các mối quan hệ xung quanh; nhưng thực tế trong đại dịch vừa qua khi sự ảnh hưởng tương tác với xung quanh có từ trường và tác động liên quan lớn, thì ít nhiều vẫn bị chi phối cảm xúc hạnh phúc bởi môi trường sống an toàn hơn, đặt trong một quốc gia có không gian sống, kỷ luật sống đảm bảo chống dịch tốt hơn. Như vậy, sự an trú của cơ bản thực thể, an trú tinh thần đến an trú cộng đồng, quốc gia, đã tạm chia ra các vùng không gian khác nhau, cấp bậc khác nhau cho những điều kiện khác nhau để thỏa mãn nhu cầu và đạt đến hạnh phúc. Và dù là an trú ở cấp bậc nào, thì tiền cũng có ý nghĩa xúc tiến, thúc đẩy, hỗ trợ tốt cho giải phóng một trong 2 loại hormon hạnh phúc. Song "tiền đâu" vẫn chỉ là một trong những điều kiện "đầu tiên", không quyết định kết quả. Nhiều tiền và giàu có sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội để đạt được hạnh phúc, không đồng nghĩa bạn luôn cảm thấy hạnh phúc.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tiền và Hạnh phúc tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714113072 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714113072 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10