Top 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022

Diendandoanhnghiep.vn Năm 2022 là một năm có nhiều biến động trên thế giới khi có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra.

>> Nhịp sống thế giới từ ngày 19- 25/12

1. Chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ

Vào tháng 2/2022, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc giao tranh đã nhanh chóng trở nên phức tạp và kéo dài sang tháng thứ 10. Cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thương vong, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Cuộc chiến cũng đã làm dấy lên một phản ứng toàn cầu khi ít nhất 46 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã áp đặt tổng cộng hơn 10.000 lệnh trừng phạt đối với Nga. Cuộc chiến này khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, trên cả Iran, Syria và Triều Tiên.

Trong đó, các quốc gia và khối bao gồm Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và EU đã áp đặt 8.613 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, 1.658 lệnh trừng phạt đối với các tổ chức, 92 lệnh trừng phạt đối với tàu và 14 lệnh trừng phạt đối với máy bay của Nga. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, vào cuối năm 2022, GDP của Nga dự kiến sẽ giảm tới 4,5% trong trường hợp xấu nhất.

2. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2022 là sự kiện quan trọng đối với Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu "100 năm" thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa của Trung Quốc. Chủ trương phát triển kinh tế trong giai đoạn tới sẽ là "Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc" và "thịnh vượng chung".

Các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 với 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết. Đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

3. Thảm kịch dẫm đạp tại Itaewon, Hàn Quốc

Đêm lễ hội hóa trang Halloween hôm 29/10 ở khu phố Itaewon của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã biến thành thảm kịch khi đám đông dồn xuống một con dốc hẹp, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến 153 người chết và hàng chục người bị thương.

Đến chiều 30/10, Hàn Quốc xác định vụ giẫm đạp đã khiến 153 người chết, trong đó có 22 người nước ngoài và số thương vong rất lớn. Sự việc một lần nữa cho thấy nguy cơ giẫm đạp (hầu như không xảy ra trong suốt đại dịch COVID-19) đang xuất hiện trở lại.

4. Chính trường Anh có nhiều biến động

Vương quốc Anh đã chứng kiến 3 lần thay đổi Thủ tướng trong năm 2022. Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức. Đến ngày 20/10, bà Liz Truss, người được được bầu thay thế ông Boris Johnson. Tuy nhiên, sau 45 ngày tại vị, bà Truss đã trở thành thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh khi đưa ra tuyên bố từ chức.

Ngày 25/10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị Thủ tướng Anh trong hơn 200 năm. Trên cương vị mới, ông Sunak phải tìm cách vượt qua nhiều thách thức mới khi nước Anh đang trong thời kỳ suy thoái với lạm phát ở mức 15%. 

5.  Các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để đối phó lạm phát

Để hạ nhiệt lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất trở lại sau một thời gian áp dụng lãi suất gần bằng 0 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đại dịch.

Ngày 16/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi đầu xu hướng tăng lãi suất với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, lần tăng đầu tiên sau 3 năm. Năm 2022, Fed đã nâng lãi suất 7 lần, lên ngưỡng 4,25-4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua và sau đó tăng thêm 3 lần. 

>> Nhịp sống thế giới từ ngày 12-18/12

6. Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời

Ngày 8/9, người dân Anh và thế giới bàng hoàng trước thông tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì. Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Nhà Vua Charles III.

Nữ hoàng Elizabeth có thể được nhớ đến nhiều nhất với tư cách là một nhà lãnh đạo lớn, người đã trở thành hình mẫu về sự kiên định trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Bà được những người theo chủ nghĩa quân chủ cũng như những người cộng hòa ngưỡng mộ vì sự tận tâm không lay chuyển đối với nhiệm vụ của bản thân và bà ấy không chịu khuất phục trước những người chỉ trích.

7. Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lương thực

Xung đột Nga-Ukraine xảy ra cuối tháng 2/2022 đã đẩy giá năng lượng, lương thực thế giới tăng vọt. Ngày 7/3, giá khí đốt tăng gần 5 lần so với thời điểm trước xung đột, lên mức kỷ lục 345 euro/MWh.

Trong khi đó, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 3 tăng lên mức cao mới là 159,3 điểm. Các biện pháp trừng phạt giữa Mỹ, châu Âu và Nga đã khiến nguồn cung dầu khí sụt giảm và giá tăng mạnh. Căng thẳng địa chính trị và thiên tai đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, suy giảm tăng trưởng.

8. Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ

Ngày 8/11, cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng hàng loạt quan chức địa phương. Đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện với cách biệt mong manh, trong khi đảng Dân chủ củng cố quyền kiểm soát tại Thượng viện với 51 ghế.

Kiểm soát được Hạ viện, đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để tác động đến chương trình nghị sự của Tổng thống Biden. Nhưng việc đảng Dân chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện sẽ giúp hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Biden dễ dàng hơn, khi họ có khả năng thông qua các vấn đề tư pháp do ông Biden khởi xướng, cũng như bác các dự luật do Hạ viện thông qua.

9. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan

Căng thẳng ở eo biển Đài Loan tăng nhiệt khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất tới hòn đảo này trong 25 năm qua. Động thái này đã tạo ra những phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc, thậm chí quốc gia này đã đe dọa sử dụng "biện pháp quân sự" để ngăn bà Pelosi tới hòn đảo.

Được biết, chuyên cơ chở bà Pelosi tới Đài Loan tối 2/8/2022 trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều kỷ lục trên Flightradar24. Ít nhất 8 tiêm kích F-15 của Mỹ đã được triển khai từ căn cứ Kadena trong khi quân đội Trung Quốc cũng tiến hành loạt cuộc tập trận lớn kỷ lục quanh đảo Đài Loan.

10. Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát

Ngày 8/7, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị ám sát khi phát biểu trước nhà ga ở tỉnh Nara. Nghi phạm là Tetsuya Yamagami, một cựu quân nhân, đã trà trộn vào đám đông, bắn hai phát súng tự chế từ phía sau, khiến cựu Thủ tướng Nhật mất nhiều máu và qua đời ở tuổi 67.

Vụ ám sát đã bộc lộ những "lỗ hổng không thể chối cãi" trong công tác bảo vệ yếu nhân của cảnh sát Nhật, buộc chính phủ phải tăng cường an ninh cho các bộ trưởng và chính trị gia cấp cao. Nhật Bản đã tiến hành tổ chức quốc tang cho ông Abe ngày 27/9/2022 tại Tokyo.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Top 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022 tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714763054 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714763054 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10