"2018 là năm của cải cách thể chế"

Diendandoanhnghiep.vn Đăng đàn tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, năm 2018 là năm của cải cách thể chế.

 

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội thảo này.

"Năm 2018 là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý:

Những con số về phát triển kinh tế ấn tượng: Mức tăng trưởng GDP đạt 7,08% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua; Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; Hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%…

Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những chính sách, chỉ đạo đúng đắn và phát huy hiệu quả của Chính phủ của thời gian qua, cũng cho thấy thách thức trong thời gian để giữ vững và đạt được thành tích tốt hơn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, năm 2018 được coi là năm của cải cách thể chế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, năm 2018 đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP và hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, dự báo sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới. Cộng đồng kinh doanh sẽ có những cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này bắt đầu phát sinh hiệu lực ở nước ta, nhất là khi các cam kết bắt đầu được nội luật hóa;

Thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hoá, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh trong nền kinh tế (ví dụ: xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới trong các lĩnh vực vận tải; phát thanh truyền hình; lưu trú du lịch, …). Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi chúng ta vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý các hoạt động kinh doanh hiện tại. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại.

Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018.

Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018 thu hút sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, luật sư...

Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh:

Từ những chỉ đạo:

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ: Ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP đã yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính …; Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2018 tiếp tục đặt ra yêu cầu về cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thực chất danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Nghị quyết 01, các mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đến những giám sát và thúc đẩy hành động:

Để thúc đẩy hoàn thành những mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt:

Hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh của các Bộ: Đầu năm 2018, các Bộ đã tiến hành rà soát, lập các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và chủ trì soạn thảo ban hành các Nghị định để hiện thực hóa Phương án cắt giảm. Theo thống kê thì tổng số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm đều vượt quá 50%. Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm lớn từ phía các cơ quan quản lý. Môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính của các Bộ: Bên cạnh hành động về cắt giảm điều kiện kinh doanh thì các hoạt động cải cách thủ tục hành chính cũng được thúc đẩy. Tương ứng với các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản thì các thủ tục hành chính cũng được đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các Bộ đã có những nỗ lực lớn trong cải thiện từ phương thức thực hiện thủ tục (thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo cơ chế một cửa, chỉ cần đến nộp hô sơ và nhận hồ sơ ở một nơi) đến đơn giản hóa các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ (nhiều Bộ đã sửa đổi những văn bản về hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hồ sơ, hoặc tính chất của hồ sơ) hay thay đổi hẳn về tư duy quản lý (chuyển từ tiền kiệm sang hậu kiểm đối với một số thủ tục hành chính – từ trước đến nay tưởng như khó thay đổi được, ví dụ như trong lĩnh vực quản lý về an toàn thực phẩm) dẫn tới những chuyển biến về thủ tục hành chính; …

Cải cách về thủ tục chuyên ngành cũng có những bước chuyển đáng ghi nhận: ví dụ như thu hẹp Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành; tạo cơ chế để tư nhân có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kết nối thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, …

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với từng Bộ, địa phương để giám sát cũng như thúc đẩy các hoạt động cải cách về chính sách cũng như thực thi.

Có thể cho rằng, năm 2018 vừa qua là một năm mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những chuyển mình rất tích cực, có những bước đột phá về tư duy quản lý và môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta cũng thuận lợi lên một cách đáng kể.

Thách thức đang tồn tại

Trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, những chuyển động về chính sách của năm 2018 vừa qua vẫn cho thấy thách thức:

  • Tính thực chất của các hoạt động cải cách:

Đây là câu hỏi đặt ra khi nhìn vào các hoạt động rà soát về điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành diễn ra thời gian qua. Mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ:

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh: Mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng vẫn thấy tính hình thức, đối phó trong đó. Ví dụ: có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ (yêu cầu phương án kinh doanh từ có 04 nội dung còn 02 nội dung); nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này; …

Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động rà soát này còn có nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chính vì vậy nhiều điều chỉnh, sửa đổi về điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực sự theo nguyện vọng của cộng đồng kinh doanh

Những văn bản được ban hành trong năm 2018 lại tồn tại rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách (thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài, phương thức thực hiện vẫn là truyền thống);

Việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm (tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia , dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục, tuy nhiên trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy); …

Việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành, Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với một số loại sản phẩm hàng hóa – mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được;

Ngay cả khi đã chỉ định cho tư nhân tham gia vào hoạt động này thì cơ chế chỉ định vẫn còn nhiều vấn đề (chưa tạo ra cơ chế bình đẳng, việc chỉ định dễ tạo ra cơ chế độc quyền cho một số doanh nghiệp);

Việc rà soát cắt giảm về Danh mục, hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành còn chưa đồng bộ, điều này xuất phát từ việc thiếu một tiêu chí thống nhất trong việc rà soát để loại bỏ/giữ lại các loại hàng hóa này.

Tư duy quản lý vẫn đặt ra nhiều điều quan ngại

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Với thế giới phẳng như hiện nay thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với làn sóng phát triển công nghệ, trong đó sẽ xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, rất khác với phương thức truyền thống đang diễn ra.

Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những phương thức kinh doanh này bắt đầu xâm lấn vào nền kinh tế, ví dụ: kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; các dịch vụ cung cấp nghe nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình trên internet; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội … Chính điều này, khiến chúng ta nhìn lại các chính sách quản lý hiện tại và quan sát cách hành xử của cơ quan quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới này.

Việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng. Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh (cả cũ lẫn mới) phát triển. Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này.

Một năm 2018 đã qua đi với những dấu ấn đậm nét về sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với nó là các chuyển động chính sách với hàng loạt chính sách pháp luật quan trọng ra đời trong thời gian qua.

Mặc dù năm 2018, chúng ta đã có những chuyển động chính sách rất tích cực, thể hiện những nỗ lực vượt bậc của cơ quan quản lý nhà nước trong cải thiện môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về điều đó. Nhưng, trong những chính sách hiện tại, đặc biệt về tư duy quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới, vẫn có rất nhiều rào cản. Điều này khiến cho niềm tin của các doanh nghiệp trở nên suy giảm.

Hội thảo ngày hôm nay, thông qua việc nhìn lại những chuyển động chính sách trong năm vừa qua, bên cạnh sự hoanh nghênh những động thái tích cực từ cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đặt ra các kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới: Các rào cản về môi trường kinh doanh tiếp tục được tháo bỏ (bỏ những cái đang cản trở; tạo điều kiện cho những cái mới, tạo môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng công nghệ phát triển); Các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn. Nhất là khi, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết có tính chất “xương sống” trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm được xem là “bản lề” này".

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "2018 là năm của cải cách thể chế" tại chuyên mục VCCI của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714157116 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714157116 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10