“Xanh hóa” để gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Diendandoanhnghiep.vn Trước các dự báo khó khăn, để có thể gia tăng xuất khẩu các loại hàng hóa sang Hoa kỳ trong năm 2024, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cấp mình theo xu thế xanh.

>> Tôm nước ấm Việt sang Hoa Kỳ bị điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp cần làm gì?

Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại với Hoa Kỳ ước tính xuất siêu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việc cải thiện tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu ở thị trường này thể hiện rõ nhất trong tháng đầu của năm nay khi tăng 64% so cùng kỳ năm trước, nhờ lực kéo từ các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… Trong đó, riêng tháng 1/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu mây, tre, cói và thảm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với tháng 1/2023, chiếm tỷ trọng 39,2%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD - Ảnh minh họa

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD - Ảnh minh họa

Tương tự với ngành Gỗ, thị trường đã phục hồi, tỷ lệ hàng tồn kho tại Hoa Kỳ giảm dần, góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng sản phẩm này vào thị trường này trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2023 giảm gần 15%. Nhưng bước sang năm 2024, đà tăng trưởng đã quay trở lại, cho thấy nhu cầu đã phục hồi. Hơn nữa, trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực, không gian để các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng hợp tác…

Đặc biệt, nhiều chính sách của Hoa Kỳ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Nổi bật là chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động xuất khẩu sang thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng vệ thương mại, cùng với cơ chế điều chỉnh carbon sẽ được Hoa Kỳ áp dụng xuyên biên giới sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

>> Trung Quốc dừng nhập tôm hùm Việt: Tìm cách mở "đường mới"

Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, theo chuyên gia,

Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cấp mình theo xu thế xanh - Ảnh minh họa

Cụ thể, mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024. Việc điều tra của DOC đối với mặt hàng này sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của tủ gỗ của Việt Nam.

Tương tự với mặt hàng nông lâm thủy sản, tính tới 15/1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Hoa Kỳ, mới đây đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Dù chưa rõ kết quả, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ là nước đã điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (cả phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế, tự vệ). Thêm vào đó, Hải quan Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khởi xướng và áp thuế tạm thời một số mặt hàng của Việt Nam với lý do lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (bên cạnh việc tăng cường áp dụng Đạo luật cưỡng bức).

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành hàng luật các thay đổi trong điều tra phòng vệ thương mại với xu hướng ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp và có khả năng tăng mức thuế trong tương lai.

Trước thực trạng nêu trên, để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục cải thiện, chuẩn bị nhiều hơn nữa nhằm tận dụng tốt các cơ hội được mở ra trong xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam cần được nâng cấp mình theo xu thế xanh.

Xoay quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, nhiều chính sách của Hoa Kỳ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Song hành với các cơ hội đang mở ra là không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp.

“Thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng các quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng những mặt hàng có yếu tố xanh, ít ảnh hưởng tới môi trường”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Đồng quan điểm đã nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

“Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, theo các chuyên gia, Hoa Kỳ không phải là một thị trường mà là đa dạng hóa thị trường, bởi tại đây có tới 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại có khác biệt về địa lý, thời tiết, văn hóa cũng như tập tục thương mại… Do đó, doanh nghiệp cần xác định hàng hóa của mình sẽ bán vào tiểu bang nào và tìm hiểu các thông tin cụ thể về tiểu bang đó.

Mặt khác, tại thị trường Hoa Kỳ luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng thuận lợi là quy định pháp lý rất rõ ràng, minh bạch, có thể dễ dàng tra cứu thông tin và pháp luật tại đây cũng rất nghiêm minh. Dù vậy, trước khi xuất hàng qua Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ các quy định về pháp lý tại đây, bao gồm quy định hải quan, xác định đúng HS code, C/O để tránh những hệ lụy về sau. Rào cản phi thuế quan cũng là điều các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Xanh hóa” để gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714374965 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714374965 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10