10 sự kiện nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019

Diendandoanhnghiep.vn Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm 2020, báo Diễn đàn Doanh nghiệp điểm lại 10 sự kiện nổi bật của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2019.

1- Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

Luật Chứng khoán (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2019. Theo đó, Luật đã đặt ra những tiêu chí cao hơn cho các thành viên tham gia thị trường như nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng. Đặc biệt, Luật đã làm rõ điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán thêm ra công chúng, đồng thời khuyến khích nâng cao chất lượng quản trị của công ty, tăng mức phạt trong trường hợp vi phạm hành chính và hướng tới thành lập Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Luật Chứng khoán sửa đổi đã tiếp cận chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của TTCK Việt Nam và khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán năm 2010.

2- Phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN6. Đồng thời, trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.

3- Bộ 3 chỉ số mới chính thức được vận hành

Công bố bộ ba chỉ số mới trên sàn HOSE

Bộ chỉ số Vietnam Leading Financial Index trên sàn HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đã chính thức triển khai 3 bộ chỉ số mới từ ngày 18/11/2019, bao gồm Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFINSELECT) và Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND). Giới đầu tư cho biết, với sự ra mắt các chỉ số mới này, sàn HOSE đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây là bộ chỉ số mới được HoSE xây dựng với mục đích cụ thể là đầu tư, do Hội đồng chỉ số đầu tư quản lý và phục vụ trực tiếp nhu cầu của các quỹ đầu tư. Theo đó, các quỹ có thể sử dụng chỉ số làm tham chiếu để mô phỏng.

Đối với VN DIAMOND, chỉ số tập trung vào các cổ phiếu hết room với các điều kiện vốn hóa từ 2.000 tỷ đồng trở lên, giá trị giao dịch khớp lệnh lớn hơn hoặc bằng 5 tỷ đồng/phiên, tỷ lệ nắm giữ/giới hạn nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) cao nhất, tỷ trọng tối đa với cổ phiếu đơn lẻ là 15% (với nhóm cổ phiếu cùng ngành là 40%).

4- BIDV chào bán cổ phần cho đối tác ngoại Hàn Quốc

BIDV là cổ phiếu duy nhất niêm yết trên sàn chào bán cổ phần cho đối tác ngoại cổ

BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank số lượng 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV.

Hội đồng Quản trị BIDV đã công bố Nghị quyết số 696/NQ-BIDV về giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank. Theo đó, BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank số lượng 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295.103.029.840 đồng.

Như vậy, sau khi phát hành cho đối tác nêu trên, vốn Nhà nước tại BIDV giảm còn trên 80% vốn điều lệ từ mức 95,28%.

Đóng cửa ngày giao dịch 29/12, giá cổ phiếu BID chốt phiên ở mức 46.60 đồng/cp, tăng 7,3% so với mức giá dự kiến bán cho đối tác KEB Hana Bank. So với hồi tháng 7, cổ phiếu BID đã tăng tới 15%. BIDV là ngân hàng thứ 3 trong số 4 "ông lớn" ngân hàng do Nhà nước chi phối vốn có cổ đông chiến lược nước ngoài sau hơn 4 năm tìm kiếm, đàm phán với khá nhiều đối tác.

5- Làn sóng đổ bộ các Công ty Chứng khoán Hàn Quốc

Công ty CK

Công ty Chứng khoán Mirae Asset-Hàn Quốc vượt qua SSI trở thành Công ty chứng khoán có vốn lớn nhất thị trường

Năm 2019, các nhà đầu tư đã chứng kiến làn sóng đổ bộ của các công ty chứng khoán Hàn Quốc vào Việt Nam, trong đó đáng chú ý là Hanwha mua lại Công ty Chứng khoán HFT và đổi tên thành Pinetree; JB Financial Group chuẩn bị mua lại Công ty Chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS). Ngoài ra, Mirae Asset tăng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng, vượt qua SSI trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán Hàn Quốc khác, như KBSV, KIS…cũng có dư nợ cho vay margin ngang ngửa với các Công ty chứng khoán lớn trong nước như VNDirect, MBS, VCSC…

Trong năm 2019, đồng KRW của Hàn Quốc đã mất giá 8,2% so với USD, trong khi tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi. Việc đồng KRW suy yếu đã khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn, trong đó có thị trường Việt Nam.

Một yếu tố khác khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam phải kể tới lãi suất. Nếu như lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, chỉ khoảng 1,5% thì lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 7- 8%/năm, trong khi lãi suất cho vay margin tại các Công ty chứng khoán dao động từ 12 – 14%/năm. 

6- "Bùng nổ" thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng dẫn đầu phát hành thị trường trái phiếu doanh nghiêp

Ngân hàng dẫn đầu phát hành thị trường trái phiếu doanh nghiêp

Năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ. Lượng phát hành 11 tháng đầu năm đã vượt tổng lượng phát hành cả năm 2018 đến 5,8%, đạt 237 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương Mại (NHTM) và doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với tổng lượng TPDN đạt 94 ngàn tỷ đồng và 71 ngàn tỷ đồng.

Kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường lần lượt là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng nhưng vẫn thấp hơn nhóm các doanh nghiệp khác (10,49%) do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Nghị định số 163/CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ Việt Nam ban hành. Đây được xem là nhân tố thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khi nới lỏng điều kiện phát hành, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch khi phát hành.

7- Lần đầu tiên đưa chứng quyền vào giao dịch

Đưa sản phẩm chứng quyền vào hoạt động

Đưa sản phẩm chứng quyền vào giao dịch

Sau gần 2 năm “thai nghén”, vào cuối tháng 6/2019 thị trường chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) chính thức được HOSE đưa vào vận hành. Đây là sản phẩm phái sinh đầu tiên trên thị trường Việt Nam dựa trên quyền chọn mua cổ phiếu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

CW là sản phẩm do các công ty chứng khoán phát hành, có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở và luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ.

Theo đánh giá của đại diện một tổ chức đầu tư, sự hiện diện của CW, cùng với cổ phiếu, hợp đồng tương lai, sẽ góp phần hoàn thiện dần các sản phẩm, dịch vụ trên TTCK, giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư, phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều biến động. Đặc biệt, đây cũng là một trong những điều kiện để Việt Nam thực sự đáp ứng được các chuẩn mực nâng hạng lên thị trường mới nổi.

8- Đưa Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vào hoạt động

Lần đầu tiên Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được đưa vào giao dịch

Lần đầu tiên Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được đưa vào giao dịch

Ngày 4/7/2019, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Tài chính đã tổ chức lễ khai trương giao dịch Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ. Theo lãnh đạo HNX, việc xây dựng sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ nằm trong đề án phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sản phẩm phái sinh được lựa chọn ra mắt thị trường lần này là Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ có tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.

Sản phẩm này được triển khai sau khi các cơ quan quản lý thị trường đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu, trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm quốc tế tại các thị trường chứng khoán phái sinh phát triển trên thế giới, kinh nghiệm từ việc triển khai sản phẩm phái sinh đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời lắng nghe ý kiến tham vấn của các thành viên thị trường.

Việc ra mắt sản phẩm thứ hai trên thị trường chứng khoán phái sinh là Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm là bước phát triển tiếp theo nhằm hoàn thiện cơ cấu sản phẩm cho thị trường chứng khoán phái sinh, hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường Trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam.

9- Lần đầu tiên khởi tố hình sự vụ án liên quan mua bán chứng khoán

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán của bà Phạm Thị Hinh – nguyên Chủ tịch HĐQT của Khoáng sản Bình Thuận (KSA).

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với bà Phạm Thị Hinh – nguyên Chủ tịch HĐQT của Khoáng sản Bình Thuận (KSA).

Trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện và xử phạt 9 vụ thao túng cổ phiếu với tổng số tiền phạt là 4,5 tỷ đồng, trong đó có trường hợp phải truy tố hình sự của bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT của Khoáng sản Bình Thuận (KSA).

Cụ thể, để tăng giá, thanh khoản cổ phiếu KSA, bà Hinh đã chỉ đạo nhân viên lập ra 69 tài khoản để thực hiện giao dịch chéo, liên tục thực hiện việc mua bán, tạo thị trường giả để thu hút các nhà đầu tư.

Thông thường, đối với các trường hợp thao túng giá chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên do mức độ nghiêm trọng của sự việc, bà Hinh và đồng phạm đã bị khởi tố hình sự với hình phạt có thể lên đến 12 năm tù (khoản 2 điều 221 Luật hình sự 2015).

10- Loại bỏ mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán

Thông tư 128/2018/TT-BTC đã loại bỏ mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán

Thông tư 128/2018/TT-BTC đã loại bỏ mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán

Từ ngày 15/02, Thông tư số 128/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực. Theo đó, mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán được loại bỏ (trước đây 0,15% giá trị giao dịch), đồng thời giữ nguyên mức trần là 0,5%. Điều này gián tiếp thúc đẩy việc cạnh tranh về giá giữa các công ty chứng khoán, giúp gia tăng quyền lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Thông tư số 128/2018/TT-BTC cũng đặt mức trần 2,0% cho phí quản lý quỹ. Trong bối cảnh nhiều công ty Quản lý quỹ hoạt động chưa hiệu quả, tận thu phí 4- 5%, thì việc hạn chế mức phí tối đa 2% giúp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714105095 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714105095 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10