Cần coi tự tử như một vấn đề y tế cộng đồng

Diendandoanhnghiep.vn Khi tự tử trở thành một vấn nạn, cần coi chúng như một vấn đề y tế công cộng chứ không còn là câu chuyện riêng của từng gia đình nữa.

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Ý nghĩ con cái chết vì tự tử là điều không thể tưởng tượng nổi trong tâm thức của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng luôn có một số lượng đáng kể những đứa trẻ đang suy nghĩ nghiêm túc hoặc có ý định tự tử.

Trong thời gian qua, chúng ta liên tiếp chứng kiến các vụ tự tử đau lòng. Mới nhất là vụ việc học sinh lớp 9 tại Quận Thanh Xuân cố thủ trong phòng với ý định tự tự khiến cho đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải đu dây từ tầng 20 xuống để kịp thời ngăn chặn.

Cảnh sát giải cứu nam sinh có ý định nhảy lầu tự tử.

Cảnh sát giải cứu nam sinh có ý định nhảy lầu tự tử ngày 12/04/2022

Vậy tại sao một đứa trẻ lại có ý định tự tử?

Đây không phải câu hỏi dễ trả lời vì động cơ dẫn đến hành động tự tử có thể bao gồm việc bị bắt nạt, quấy rối tình dục, bỏ mặc hoặc lạm dụng thể chất. Có thể đứa trẻ bị cô lập về mặt xã hội và đã vật lộn với trầm cảm, hoặc chứng rối loạn lưỡng cực. Có thể chúng đã rất căng thẳng, buồn bã và tức giận sau một giai đoạn khủng hoảng xã hội như đại dịch COVID-19, nó khiến chúng với đối diện với các sự kiện tiêu cực như người thân mất đi, hôn nhân của cha mẹ trục trặc, gia đình đang khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bản thân chúng là nạn nhân hoặc chứng kiến bạo hành gia đình khiến các em nghĩ tới tự tử như một cách giải thoát.

Đặc điểm tâm sinh lý tuổi vị thành niên cũng khiến người trẻ đặc biệt nhạy cảm với những tổn thương. Và sự nhạy cảm, định kiến quá mức với cái gọi là “thể diện” khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống chứ không chấp nhận sự chối bỏ hay chê bai của người khác. Rồi xu hướng nhận thức cầu toàn và thái cực kiểu “thế giới hoặc là màu đen hoặc là màu hồng”, “tôi hoặc là người thành công hoặc là kẻ thất bại” khiến cho các em trở nên dễ thất vọng khi phát hiện ra những khiếm khuyết nhỏ hoặc thất bại. Lúc này, niềm tin sụp đổ, nhìn về tương lai đầy bi quan. Khi đó, cùng với tính cách bốc đồng, thiếu kỹ năng để quản lý cảm xúc, các em rất dễ dàng xuất hiện những hành vi xung động tự làm hại bản thân mình.

Mặc dầu ý tưởng tự sát có thể xảy ra trong suốt cuộc đời nhưng thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn vị thành niên và thanh niên. Nhiều cha mẹ không tin rằng trẻ dưới 12 tuổi có ý tưởng tự tử nhưng trên thực tế là có. Đặc biệt trẻ 10, 11 tuổi bước vào giai đoạn dậy thì và bỗng phát hiện ra mình là người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ thì nguy cơ tự sát sẽ cao lên rất nhiều.

Nguy cơ luôn có, và vấn đề là cha mẹ cần được nâng cao nhận thức để nhận diện những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ. Ở trẻ em, tùy theo độ tuổi, những dấu hiệu cảnh báo này có thể khác tùy theo tính cách, sự trưởng thành của từng đứa trẻ.

Tựu chung lại sẽ có những thay đổi đột ngột trong hành vi như khó tập trung ở trường, đột ngột rút lui khỏi các hoạt động sở thích, đột ngột ngắt kết nối với bạn bè, bắt đầu thể hiện sự liều lĩnh bất cần như sử dụng chất kích thích, quan hệ tình dục hoặc lái xe nguy hiểm.

Trẻ có thể thay đổi tâm trạng thể hiện qua việc cáu kỉnh, buồn bã, lo lắng, bồn chồn hoặc giận dữ quá mức về một điều bình thường. Điều này chứng tỏ các em đang phải vật lộn với những cảm xúc nghiệm trọng hoặc những thách thức về sức khỏe tâm thần.

Lực lượng chức năng trục vớt thi thể nữ sinh cấp 3 tử vong dưới đập thủy lợi - Ảnh: V.S.

Lực lượng chức năng trục vớt thi thể nữ sinh cấp 3 tử vong nghi tự tử dưới đập thủy lợi, chiều 12/04/2022 - Ảnh: V.S.

Một dấu hiệu khác là trẻ thay đổi lịch ngủ, mất cảm giác thèm ăn, giảm năng lượng, mệt mỏi vào ban ngày hoặc gặp ác mộng thường xuyên. Nó có thể vừa là dấu hiệu của một bệnh tâm thần khác và là dấu hiệu cảnh báo tự tử.

Các em cũng có thể bắt đầu “bóng gió” về cái chết, về sự ra đi. Mặc dầu không phải đứa trẻ nào bóng gió về cái chết cũng định làm hại bản thân nhưng đã là nguy cơ thì cha mẹ phải ngồi xuống nói chuyện. Không nên hoảng sợ và né tránh về việc này vì nó sẽ khiến cho các em nghĩ rằng “à thế là chẳng ai quan tâm nếu tôi rời khỏi thế giới này đâu”.

Vì vậy, nếu đứa trẻ bóng gió về cái chết hay tâm sự rằng chúng đang nghĩ đến việc làm tổn thương chính mình theo một cách nào đó thì cha mẹ luôn cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và tìm cách đáp lời một cách thích hợp. Thông thường bố mẹ cảm thấy rất khó chịu khi nghe thấy điều này và thường lên giọng chỉ trích như “làm gì mà chán”, “tại sao lại nói ra lời kinh khủng như thế” hoặc thậm chí còn thách thức “ thử xem có chết được không nào”. Đó sẽ là những giọt nước làm tràn ly.

Thay vì thế hãy thể hiện sự cảm thông và lòng trắc ẩn ví dụ như “xin lỗi vì con đã trải qua những cảm xúc như vậy, có chuyện gì đã xảy ra khiến con có cảm xúc như thế sao”; “có thể mẹ không hiểu chính xác những gì con cảm thấy nhưng cách tốt nhất để mẹ giúp con là gì”; “hãy nhớ là con không cô đơn trong việc này, luôn có bố mẹ bên cạnh, con rất quan trọng với bố mẹ”; “ con có thể không tin đâu nhưng thật sự là cảm giác của chúng ta có thể sẽ thay đổi chỉ trong vài giờ thôi con ạ”. Tất nhiên, cha mẹ có thể đã hết lòng với con cái nhưng vẫn không thể hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm trí chúng. Nên thời gian này, cha mẹ hãy luôn ở bên, đừng để con một mình, hãy kiểm soát chặt những đồ vật hoặc bối cảnh nguy hiểm có thể sử dụng để gây hại và thuyết phục con tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.

Trong khi đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong xã hội tốt hơn và đáp ứng với nguy cơ tự tử (với giá cả phải chăng). Khi tự tử trở thành một vấn nạn, cần coi chúng như một vấn đề y tế công cộng chứ không còn là câu chuyện riêng của từng gia đình nữa. Theo đó, chúng ta cũng cần quản lý tốt hơn các phương tiện tiếp cận tự tử ví dụ như kiểm soát chặt việc tiếp cận thuốc trừ sâu, các loại chất cấm, hạn chế tuổi mua bán các loại dao, làm thêm các thanh chắn trên cầu để ngăn các vụ việc nhảy cầu hoặc nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế các chung cư để hạn chế việc nhảy lầu. Các chương trình giáo dục nâng cao sức khỏe tâm thần và phòng chống tự tử phải được truyền thông đến phụ huynh và đưa vào các chương trình giáo dục nhà trường một cách phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các đường dây nóng chuyên hỗ trợ tự sát để hỗ trợ kịp thời cho các em.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cần coi tự tử như một vấn đề y tế cộng đồng tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714864788 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714864788 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10