Việt Nam và Pháp đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Paris.
Được biết, các thỏa thuận được ký kết thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, cùng biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh, nhân dạng kỹ thuật số và an ninh mạng, hàng không.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways và Safran đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng giá trị 2 tỷ Euro về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của hãng. Trong khi đó, Tập đoàn Thales và VNPT cũng ký biên bản ghi nhớ, trong đó nội dung chính sẽ được nghiên cứu là vệ tinh viễn thông, bao gồm công nghệ vệ tinh viễn thông, sứ mệnh và các ứng dụng mới từ 5G cho kết nối hàng không và hàng hải.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex, Pháp tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam 970.000 liều vaccine COVID-19 qua cơ chế COVAX và 400.000 liều vaccine qua kênh song phương, nâng tổng số vaccine hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.
Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19; mong muốn Pháp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đào tạo nhân lực ngành y, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thích nghi với bối cảnh hậu COVID-19.
Hai bên đã thống nhất triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; đề xuất biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không - vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số...
Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 4,81 tỷ USD, giảm 10% so với 5,3 tỷ USD năm 2019. Tính đến tháng 7 năm nay, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.
Thủ tướng Pháp đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư cũng như thực hiện các dự án hợp tác tại Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; thúc đẩy quan hệ giữa các cơ quan Quốc hội hai nước; đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu, khoa học công nghệ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Viện Pháp tại Việt Nam.
Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo thống nhất triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; đề xuất biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không - vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số...
Hoan nghênh và ghi nhận những đề nghị của Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả từ phía Pháp, cảm ơn Pháp tiếp tục duy trì mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức cũng như nguồn tài chính ưu đãi cho Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị Pháp duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các dự án về y tế; tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo trong đó có việc tăng cường giảng dạy tiếng Pháp, mong muốn Pháp tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, sinh viên trao đổi, học tập, nghiên cứu tại Pháp, tăng số lượng học bổng.
Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh các quốc gia cần đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Năm 2023 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, hai Thủ tướng nhất trí cùng xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt - Pháp phát triển lên tầm cao mới, theo đó tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại; mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đồng thời =, hai bên nhất trí tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; tăng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp nhằm tạo cơ hội mở rộng giao lưu nhân dân hai nước, tăng cường hợp tác giữa các địa phương. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt - Pháp lần thứ XII tại Hà Nội vào năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Thương mại Việt - Pháp: Những con số lạc quan
06:00, 29/09/2021
Việt - Pháp hợp tác chuyển đổi các-bon thấp với các công trình tòa nhà
11:19, 10/08/2021
Giải quyết những mâu thuẫn đến từ khác biệt văn hóa trong đàm phán thương mại Việt - Pháp
17:05, 06/12/2018
Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26
13:25, 02/11/2021