Một trong những nguyên nhân chính là nhờ tận dụng tốt “không gian thương mại” thuận lợi từ EVFTA.
Tổng kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pháp trong 5 tháng năm 2021 đạt hơn 2,21 tỷ euro, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Con số rất ý nghĩa trong bối cảnh châu Âu chưa thể thoát khỏi "bóng ma" COVID-19.
Đóng góp lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng là giày dép, máy móc thiết bị viễn thông và quần áo thể thao. Nhìn tổng thể, Việt Nam là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Pháp ở khu vực ASEAN.
Một trong những nguyên nhân chính là nhờ tận dụng tốt “không gian thương mại” thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), một trong những cam kết thương mại toàn diện và thực chất nhất từ trước đến nay.
Cũng cần phải nói rằng, Pháp nói riêng và EU nói chung rất coi trọng EVFTA, cửa ngỏ để khối này tăng cường hiện diện thương mại và nhiều tính toán khác tại châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, đặc điểm nền kinh tế và nhân khẩu học Việt Nam có thể đóng vai trò là công xưởng sản xuất, cung ứng hàng hóa cho EU.
Nói cách khác, EVFTA không phải là Hiệp định thuần túy ngoại giao, hoặc hướng đến mục đích chính trị như một số trường hợp đã xảy ra, hoạt động bất công bằng, hoặc nhiều điều khoản bị “đóng băng” không thể triển khai.
Quan hệ thương mại Việt - Pháp cũng có nét đặc trưng riêng, ngoài mối liên hệ lịch sử thì hai nước không gặp nhiều trở ngại trên con đường xây dựng, nâng cấp quan hệ.
Mối quan hệ đã có lịch sử truyền thống lâu dài với nền tảng 50 năm quan hệ ngoại giao, 7 năm quan hệ chiến lược; trong đó quan hệ kinh tế là trụ cột. Đến nay Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Từ 2009 đến nay giá trị thương mại song phương tăng 3 lần.
Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy sau biến cố thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh COVID-19, các nước châu Âu bắt đầu có xu hướng kết hợp với doanh nghiệp sở tại để dựng lên chuỗi cung ứng mới.
Việt Nam hiện nay là mắt xích quan trọng ở châu Á, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tất nhiên, lợi thế này gián tiếp thúc đẩy thương mại song phương.
Về mặt kỹ thuật, những nhóm hàng “đầu tàu” vào Pháp đều mang tính truyền thống, thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, càng được kích thích khi châu Âu đang trải qua khoảng thời gian kinh hoàng, hoạt động sản xuất chưa phục hồi hết.
Trung Quốc - công xưởng thế giới chưa hoạt động hết 100% công suất, khủng hoảng tắc nghẽn logistics ở những cảng biến lớn nhất từ đầu năm đến nay đã làm nản lòng các nhà xuất khẩu khổng lồ ở Trung Quốc đại lục, cũng như Ấn Độ, và các nước Đông Nam Á, Mỹ Latin. Như vậy, cơ hội đã đến với hàng Việt.
Các trục thương mại toàn cầu đang biến chuyển sâu sắc, Mỹ - Trung, Trung - Úc, Trung - Ấn không còn mật thiết, các cường quốc bắt đầu xây dựng hệ thống mới, Mỹ, Âu lấy Đông Nam Á làm trọng tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á, Trung Quốc cũng phải thiết kế lại chính sách ngoại thương để tạo niềm tin.
Nhìn chung cơ hội mới sẽ đến nhiều hơn đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Cố nhiên, vấn đề lớn nhất là tự điều chỉnh để phù hợp với khuôn khổ mới.
Có thể bạn quan tâm