Dự thảo Luật Cư trú: Bước tiến mới trong quản lý cư dân

Diendandoanhnghiep.vn Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định những thay đổi của Dự thảo Luật Cư trú lần này sẽ là bước tiến lớn trong quản lý cư dân.

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo lần hai Luật Cư trú năm 2020, thay thế cho Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi và bổ sung năm 2013. Theo đó, Dự thảo Luật đã bỏ quy định về sổ hộ khẩu, bãi bỏ 13 nhóm thủ tục liên quan đến đăng ký thường trú, tạm trú.

Xung quanh vấn đề này Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của Dự thảo lần này?

Nội dung thay đổi đáng chú ý nhất của Dự thảo là việc bãi bỏ các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú tồn tại nhiều năm nay.

Những thay đổi của Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) lần này đang nhận được các phản ứng tích cực của số đông người dân và các cơ quan quản lý vì tính tiện ích và thuận lợi của nó.

Thứ nhất, về việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Hình thức này đã và đang được áp dụng bởi rất nhiều các quốc gia phát triển và nó đang phát huy tính hiệu quả của mình.

Khi mà người dân thay vì phải đăng ký sổ hộ khẩu, sổ tạm trú gây phiền hà và tốn thời gian mỗi khi bị mất hay muốn thay đổi thông tin thì họ chỉ cần đăng ký, khai báo trên trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú.

Điều này giúp tiết kiệm thời gian mà lại vô cùng dễ dàng cho người dân nắm bắt các thủ tục nhanh và chính xác. Không chỉ người dân mà các cơ quan quản lý cũng được hưởng lợi ích từ những thay đổi này. Cơ sở dữ liệu có thể hỗ trợ họ lưu giữ các thông tin mà không lo thất lạc giấy tờ hay hỗ trợ họ xử lý các thủ tục một cách đơn giản hơn.

Thứ hai, về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính bằng cách bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân. Điều này là vô cùng cần thiết khắc phục được tình trạng người dân phải mất nhiều ngày để hoàn thiện hồ sơ đăng ký và làm các thủ tục trên.

Thủ tục rườm rà có thể dẫn đến việc người dân không muốn khai báo hay đăng ký, tuân thủ các thủ tục gây cản trở trong công tác quản lý. Vì vậy, việc đơn giản hoá có ý nghĩa vô cùng lớn giúp người dân tự giác khai báo cũng như giúp cơ quan quản lý bớt đi những thủ tục rườm rà, chồng chéo.

Có thể thấy, những thay đổi lần này thể hiện được việc Nhà được đang quan tâm và bắt kịp với xu hướng khi mọi thứ đang được đơn giản hoá và được hỗ trợ bởi những phần mềm dữ liệu tiện ích.

-Vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu thì Nhà nước sẽ quản lí dân cư theo cách nào, thưa luật sư?

Như dự thảo Luật sửa đổi lần này đã thể chế hoá việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú. Vì vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu thì nhà nước sẽ quản lí dân cư bằng các số định danh được cấp cho mỗi người trên trang cở sở dữ liệu quốc gia.

Việc quản lý dân cư bằng cách này đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chặt chẽ và khoa học tránh bị các lỗi không đáng có gây ảnh hưởng đến thông tin dữ liệu. Đồng thời phải giáo dục phổ biến cho người dân về cách khai báo, đăng ký trên trang web để mọi người dân, mọi lứa tuổi đều có thể cập nhật và nắm bắt.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn phải kết hợp các chuyên đề để rà soát các thông tin trên trang cơ sở dữ liệu đồng thời kiểm tra khu vực dân cư thuộc địa bàn quản lý của mình với các hình thức kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo,… và phạt nặng những đối tượng cố tình không khai báo sau khi đã đơn giản hoá các thủ tục.

-Nhưng nhiều luồng ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ rất khó cho công tác quản lý, dân cư sẽ tự do di chuyển về thành phố mà không thể kiểm soát được? 

Việc bỏ sổ hộ khẩu không những không làm khó cho công tác quản lý dân cư mà còn tăng hiệu quả và tính chính xác. Một điều cần phải xác định ở đây đó là bỏ sổ hộ khẩu không phải bỏ quản lý dân cư mà tạo thuận lợi cho cả người dân và Nhà nước quản lý hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, không thể có việc dân cư tự do di chuyển về thành phố mà không thể kiểm soát được bởi khi đã được đăng ký mã số định danh cá nhân thì thông tin của người đó về địa chỉ thường trú, nơi sinh sống hiện tại đã được tích hợp đầy đủ, thậm chí còn xuyên suốt từ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, nếu ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý thì chắc chắn cũng mang lại hiệu quả và tính chính xác cao hơn, tránh sự nhầm lẫn hoặc sai sót, giảm thủ tục hành chính và cả kinh phí thực hiện.

-Việc bỏ sổ hộ sẽ có tác động như thế nào thưa luật sư?

Việc bỏ sổ hộ khẩu không chỉ tác động tích cực đến cơ quan nhà nước mà còn đến cả phía người dân, Cụ thể:

Thứ nhất, đối với cơ quan nhà nước, sẽ tránh các thủ tục phức tạp như xin cấp sổ hộ khẩu, tách sổ hộ khẩu, thay đổi thông tin sổ hộ khẩu, …Theo thời gian, số lượng cư dân cũng sẽ ngày càng tăng, vậy nên nếu bỏ được những thủ tục này thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Đồng thời, việc quản lý của nhà nước sẽ xuyên suốt được bộ máy hành chính cả 3 cấp và trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi có trường hợp thay đổi về địa chỉ thường trú, tạm trú, các cơ quan hành chính có thể chủ động cập nhật đầy đủ và tính chính xác cao hơn.

Thứ hai, đối với người dân: Nhiều người hiện còn lo lắng bởi sổ hộ khẩu còn ảnh hưởng đến nhiều các giao dịch khác mua bán nhà, xe, chuyển quyền sử dụng đất, …Tuy nhiên,  khi công dân được cấp căn cước công dân có một số định danh cá nhân riêng thì khi tham gia các giao dịch hành chính thì cá nhân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân thay thế các loại giấy tờ cá nhân tùy thân khác mà vẫn đảm bảo tính đầy đủ.

Vậy nên việc bỏ sổ hộ khẩu cũng giúp tiết kiệm thời gian chi phí cho người dân, đồng thời tránh sự “quan nhiễu” khi phải đến các cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, công tác thay đổi toàn bộ này sẽ còn mang tính lâu dài và trước mắt chúng ta vẫn còn đang thực hiện những bước đầu, không thể khẳng định sẽ không xuất hiện những vấn đề phát sinh khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ cần ban hành các văn bản hướng dẫn khác để người dân hiểu hơn cũng như giúp công tác quản lý hiệu quả hơn.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Cư trú: Bước tiến mới trong quản lý cư dân tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714330394 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714330394 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10