Kích điện giun đất bán cho Trung Quốc: Ngăn chặn cách nào?

Diendandoanhnghiep.vn Việc kích điện bắt giun đất để bán cho thương lái Trung Quốc có thể khiến chúng ta đứng trước nguy cơ hủy hoại môi trường đất. 

>> Vì sao rừng vẫn bị tàn phá?

Tuần trước tôi có dịp về Kim Bôi - Hoà Bình thăm người bạn, tình cờ gặp mấy người lúi húi sử dụng kích điện ven con suối cạn với chiếc xô nhôm bên cạnh. Tôi không rõ là họ đang làm việc gì, nhưng khi nhìn thấy có người trên đường là họ lảng tráng với vẻ lén lút sợ sệt. Sau đọc báo tôi mới nhận ra đó chính là bọn “giun tặc” đang bị báo chí lên án gay gắt.

Máng chứa giun đất để mổ thịt tại lò sấy xã Tú Sơn (Kim Bôi).

Máng chứa giun đất để mổ thịt tại lò sấy xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hoà Bình). Ảnh: TTXVN

Tự dưng thấy có sự thương cảm khi thấy con giun đất hiền lành quanh năm đào đất mà nay bị luồng điện mạnh chích xuống phải đau đớn trồi lên mặt đất, rồi chịu cảnh mổ xác, xấy thân. Còn đâu như bác giun như trong  thơ “Đám ma bác giun” của Trần Đăng Khoa:

“Bác giun đào đất suốt ngày

Hôm nay chết dưới bóng cây sau nhà

Họ hàng nhà kiến kéo ra

Kiến con đi trước, kiến già theo sau…”

Bây giờ buồn thay không phải là kiến mà là người, con người đang dùng trí khôn của mình để tiêu diệt, tận diệt người bạn của đất, người bác sĩ của đất, giữ sức khoẻ cho đất chống đất không bị bí, chết ngạt, hỗ trợ quá trình hoà tan, thấm nước, trao đổi dinh dưỡng thông khí trong môi trường đất.

Người ta ví giun đất là bác thợ cày vĩ đại, là “lưỡi cày sinh học”, cần mẫn ngày đêm không ngừng nghỉ đào hầm, thông giếng cho đất thông thoáng, tơi xốp, giúp rễ cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng.

Giun ăn và phân huỷ các rác hữu cơ, phân giun tạo thành đất mùn, vi sinh vật phát triển thành thức ăn cho cây trồng. Chỉ cần 200 gam giun đất có thể phân huỷ xử lý tới 300 cân rác, giúp đất không bị ô nhiễm, đông cứng mà tơi xốp thông thoáng giàu dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển.

Con giun quan trọng với đất và các loại cây trồng, như con cá cần có nước, con chim cần có bầu trời. Vậy mà chỉ vì lợi ích trước mắt, người ta sẵn sàng ra tay huỷ hoại đất, tận diệt loài sinh vật có ích này với mục đích chỉ để kiếm ít tiền ngay trước mắt.

Việc sử dụng kích điện không chỉ làm chết giun mà còn làm chết cả trứng giun cùng các loại vi sinh vật sống trong đất. Việc sử dụng kích điện tràn lan, cùng các loại thức trừ sâu, bảo vệ thực vật từng làm tuyệt chủng các loại cá tôm ở ao hồ, kênh rạch thì nay đến loài giun cũng đang bị tấn công tận diệt một cách tàn bạo.

Con giun hiền lành chậm chạp không có chân để chạy, có tay để đỡ, chỉ cam phận chịu chết khi bị kích điện phải ngoi lên, nhất là những mảnh đất ẩm ven suối cạn dưới bóng, tán cây có nhiều lá rụng để cho giun tặc nhặt bắt, để lại đằng sau là mảnh đất cằn cỗi, thoái hoá rồi dần dần sẽ thành đất chết, không thể trồng trọt canh tác được.

Việc thao tác kích bắt giun lại hết sức đơn giản, cơ động. Chỉ cần cái bình tích điện như ắc quy của xe ô tô, bộ kích điện cùng dây dẫn là người ta có thể chọn khu đất cắm dây quây lại theo hình chữ nhật hay đường thẳng rồi nhấn nút phóng điện.

Nơi thu gom giun đất để mổ thịt. Ảnh: TTXVN

Nơi thu gom giun đất để mổ thịt. Ảnh: TTXVN

>> Sạt lở đất và lời cảnh báo từ thiên nhiên

Dòng điện chạy thẳng vào lòng đất sẽ kích ứng buộc giun phải ngoi lên, đất càng ẩm, tơi thì giun ngoi lên càng nhiều. Sau đó số giun này bị mổ ruột, sấy khô đem bán cho thương lái Trung Quốc, nghe nói làm thuốc chữa bệnh hay làm gì đó không rõ.

Có đến hàng chục lò sấy giun hoạt động ở khu vực huyện Kim Bôi, thành phẩm thì bán cho thương lái thuộc tỉnh Vĩnh Phúc với công suất mỗi lò một ngày tiêu thụ ba đến bốn tạ giun tươi. Với giá giun tươi là 65 ngàn/1 kg và tỉ lệ 10 kg giun tươi ra 01 kg giun khô có giá 800 ngàn đồng thì đây quả là con số thu nhập hấp dẫn ở vùng nông thôn, khiến người ta bấp chấp hậu quả để đi kích giun.

Đầu tư bộ kích giun chỉ tầm 5- 6 triệu với thu nhập 600 đến 700 ngàn/ngày thì chỉ vài ngày là thu đủ vốn và có lãi, nên dù nhiều chủ vườn cam thuộc Cao Phong canh giữ vườn, cấm việc kích giun, tự đặt luật phạt với thu bộ kích, phạt tiền, thả chó canh giữ, nhưng do tự phát nên chưa có tác dụng răn đe với “giun tặc”.

Chủ lò sấy giun thì trừ các chi phí cũng thu lãi tiền triệu một ngày nên họ tìm mọi cách trốn tránh, lén lút thu mua và thực hiện, cho dù việc rửa, mổ giun tốn nhiều nước và cũng xả thải gây ảnh hưởng tới môi trường.

Để chấm dứt ngay tình trạng “giun tặc” bảo vệ đất đai, bảo vệ người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực cần sự vào cuộc đồng bộ ngay, sự phối hợp của cảnh sát môi trường, đơn vị quản lý nông nghiệp và nông thôn, chính quyền địa phương ban hành ngay các lệnh cấm kích bắt giun đất trái phép, phải coi đây là tội phạm hình sự gây nguy hại đến môi trường.

Đồng thời, phải dẹp bỏ tất cả cơ sở sấy giun trái phép không được phép hoạt động, cấm buôn bán tàng trữ các máy móc thiết bị phục vụ cho việc kích giun.

Không có điểm thu mua, không có phương tiện tự khắc hành động kích giun này sẽ tự loại bỏ. Người dân sẽ chuyển hướng làm công việc khác thay vào việc tìm mọi cách để đối phó với nhau rồi đi kích giun trộm.

Hãy xử lý phần gốc thì phần ngọn tự sẽ tàn lụi, như lá cây rụng xuống có giun phân huỷ sẽ thành mùn tốt để nuôi cây, thay vì để người dân phải đi canh, đi cấm nhau trên chính đất quê hương. 

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kích điện giun đất bán cho Trung Quốc: Ngăn chặn cách nào? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714394805 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714394805 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10