Làm sao duy trì GDP luôn tăng trưởng cao, lạm phát thấp?

Diendandoanhnghiep.vn GDP tăng cao nhất trong 9 năm qua, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Làm sao có thể duy trì tiếp trong năm nay và những năm tiếp theo?

Trong giai đoạn trước, các chính sách kích cầu trong các năm 2009-2010 không đạt hiệu quả như mong đợi khiến lạm phát tăng cao trở lại trong các năm 2011-2012.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, những nỗ lực mới của Chính phủ về chính sách tín dụng, cải cách môi trường kinh doanh đã đem lại ổn định khá cao cho nền kinh tế vĩ mô.

Kết quả tích cực

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm không còn năm nào ở mức 2 con số như thời kỳ trước đó mà thường xuyên ổn định dưới mức 5%- là mức mà Quốc hội nhiều năm cho phép (nhưng có nhiều năm còn duy trì ở mức 3-4%).

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trở lại và duy trì ở mức khá. Đáng chú ý, năm 2018, tăng trưởng kinh tế đã đạt 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2018. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ tăng 3,54%, dưới mức Quốc hội cho phép.

Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá, song phải sang tận quý III/2019, dấu hiệu của sự bứt phá mới thực sự xuất hiện. Sự bứt phá ấy đến từ chính mức tăng trưởng GDP 7,31% của quý III/2019, sau khi chỉ đạt 6,82% trong quý I và 6,73% trong quý II/2019.

Có nghĩa là sau 3 quý, kể từ quý IV/2018, tăng trưởng GDP tính theo quý mới quay trở lại tốc độ tăng trưởng trên 7%. Quý IV/2018, tăng trưởng GDP cũng đạt mức 7,31%.

Với sự bứt phá của quý III, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đã đạt mức 6,98%, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng “đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây”.

Tăng trưởng GDP 9 tháng của các năm từ 2011 trở lại đây tương ứng là 6,03%; 5,10%; 5,14%; 5,53%; 6,53%; 5,99%; 6,41%; 6,96%; và 6,98%.

Có thể nói, duy trì được mức tăng trưởng cao, CPI thấp thực sự là một thành tựu lớn và không dễ gì đạt được và duy trì trạng thái đó trong một thời gian dài.

Thực tế cho thấy, mức tăng trưởng GDP 7,31% của quý III/2019 là những kết quả tích cực thực sự, do những nỗ lực mới đạt được.

Theo con số của Tổng cục Thống kê vừa công bố, khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2019 đạt 9,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,56% và chủ yếu nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành và toàn nền kinh tế (tăng 11,37%).

Đáng mừng là ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm, nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

Đối với các khu vực khác, nếu như 9 tháng năm ngoái, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, khu vực dịch vụ tăng 6,89%. Thì 9 tháng năm nay, duy có khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp hơn khá nhiều (chỉ 2,02%), còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng tới 9,36%, khu vực dịch vụ là 6,85%.

Đáng chú ý, nếu như đầu năm, chúng ta lo lắng bởi nền kinh tế nhập siêu, thì nay, sau 9 tháng, ước nền kinh tế đã xuất siêu 5,9 tỷ USD, một con số tích cực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây. Trước đó, năm 2017 và 2018, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% và 3,57%.

Có thể nhận thấy, môi trường kinh doanh dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng tổng quan có thể thấy, nó đã được cải thiện đáng kể từ năm 2015 trở lại đây. Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết để cải thiện môi trường kinh doanh. Kể từ đó, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được gỡ bỏ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, từ mức 98/185 năm 2012 lên mức 69/190 vào năm 2018.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã liên tục tăng kể từ năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 6% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. 

Làm sao để duy trì?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/10 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã lưu ý một số rủi ro, thách thức, tồn tại.

Theo đó, từ bên ngoài, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường. Sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của cả thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Còn vấn đề nội tại, đó giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến.

Bên cạnh đó, nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ 3 năm qua. Một số dự án giao thông trọng điểm chậm trễ mà chưa hẹn thời gian hoàn thành. Giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, 9 tháng mới đạt 45,7%, thấp hơn so với cùng kỳ dù đã đưa ra nhiều giải pháp về thực thi.

Đặc biệt, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản thấp do giá sụt giảm của một số mặt hàng. Thể chế phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm là tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. 

Tinh thần của người đứng đầu Chính phủ đó là ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. 

Hiện tại, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan bộ máy công quyền, gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu lần này đánh giá thi đua, phải xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, những kết quả của quá trình cải cách, thúc đẩy, phát triển nền kinh tế hiện đã khá rõ rệt. Nhưng làm thế nào để duy trì thành tựu: Tăng trưởng cao, lạm phát thấp trong những năm tới, không phải là chuyện dễ dàng. 

Điều này đòi hỏi Chính phủ phải nỗ lực, thận trọng hơn nữa trong việc đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển, như định hướng về một số nhiệm vụ quan trọng vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mới đây.

Trước hết về thể chế, có nhiều việc phải làm. Đó là phải tăng tính thị trường của nền kinh tế để phát huy tác động của “bàn tay vô hình”, tức là các tác động của các quy luật kinh tế; đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn, đẩy mạnh khởi nghiệp để các thành phần kinh tế phát triển...

Mặt khác, Nhà nước tập trung vào việc xây dựng các luật, các văn bản dưới luật, kiểm tra giám sát xử lý các vi phạm để bảo đảm phát huy tác động của “bàn tay hữu hình”, giảm thiểu giấy phép con, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường... Tranh thủ các nguồn vốn chuyển dịch do tác động của chiến tranh thương mại hay các FTA, nhưng sẽ chọn lọc về các mặt công nghệ, bảo vệ môi trường.

Tiếp đến tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi đầu tư, sản xuất, kinh doanh là trực tiếp tạo ra tăng trưởng. Nếu không có môi trường kinh doanh thông thoáng thì không những cản trở, mà còn làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, bởi cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược sớm được đề ra và còn khá lâu dài.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước để hạn chế tác động tiêu cực từ nguy cơ sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu do nhiều nền kinh tế lớn quay trở lại bảo hộ. Mặt khác, tiêu thụ trong nước là động lực của sản xuất kinh doanh, động lực của tăng trưởng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Làm sao duy trì GDP luôn tăng trưởng cao, lạm phát thấp? tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714322854 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714322854 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10